1 lời cảm ơn, 2 lần xin lỗi và tòa nhà 3 triệu đô la

author 06:23 24/03/2013

Hôm 22/3, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình ít nhất đã 2 lần nói lời xin lỗi, nhận trách nhiệm trước các vấn đề của ngành tòa án; sau đó, trong việc đưa ra các biện pháp, ông nhắc đến tòa công sở trị giá 3 triệu USD làm nơi đào tạo đội ngũ thẩm phán “vừa hồng vừa chuyên”.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22.3. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22.3. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

 

 Không loại trừ có tiêu cực - xin cảm ơn đồng bào

Là người đầu tiên chất vấn tại nghị trường, Viện trưởng Viện KSND Lâm Đồng Đỗ Văn Đương nói thẳng vào 2 vấn đề nóng gây bức xúc nhất hiện nay: Số bị cáo được hưởng án ''treo'' chiếm tỉ lệ cao, có nơi đến 45%, gây hoài nghi trong dư luận về tiêu cực và chạy án”; “giám đốc thẩm dân sự chỉ giải quyết được hơn 50% số đơn”. 

Nêu cụ thể về hiện tượng “Có trường hợp sắp hết kháng nghị, thậm chí có quyết định cưỡng chế mới kháng nghị, lại có trường hợp vừa xét xử xong đã có kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm ngay, đặc biệt những vụ liên quan đến đất đai có giá trị lớn, gây hoài nghi trong dư luận về việc chạy án”- Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp khẳng định “có biểu hiện không bình thường” và chỉ thẳng địa chỉ trách nhiệm “kể cả cấp Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao”.

Chánh án Trương Hòa Bình mỉm cười khi dẫn nghị quyết của ngành tòa án. Theo ông, tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu (chiếm từ 6-8% số đối tượng). Ông Bình lý giải trong các vụ tham nhũng “số thừa hành chiếm số đông”, họ lại là “cán bộ công chức nhà nước có nhân thân tốt”,  việc xét xử vì thế tòa án cần vận dụng chính sách hình sự nghiêm trị với người cầm đầu, đúng mức độ, nhưng cũng áp dụng chính sách khoan hồng với người tự thú, tự giác khắc phục hậu quả, tố giác tội phạm…

Về dư luận hoài nghi tiêu cực chạy án, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nói “Không loại trừ có tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử” và ông “xin cảm ơn” từ đồng bào, đại biểu Quốc hội cho đến báo chí “đã quan tâm phản ánh”.

Thời gian vật chất không đủ

Giải thích về tình trạng các vụ án được chậm đưa ra xét xử, “chúng tôi thấy có trách nhiệm”- Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao bình tĩnh nhận lỗi và hứa sẽ cố gắng khắc phục, dù không đưa ra bất cứ con số nào cụ thể. 

Sử dụng thuật ngữ “thời gian vật chất” không đủ; theo ông Bình, số lượng kháng nghị chiếm 50% số đơn. Trong khi đó, Hội đồng thẩm phán mỗi tháng họp 1 lần chỉ giải quyết được 20 vụ, mỗi năm chỉ có thể xem xét giải quyết trên dưới 200 vụ trong tổng số hơn 300 vụ . 

Chất vấn về tình trạng án tuyên không rõ ràng, Đại biểu Quốc hội Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) dẫn báo cáo ngành tòa án cho biết chỉ trong năm 2012, số bản tuyên không rõ đã giảm 600 trường hợp. 

Tuy nhiên, vẫn có tới 1.198 trường hợp khó thi hành do “án tuyên không rõ ràng”. Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì nhắc đến tình trạng “toàn ngành còn 869 vụ để quá thời hạn giải quyết”- ông hỏi thẳng Chánh án có dám hứa: “Hứa chấm dứt tình trạng án quá hạn?”.

Lần thứ hai xin nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, với tình trạng án tuyên chưa thi hành được do không rõ, lần lượt là 1.770 trường hợp năm 2010, 1.702 năm 2011 và 1.198 năm 2012. 

Ông cũng giải thích, án chưa thi hành được có 3 trường hợp: Tòa án không thể giải thích được; phải giải thích mới có thể thi hành và có thể giải thích; tuyên nhưng chưa thi hành được. Theo ông, tình trạng này “có trách nhiệm của cơ quan thi hành án, của VKSND chứ không chỉ của tòa án”. 

Trong 3 giải pháp “đột phá”, Chánh án Trương Hòa Bình đề cập đến việc chú trọng đào tạo đội ngũ thẩm phán “vừa hồng vừa chuyên”. Theo ông, một tòa công sở trị giá 3 triệu USD sẽ được đầu tư để “xây dựng cơ sở vật chất khang trang” cho việc đào tạo thẩm phán.   

Theo Lao Động

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang