10 năm thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Vẫn 'nặng' về hành chính

author 06:18 20/05/2017

(VietQ.vn) - Các vụ việc giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam được xử lý tại Tòa án chiếm số lượng không đáng kể so với các vụ việc được giải quyết theo cơ chế hành chính. Vậy đâu là nguyên nhân hiện trạng này?

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

“Hành chính hóa” trong hoạt động thực thi quyền

Theo số liệu thực thi quyền SHTT của các Bộ, ngành được tổng kết theo Chương trình hành động 168, số lượng các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) bị các cơ quan thực thi xử lý bằng biện pháp hành chính gia tăng với tỷ lệ khá cao, ví dụ: số lượng các vụ xâm phạm quyền SHCN bị xử lý hành chính trong năm 2013 có tỷ lệ tăng rất cao so với năm 2012, cụ thể là: 105,8% đối với Thanh tra Khoa học và Công nghệ (KH&CN), 102,9% đối với Công an kinh tế, 136,4% đối với Quản lý thị trường.

 Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ cho thấy, hoạt động thực thi quyền SHTT vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh Thanh Uyên

Các cơ quan thực thi quyền cũng có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN. Theo số liệu thống kê của cơ quan Quản lý thị trường, trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2016, các cơ quan Quản lý thị trường trong cả nước đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 179.857 vụ có liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Với chức năng của cơ quan có thẩm quyền thanh tra, xử lý hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHCN, trong giai đoạn từ tháng 7/2006 đến hết tháng 6/2016, Thanh tra Bộ KH&CN đã tiến hành 386 vụ thanh tra trong lĩnh vực SHCN, xử phạt hành chính đối với 269 vụ.

Theo bà Đỗ Thị MinhThủy – Thanh tra Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2012-2015 các vụ việc xử lý vi phạm được giải quyết bằng đường tòa án chỉ có 177 vụ việc và 55 vụ được đưa ra xét xử, trong đó có 12 vụ án hình sự.

Theo số liệu trên có thể nhận thấy, các vụ việc giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Việt Nam được xử lý tại Tòa án chiếm số lượng không đáng kể so với các vụ việc được giải quyết theo cơ chế hành chính. Vậy đâu là nguyên nhân hiện trạng này?

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT, KH&CN, thực tiễn cho thấy hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHCN đều được xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt cảnh cáo, phạt tiền và tịch thu hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu.

Theo số liệu thống kê của ngành tòa án, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp so với hàng chục ngàn các vụ xâm phạm quyền bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả, các tranh chấp trong lĩnh vực SHCN chiếm tỷ lệ rất thấp. Số lượng các vụ xâm phạm quyền bị xử lý về hình sự cũng không nhiều .

Theo các chuyên gia, tuy đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi quyền SHCN, nhưng thực tế cho thấy tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, làm nản lòng các nhà đầu tư, gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội.

Có thể khẳng định rằng, một trong những điểm yếu và thách thức lớn nhất của hệ thống SHCN của nước ta hiện nay là chính là hiệu quả của hoạt động thực thi quyền còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc thực thi quyền SHCN bằng biện pháp tư pháp.

Thời gian qua biện pháp hành chính được áp dụng chủ yếu để thực thi quyền SHTT. Ảnh Huy Hùng

Thiệt đơn thiệt kép

Nhiều cơ quan, Bộ, ngành, tổ chức và địa phương có chung nhận định là trong ba biện pháp (dân sự, hành chính, hình sự) được áp dụng để thực thi quyền SHTT ở nước ta, thì biện pháp hành chính chiếm vai trò chủ đạo. Các chế tài dân sự hoặc hình sự rất ít được áp dụng và không phát huy được hiệu quả.

“Thực trạng "quá thiên về hành chính" trên dẫn tới hậu quả là quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền chưa được bảo vệ thỏa đáng, hiệu quả của công tác thực thi quyền còn thấp”, ông Lê Ngọc Lâm nhận định.

Cũng theo ông Lâm, thực trạng “hành chính hóa” trong hoạt động thực thi quyền ở nước ta xuất phát từ một số nguyên nhân như một số hành vi xâm phạm quyền SHCN mang bản chất dân sự bị quy định thành vi phạm hành chính và bị xử phạt hành chính.

“Thực tế cho thấy có nhiều vụ việc có những vụ xâm phạm quyền ở mức độ rất nghiêm trọng, giá trị hàng hóa xâm phạm lên tới trên 500 triệu đồng, ảnh hướng xấu đến trật tự xã hội, môi trường kinh doanh, nhưng vẫn xử phạt hành chính, trong khi đó, đối với biện pháp hình sự, giá trị hàng hóa vi phạm chỉ từ 50 triệu đồng cũng có thể bị xử lý về hình sự”, ông Lâm cho biết.

Nhiều cơ quan, địa phương cho rằng mức xử phạt hành chính do các cơ quan thực thi áp dụng hiện nay chưa đủ mạnh để đảm bảo tính nghiêm minh, không đủ sức răn đe, ngăn ngừa hành vi xâm phạm. Với cách phạt theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, “phạt cho tồn tại” khiến cho tình trạng tái phạm xảy ra rất phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh, làm nản lòng các nhà đầu tư và chủ thể quyền, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội.

“Không thể phủ nhận rằng thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính là điều cần thiết để thực hiện cam kết quốc tế trong bối cảnh hệ thống tư pháp còn chưa thực sự phát triển để đảm đương vai trò này. Tuy nhiên, từ góc độ đảm bảo hài hòa giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích cộng đồng, cơ chế xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính dường như đang làm Việt Nam "thiệt đơn thiệt kép", bà Đỗ Thị MinhThủy – Thanh tra Bộ KH&CN nói.

Càng nhiều quyền sở hữu trí tuệ, sức cạnh tranh của doanh nghiệp càng cao(VietQ.vn) - “Quốc gia, doanh nghiệp nào có được càng nhiều quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) thì năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp đó càng cao”

Thanh Uyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang