10 hạng mục bứt phá của ngành ngân hàng trong năm 2018

author 09:30 31/12/2018

(VietQ.vn) - Năm 2018 có không ít những kỷ lục của ngành ngân hàng được xác lập với những chỉ tiêu kinh doanh bứt phá và cải thiện tỉ lệ an toàn, tỉ lệ nợ xấu giảm nhẹ.

 

Ảnh minh họa.

Hôm nay, ngày cuối cùng của năm 2018, một năm chứng kiến không ít thăng trầm của ngành Ngân hàng, trong đó có không ít những kỷ lục được xác lập với những chỉ tiêu kinh doanh bứt phá và cải thiện tỉ lệ an toàn, tỉ lệ nợ xấu giảm nhẹ.

Thứ nhất, tài sản ước tính của các tổ chức tín dụng: Theo báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), trong năm 2018, tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2017. Theo đó tổng tài sản ước tính hiện tại khoảng 11.152.000 tỉ đồng.

Trong đó, tổng tín dụng ước tăng khoảng 14-15% (năm 2017 tăng 17,6%) - mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm gần đây, nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thứ 2, tăng trưởng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng: Theo ước tính của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, lợi nhuận sau thuế của TCTD năm 2018 ước tính tăng khoảng 40% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 52,3%). Các chỉ tiêu sinh lời tiếp tục được cải thiện, ROA ước đạt 0,9% (năm 2017: 0,73%), ROE ước đạt 13,6% (năm 2017: 11,22%).

Thứ 3, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng ổn định: Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của NFSC cho biết, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng ổn định so với năm 2017. Vốn huy động ước tăng 15% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 14,6%).

Đáng chú ý là năm 2018, tình hình huy động vốn ngoại tệ tăng mạnh. Vốn huy động ngoại tệ tăng khoảng 17% (năm 2017: 2,1%), chiếm 9,9% tổng vốn huy động. Vốn huy động VND tăng khoảng 14,3%, chiếm 90,1% tổng vốn huy động. 

Thứ 4, tăng trưởng tín dụng: Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 20/12, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước tính đạt 13,3% so với cùng kỳ năm 2017 (năm 2017 đạt 16,96%). Theo đó, đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong những năm gần đây.

Nhìn lại một năm cổ phiếu ngân hàng, tìm kiếm triển vọng cho năm 2019(VietQ.vn) - Lịch sử tăng điểm mạnh trong năm 2017 đã không lặp lại đối với cổ phiếu ngân hàng trong năm 2018 với loạt cổ phiếu giảm giá so với đầu năm.

Thứ 5, tỉ lệ nợ xấu: Theo nhận định của NFSC, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, hệ thống TCTD xử lý được khoảng 30% nợ xấu xác định tại thời điểm 15/8/2017.

Cụ thể, theo báo cáo từ các TCTD, tỷ lệ nợ xấu năm 2018 giảm nhẹ ở mức 2,4% so với cuối năm 2017 (năm 2017: 2,5%). Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017: 65,4%).

Thứ 6, ngân hàng tất toán nợ xấu VAMC: Giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác. Một số ngân hàng thương mại đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC (Vietcombank, Teckcombank, Vietinbank, MBbank, VIB) hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý.

Thứ 7, ngân hàng đạt chuẩn BASEL II: Tính đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống (khoảng 100 tổ chức tín dụng, trong đó có trên 30 ngân hàng thương mại) mới chỉ có 3 đơn vị đạt chuẩn basel II được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng từ năm 2019 là OCB, Vietcombank, VIB.

Năm 2020 là thời điểm để 10 ngân hàng thí điểm là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Teckcombank, ACB, VPbank, MBbank, Maritimebank, Sacombank và VIB áp dụng phương pháp này.

Thứ 8, kiều hối kỷ lục: Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng tăng mạnh vào cuối năm. Ước tính đến thời điểm này, lượng kiều hối gửi về nước là 18,9 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP cả nước.

Các ngân hàng cho biết, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm. Năm nay, do Tết Nguyên đán đến sớm, gần với Noel và Tết Dương lịch, kiều bào sẽ tập trung gửi tiền về dịp năm mới cho người thân ăn Tết, lì xì và mừng tuổi. Vì thế, lượng kiều hối chuyển về hứa hẹn sẽ rất khả quan.

Đáng chú ý lượng kiều hối gửi về nước 12 năm trở lại đây tăng ổn định trong khoảng 10-15% mỗi năm.

Thứ 9, vốn hóa ngân hàng niêm yết: Tính đến 29/12, vốn hóa của 17 ngân hàng đang niêm yết đạt hơn 731 nghìn tỉ đồng. Trong đó, đứng đầu danh sách là Vietcombank, tiếp sau là BIDV.

Thứ 10, ngân hàng niêm yết: Tính đến cuối năm 2018, có 17 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong đó, 10 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, 4 ngân hàng trên sàn chứng khoán Hà Nội và 3 ngân hàng trên sàn UPCoM.

Nguyễn Huệ

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang