ĐBQH Dương Trung Quốc: Sống trong thời kỳ 4.0 mà con người chỉ 2.0 là sự lãng phí lớn!

author 16:02 05/02/2019

(VietQ.vn) - "Muốn nói cuộc cách mạng 4.0 hay 5.0, điều quan trọng nhất là phải có con người 4.0 hoặc 5.0", ĐBQH Dương Trung Quốc chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Chất lượng Việt Nam Online.

PV: Trước tiên, ông có thể chia sẻ với độc giả những yếu tố cần thiết để đưa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có những bước phát triển vượt bậc, đạt tầm vóc, sự khác biệt so với các cuộc cách mạng trước?

Ông Dương Trung Quốc: Muốn nói cuộc cách mạng 4.0 hay 5.0, điều quan trọng nhất là phải có con người 4.0 hoặc 5.0. Cũng như khi sắm ô tô sang trọng nhưng chúng ta không biết lái cũng không phát huy được hết những tính ưu việt của nó. Hơn nữa, phải tạo ra được lối sống của thời đại 4.0 như đi làm đúng giờ, làm cái gì cũng phải chính xác, lời hứa phải thực hiện. Đó tưởng là chuyện xa xôi nhưng mới chính là chủ nhân của nền công nghiệp 4.0.

Xã hội có thể phát triển không đồng đều ở chỗ này chỗ khác nhưng thủ đô là phải chuẩn, người lãnh đạo chỉ đạo một phong trào phải nhìn được con người, phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Công nghệ phù hợp với năng lực sử dụng, từng bước đi lên nhưng phải coi đó là chuẩn mực. 

Nên quan tâm tới việc xây dựng con người ở thời đại 4.0. Có những lĩnh vực chúng ta phải đi từ thực tiễn, nhanh chóng về mặt thời gian, từng bước vươn lên 4.0 chứ không chỉ là khẩu hiệu. Nếu chúng ta chỉ có con người 2.0 thì đó là sự lãng phí rất lớn khi sống trong thời kỳ công nghiệp 4.0. 

Chúng ta đã trải qua rất nhiều thời kỳ, có thời kỳ cách mạng xã hội, chúng ta có những con người tương xứng với yêu cầu đó vì thế chúng ta thành công. Còn vấn đề xây dựng kinh tế cũng đòi hỏi những con người như vậy, nhất là nhìn những vấp váp trong quá khứ. Rõ ràng, lòng yêu nước, thiện chí chúng ta không thiếu nhưng con người không phù hợp với phong cách đó, hay nói cách khác thượng tầng không phù hợp với hạ tầng sẽ dẫn tới những sai lệch, thậm chí phản tác dụng.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bên bộ sưu tập lợn (Ảnh: B.D).

PV: Trong năm qua, điện thoại Bphone 3 ra mắt cũng như những chiếc xe Vinfast chính thức gia nhập thị trường đã góp phần nâng cao tinh thần “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, ông có đánh giá gì về việc này?

Ông Dương Trung Quốc: Trong xã hội hội nhập quan trọng chúng ta phải biết lấy những gì tốt nhất để vận dụng tạo ra cái mới, cái hơn có thể bằng chất lượng, giá thành, phù hợp với tâm lý của người Việt Nam. Các doanh nghiệp cần phát huy. Vấn đề chúng ta biết lựa chọn thế nào và kết hợp thế nào cho hài hòa về mặt chất lượng và giá thành, đồng thời mang sắc thái riêng của người Việt Nam.

Điều đó không chỉ góp phần quảng bá thương hiệu mà còn tạo ấn tượng riêng với giá thành đủ cạnh tranh. Nếu không cạnh tranh được, sản phẩm đó sẽ tự đào thải mình trong sự khốc liệt của thị trường.

PV: Được biết, ông là một người thích sưu tầm những đồ vật liên quan tới con lợn. Trong bộ sưu tập của ông có hàng nghìn kỷ vật liên quan tới linh vật này. Vậy thú vui đó bắt đầu từ đâu và nó có mang lại cho ông những may mắn gì?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi cầm tinh con lợn, quý lợn từ nhỏ. Tôi bắt đầu sưu tập một cách tình cờ. Đó là nhân ngày sinh nhật tôi, một người bạn đến dự và tặng cho mình một chú lợn bé tẹo, nhưng mà xinh lắm. Để lên bàn, ngắm nghía mãi và tôi nảy ra ý nghĩ, tại sao không tìm những chú lợn khác đẹp nữa, hay nữa để... ngắm nhỉ. Thế là dù đi đâu, ở đâu, nơi nào tôi đã đặt chân đến, tôi đều lùng mua chúng. Bộ sưu tập này đã được gom nhặt suốt hơn hai mươi năm nay rồi. Khi những công việc căng thẳng ở cơ quan đã xong, về nhà, thả mình xuống ghế, ngồi ngắm những chú lợn, lòng lại thấy vui và thanh thản lạ thường.

Đó là thú vui riêng tư nhưng theo tôi các bạn trẻ cũng nên xây dựng và hình thành cho mình thú vui đó. Vì khi thành bộ sưu tập có thể thành một tài sản của xã hội. Quy luật ở đâu cũng vậy, bao giờ những đồ ở bảo tàng cũng bắt đầu từ những bộ sưu tập tư nhân. Cuộc sống rất phong phú, mỗi người chơi một thứ sẽ giúp gìn giữ, bảo tồn lại những giá trị cuộc sống. Tôi chỉ sưu tập con lợn vì nó gắn với tuổi của mình. Một thú chơi rất trẻ con nhưng khi thành bộ sưu tập nó rất quý. Với cá nhân tôi đó là một phần ký ức.

Còn mỗi người nhận ra một giá trị nào đó từ những bộ sưu tập tương tự như thế. Nhưng phàm những ai sưu tập thì không để ý nhiều đến giá cả. Vì mỗi hiện vật đều giữ trong mình những kỉ niệm, nhìn con này mình biết mình đã mua nó ở đâu, hoàn cảnh nào, ai tặng mình.

Phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảoThủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025 với mục tiêu Phát triển đa dạng các loại vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình ven biển và hải đảo..

PV: Ngày Tết ông có dành thời gian ngắm bộ sưu tập này không?

Ông Dương Trung Quốc: Ngày tết nhiều việc nên cũng không có thời gian ngắm. Khi nào rảnh tôi vẫn ngồi ngắm nghía bọn chúng, thấy con nào hay thì mang ra xem. Tôi cũng có băn khoăn giống các nhà sưu tập khác, sau này ai sẽ tiếp quản bộ sưu tập này của mình. Có ai trong nhà thích bộ sưu tập này không hay lại coi là vướng víu?

Với tôi, sưu tập một thứ gì đó không nhất thiết phải nghìn kỷ vật nhưng qua đó cũng cho mình kỹ năng quan sát, tìm hiểu khi đặt chân tới mỗi vùng miền hay một đất nước nào đó, làm phong phú thêm vốn hiểu biết của mình. Ví dụ, khi tôi sưu tập con lợn, qua tìm hiểu tôi biết sang các nước Hồi giáo sẽ khó tìm linh vật này vì người theo đạo Hồi không ưa con lợn. Cũng như con tem, khi chơi tem chúng ta sẽ hiểu hơn về hoàn cảnh ra đời con tem, những biến cố chính trị, xã hội liên quan con tem. Tất cả những điều đó đó dung dưỡng tinh thần mỗi con người.

PV: Năm Kỷ Hợi 2019, ông có những gợi ý gì cho một nền kinh tế phồn thịnh? 

Ông Dương Trung Quốc: Con lợn thể hiện hai điều là sự sung túc, nhưng sung túc trên cơ sở tích lũy. Bởi vì, không phải tự nhiên mà chúng ta dùng con lợn cho biểu tượng tiết kiệm. Vì thế theo quan điểm của tôi, chúng ta phải thực hiện được hai điều đó trong năm Kỷ Hợi 2019.

Tôi nhấn mạnh lại, mục tiêu nền kinh tế của chúng ta hướng tới sự giàu có, sung túc nhưng con đường, phương thức thì bên cạnh điều chúng ta thường nói là sáng tạo thì phải biết tiết kiệm. Tiết kiệm là phương thức mà thời đại nào con người cũng dùng tới. Tiết kiệm đồng nghĩa với việc dùng hiệu quả nhất để tạo giá trị thặng dư chứ tiết kiệm không phải sự tằn tiện, eo hẹp.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Nguyễn Huệ (thực hiện)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang