10 container qua cảng: Chi cục trưởng Hải Quan nói gì?

author 07:38 14/01/2014

Ông Võ Văn Bông, Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 trả lời với phóng viên báo về vụ 10 container hàng lậu “lọt” lưới hải quan.

Thưa ông, qua kiểm tra của công an và QLTT, rất nhiều mặt hàng trong 10 container phải có giấy phép con như rượu ngoại, mỹ phẩm, xương động vật… thậm chí cả hàng cấm nhập là đồ điện tử đã qua sử dụng nhưng vẫn được thông quan?

Lô hàng 10 container được thông quan qua cảng ngày 30/12/2013 theo tờ khai của doanh nghiệp (DN) là hàng bách hóa nên gồm rất nhiều chủng loại khác nhau. Hệ thống hải quan điện tử xếp lô hàng này vào luồng đỏ, theo nguyên tắc sẽ kiểm tra 5% hàng hóa thực tế của lô hàng. Về mặt quản lý, hải quan không nắm được hợp đồng, cách thức đặt hàng của DN ra sao. Tuy nhiên, nếu DN cố tình gian lận thì cái gì cũng có thể làm được, như việc không kê khai đầy đủ các mặt hàng hoặc không có giấy phép con vẫn nhập hàng. Đây là trách nhiệm của DN trước pháp luật khi tự khai trên hệ thống hải quan điện tử.

Theo quy định, hàng được xếp vào luồng đỏ phải kiểm tra thực tế tối thiểu 5% lô hàng nhưng khi QLTT kiểm tra chỉ có vài kiện hàng bị rạch, thưa ông?

Theo Luật Hải quan, hàng hóa được xếp vào luồng xanh có mức độ rủi ro thấp nhất nên cho thông quan ngay, luồng vàng kiểm tra hồ sơ trên giấy và luồng đỏ kiểm tra hàng hóa thực tế cùng hồ sơ giấy.

Luật cho phép kiểm tra tối thiểu 5% hoặc cao hơn từ 5%-10% và tùy theo quá trình thực tế, nhân viên hải quan nghi ngờ lô hàng có thể báo cáo lãnh đạo chi cục tăng mức độ lên cao nhất là 100%. Việc kiểm tra tùy thuộc cán bộ hải quan, kiểm chỗ nào, vị trí nào trong container, lô hàng…

Dư luận cho rằng 10 container hàng lậu được thông quan là có sự “bắt tay” giữa cán bộ hải quan với DN?

Trong trường hợp này, nếu cán bộ hải quan làm đúng quy trình, không có nghi vấn rồi cho thông quan là đúng luật. Còn vấn đề anh không phát hiện hàng gian, hàng giả có thể do độ nhạy bén, nghiệp vụ chưa cao, trách nhiệm sẽ dừng lại ở yếu tố nghiệp vụ. Nếu anh làm không đúng, kiểm tra thấy vi phạm mà vẫn cho thông quan là sai! Còn có hay không việc “bắt tay” với DN phải chờ kết luận của cơ quan điều tra vì phải có chứng cứ. Chúng tôi không giấu giếm, không bênh vực mà sẽ nghiêm túc xử lý, sai tới đâu xử tới đó. Hiện cơ quan công an đang điều tra và có yêu cầu Chi cục Hải quan phối hợp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên nhiều kiện hàng có tên, địa chỉ cụ thể của người nhận và chủ lô hàng chỉ là người chở thuê. Hiện cơ quan công an đang xác minh chủ hàng. Liệu có đường dây chuyên “đánh” hàng thuê và bao luôn khâu thông quan?

Nếu nói chủ hàng chở thuê cũng có thể xảy ra bởi với hải quan điện tử, DN làm tờ khai qua mạng nên có nhiều “chiêu trò” để được thông quan. Chẳng hạn, có DN làm tờ khai nhưng mạo danh mã số công ty khác, đến khi cán bộ hải quan truy ra mới biết. DN thường mạo danh những đơn vị làm ăn tốt, có uy tín, chưa vi phạm pháp luật… để dễ dàng được thông quan mà hải quan rất khó phát hiện. Hệ thống thông quan điện tử tạo điều kiện cho DN làm ăn chân chính nhưng không ít DN làm ăn gian dối, gian lận thương mại, hàng nhiều khai ít để trốn thuế vẫn thường xảy ra.

Còn việc có hay không đường dây chuyên làm dịch vụ thông quan chúng tôi chưa biết được. DN làm dịch vụ chỉ một vài người, còn dịch vụ có tổ chức chắc không ai làm. Hơn nữa, việc móc nối với hải quan một cách có tổ chức tôi khẳng định là không có, còn móc nối với một vài công chức hải quan nào đó thì không loại trừ nhưng tôi không dám khẳng định.

Theo NLD

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang