Ớn lạnh vì quảng cáo trên trời, bẫy người tiêu dùng

author 11:38 23/05/2017

(VietQ.vn) - Có thể những loại mỹ phẩm ấy không gắn mác “kem trộn” nhưng đằng sau những lời quảng cáo bị thổi phồng chất lượng, bản chất thật của chúng có thực sự khác “kem trộn” hay không?

Quảng cáo “bẫy người dùng” 

Cách đây cũng khá lâu, báo Thanh Niên chia sẻ về những kiểu quảng cáo “ớn lạnh” ngay trên truyền hình của các hãng mỹ phẩm, một thực trạng đã từng xuất hiện nói lên sự hỗn loạn của thị trường làm đẹp. Ngay trên sóng truyền hình, những hình ảnh về những cô gái làn da ngăm đen, xỉn màu chưa đầy một phút bôi kem da đã trở nên trắng bóc đã từng là đề tài được bàn tán.

 Da mặt bong tróc, mụn mọc chi chít do dùng mỹ phẩm kém chất lượng.

Không cần đi thẩm mỹ, chỉ cần một giọt sẽ có làn da đẹp tự nhiên. Một giọt đã có thể cảm nhận được, một chai đã thấy ngay hiệu quả, giúp làn da trắng hồng mịn màng, không còn khuyết điểm. Một giọt tinh hoa giải quyết vấn đề về da... Jumvon number seven, nhà ảo thuật về da tuyệt vời…”; Đây được xem là “tứ đại thiên vương, thiên hạ tuyệt đỉnh, đắt giá của mỹ phẩm”, giúp da trắng hơn, không còn đốm nâu. Sử dụng tức thì, thay đổi toàn diện, sử dụng lâu dài nét đẹp bền lâu. Chỉ cần một chai là xong ngay, tạo vẻ đẹp tự nhiên, tươi tắn. Thật là kỳ diệu!” là những lời quảng cáo mà người dẫn chương trình dành cho Jumvon number seven hay Super Yuna BB cream, kèm theo đó là những lời hối thúc mua hàng. Chúng khiến nhiều người tỉnh táo hoài nghi nhưng cũng đã đủ để khiến không ít người “yếu lòng” khác sập bẫy. Những kiểu quảng cáo ấy, sau khi bị rà soát bởi cơ quan quản lý đã không còn bắt gặp lại.

Giữa năm 2015, VTV từng có một loạt phóng sự về hành vi kinh doanh mỹ phẩm thiếu đạo đức của Jenny Cosmetics khi gian dối về xuất xứ (nhãn sản phẩm ghi “made in Korea” nhưng thực chất sản phẩm lại được sản xuất tại một xưởng sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh), nhãn hàng hóa, thành phần… Một trong những tác hại đau đớn nhất mà Jenny Cosmetics để lại chính là sự tàn phá làn da khi người dùng mỹ phẩm đã bị chẩn đoán là “viêm da”, “nhiễm độc da” do dùng mỹ phẩm.

Với hành vi kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định... hãng mỹ phẩm này đã bị phạt 195 triệu đồng.

Lời cảnh báo

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online về vấn đề quảng cáo tràn lan của các hãng mỹ phẩm, đại diện thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu doanh nghiệp không cung cấp được tài liệu chứng minh quảng cáo đã được cấp phép, hay doanh nghiệp quảng cáo những công dụng không đúng hoặc gây nhầm lẫn so với công bố sẽ phải chịu hình thức xử phạt theo quy định pháp luật.

Liên quan đến hình thức xử phạt cho những hành vi quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, Luật sư Phạm Thị Thanh Nga (Công ty Luật TNHH HPVN) cho biết: “Nghị định 158/2013/NĐ-CP, điều 51, khoản 5 quy định: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.

Ngoài việc bị xử phạt, các đơn vị quảng cáo sai sự thật còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này; Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.”

Hải Yến

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang