Áp dụng tối đa chứng từ điện tử trong đơn giản hóa thủ tục hành chính

author 16:36 20/02/2019

(VietQ.vn) - Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, năm 2019 sẽ tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như áp dụng tối đa chứng từ điện tử trong việc đơn giản hóa hồ sơ thủ tục hành chính.

Tại phiên họp lần thứ 4 về kiểm điểm kết quả triển khai nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, năm 2019, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN phát triển.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. 

Theo đó, tính đến ngày 30/01/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 173 thủ tục hành chính (TTHC) của 13 Bộ, ngành kết nối với gần 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27 ngàn doanh nghiệp (DN). Bộ Tài chính và các Bộ, ngành đã hoàn thành triển khai mới 106 thủ tục, hoàn thành 77% (106/138) so với mục tiêu năm 2018 đề ra. Dự kiến đến hết Qúy I năm 2019, tổng số TTHC sẽ triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia là 180/250 thủ tục đến năm 2020 (chiếm 72%).

Với Cơ chế một cửa ASEAN, tính đến ngày 30/01/2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan) là 63.428. Tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 108.753. Việt Nam là một trong 5 nước ASEAN đầu tiên trao đổi C/O điện tử mẫu D, đồng thời nước ta cũng đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan điện tử ASEAN (ACCD) và chứng nhận kiểm dịch động thực vật.

Việc kết nối các đối tác thương mại ngoài ASEAN như Liên minh Kinh tế Á - Âu và Hàn Quốc cũng đang được Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán và chuẩn bị theo kế hoạch.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, để thúc đẩy việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, năm 2019, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, tập trung rà soát và tiến hành sửa đổi các nghị định, quy định về TTHC trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh theo định hướng: cắt giảm các TTHC không cần thiết; đơn giản hóa quy trình thực hiện TTHC; đơn giản hóa bộ hồ sơ, chứng từ cần phải nộp/xuất trình theo hướng áp dụng tối đa chứng từ điện tử; sử dụng lại các thông tin, chứng từ điện tử, quyết định hành chính thuộc thành phần hồ sơ đã được lưu trữ trên hệ thống một cửa quốc gia để thực hiện TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia thay vì yêu cầu DN, tổ chức nộp/xuất trình các thông tin, chứng từ, quyết định hành chính đó.

Ngoài ra, tạo cơ sở pháp lý cho việc thuê dịch vụ hoặc sử dụng các dịch vụ do bên thứ 3 cung cấp để đưa ra các tiện ích cho cả DN và các cơ quan nhà nước.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát việc tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ của các Bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ thông qua việc công bố ấn phẩm về các báo cáo thường niên liên quan đến đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan; đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng DN trong quá trình thực hiện các dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành.

Kiểm tra chuyên ngành hàng hóa: Chuyển động nhưng vẫn còn không ít... 'điểm nghẽn'(VietQ.vn) - Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định, vấn đề kiểm tra chuyên ngành hàng hóa đã chuyển động nhưng vẫn còn nhiều "điểm nghẽn".

Phương Mai

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang