10 sản phẩm hàng hóa 'gây sốc' năm 2012

author 09:36 27/12/2012

(VietQ.vn) – Phát hiện hóa chất độc hại trong đồ chơi thú nhún của trẻ, hàng hiệu nhái tràn chợ, áo ngực Trung Quốc chứa “chất lạ”, lồng đèn có chất độc gấp 123 lần mức cho phép, pha lẫn tạp chất xăng dầu bẩn… là những sản phẩm hàng hóa gây sốc trong năm 2012.

1. Hàng hiệu nhái tràn chợ

Những năm gần đây mốt xài hàng hiệu trong một bộ phận không nhỏ những tín đồ thời trang Việt ngày càng tăng. Tuy nhiên, đa số hàng hiệu đến tay người dùng đều qua đường xách tay, hoặc mua bán trôi nổi theo kiểu chợ trời… theo kiểu tin nhau là chính.

 

Nắm bắt được tâm lí "sính ngoại" của người tiêu dùng trong nước, nhiều trang web mua sắm theo nhóm chào bán rất nhiều các sản phẩm thời trang có thương hiệu như DG, Gucci, LV, Hermes với giá “sale” từ 50 % - 80%. Thế nhưng, mức giá “sale” cũng thuộc dạng “siêu bèo” đến mức không thể tin tưởng nổi hàng “hiệu” lại rẻ đến mức như thế… 

Không chỉ bày bán đồ thời trang, nhiều trang web mua sắm theo nhóm còn đăng bán khá nhiều các loại mĩ phẩm có thương hiệu như Etude, The Face Shop, L’oreal, MAC… Trong khi đó, theo thông tin từ đại diện của các công ty, đơn vị được nhượng quyền phân phối các dòng mĩ phẩm nổi tiếng trên đều khẳng định, không có chương trình “liên kết” gì với mô hình bán hàng mua sắm theo nhóm kiểu này và cũng không hề có đợt sale đến 80%.

Thời gian gần đây dư luận đang xôn xao vụ hàng hiệu Italy đội lốt hàng ‘tàu’ để trốn thuế được bắt quả tang tại tầng hầm khách sạn Sheraton. Kiểm tra 3 xe tải khác đang đậu bên ngoài khách sạn này, cảnh sát cũng tìm thấy rất nhiều thùng hàng đựng quần áo, giầy dép, dây nịt mang nhãn hiệu Gucci, Dolce&Gabbana... Trong tờ khai nhập khẩu, số hàng hiệu này được khai báo với giá cực rẻ vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn đồng. Toàn bộ lô hàng nhập khẩu chỉ phải chịu thuế hơn 20 triệu đồng.

2. Áo ngực Trung Quốc chứa “chất lạ”

Thông tin áo ngực chứa túi dung dịch có hạt lạ khiến chị em phụ nữ trên nhiều tỉnh thành trong cả nước hoang mang, sợ hãi.

Theo kết quả kiểm tra của Viện Khoa học hình sự, các hạt tròn màu trắng trong các túi dung dịch không màu, trong suốt trên 4 áo lót nữ lấy tại các gian hàng chợ Đồng Xuân và phố Hàng Đào (Hà Nội) này là nhựa PS (Polystyrene Composit), không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

 

Ngoài ra, dung dịch không màu, không mùi, trong suốt trong các túi polyme dẻo trong các mẫu phân tích là dầu khoáng (Mineral seal Oil), có tỷ trọng 0,84, không tìm thấy các chất độc và các chất có hại với sức khỏe con người. Với dầu khoáng tinh chế sử dụng trong y học và thực phẩm cần kiểm nghiệm chặt chẽ các thành phần này theo quy định quốc tế.

Ông Huỳnh Phước Nhất, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm - Sở Y tế Quảng Nam, cho biết: Theo kết quả kiểm nghiệm 2 chất lạ trong áo ngực phụ nữ, chất lỏng là dầu khoáng (mineral oil) và các viên hình cầu chứa trong gói dung dịch có thành phần chính là polystyrene - sẽ gây ung thư cho người tiếp xúc trực tiếp quá nhiều.

3. Công nghệ làm giả phụ tùng xe máy, pha trộn xăng tạp chất, gas lậu

Ngày 20/12, trinh sát thuộc thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TPHCM phát hiện ông Nguyễn Văn Nhựt (41 tuổi, ngụ quận Tân Phú) đang vận chuyển 4 thùng các tông có dấu hiệu khả nghi nên dừng xe kiểm tra. Khui các thùng ra, công an phát hiện bên trong chứa 100 ốp lốc máy hiệu Honda.

 

Thời điểm bị dừng xe kiểm tra, ông Nhựt mới đi ra từ cơ sở khắc in chữ của ông Nguyễn Quốc Doãn ở đường Liên khu 5-11-12 (phường Bình Trị Đông quận Bình Tân). Khai thác nhanh, ông Nhựt khai báo vừa chuyển số ốp lốc máy giả này đến đây dập chữ rồi mang đi tiêu thụ.

Kiểm tra khẩn cấp cơ sở khắc in chữ của ông Nguyễn Quốc Doãn, Cảnh sát kinh tế thu giữ thêm 12 thùng các tông khác chứa gần 400 miếng ốp lốc máy giả.

Từ khai báo của ông Nhựt cho thấy, số lốc máy trên được ông này mua từ một công ty đóng trên đường Phan Anh (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) với giá 55.000 đồng/cái rồi mang đi bán kiếm lời. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 8/2012, trong một lần đi nhậu, ông Nhựt đã làm quen và biết ông Doãn làm nghề khắc chữ nên “đặt hàng” cơ sở này.

Sau khi đã “hô biến” các miếng ốp trái, ốp phải thành ốp lốc máy của hãng xe Honda, ông Nhựt chở từ cơ sở khắc chữ của ông Doãn đến chợ Tân Thành và đường Dương Tư Giản (quận 5) bán lại cho nhiều điểm mua bán phụ tùng xe máy.

Trước đó, cơ quan báo chí cũng đã phanh phui đường dây chuyên san chiết gas lậu, xăng dầu bẩn đem phân phối với số lượng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Xăng dầu bẩn được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cháy nổ xe máy hàng loạt trong cả nước. 

4. Mối họa từ thang máy kém chất lượng

Theo khảo sát thị trường mới đây của một công ty sản xuất thang máy Việt Nam , thị trường Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ khoảng 1.000 thang máy mỗi năm. Hiện nay nước ta có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất thang máy nội địa, tuy nhiên trong số đó không ít công ty hiện vẫn không có quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng và an toàn, do vậy đã làm ảnh hưởng đến sự tin chọn thang trong nước của các nhà đầu tư.

 

Nhiều chủ đầu tư hiện nay vẫn không chú trọng nhiều tới vấn đề bảo dưỡng cho sản phẩm của mình, do vậy dẫn tới không ít hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là thời gian qua, liên tiếp các sự cố gây chết người liên quan đến thang máy đã xảy ra. Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về chất lượng thang máy được lắp đặt trong các tòa nhà cao tầng. Nhất là sự cố chết người tại chung cư CT3 Constrexim (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) như giọt nước tràn ly, khiến dư luận bức xúc.

Về vấn đề tai nạn thang máy trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hải Đức -Giám đốc Công ty cổ phần Gama Việt Nam, đại diện hãng thang máy Nippon tại Việt Nam cho biết, nguyên nhân phần lớn là do ý thức của chủ đầu tư cũng như vấn đề bảo dưỡng sản phẩm sau khi lắp đặt. Theo tiêu chuẩn, thang máy 2 tháng bảo dưỡng một lần nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chủ quan, không thực hiện đúng.

Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp cung cấp thang máy trong nước cho biết, là hiện nay chưa có cơ quan nào kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật của thang máy. Trong khi đó, cả chủ đầu tư và người dùng vẫn chưa quan tâm đến an toàn của thang máy, họ không biết rằng nếu qua một thời gian sử dụng, dây cáp sẽ rão đi, các thiết bị khác sẽ hư hỏng, như vậy rất nguy hiểm khi sử dụng. Trong tương lai gần, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, để nâng cao chất lượng thang máy nội địa, nhà nước cần phải đưa ra các tiêu chuẩn sản xuất cũng như kiểm định, kiểm tra an toàn thang máy sát sao hơn nữa.

5. Đồ chơi trở nên nguy hiểm

Kết quả kiểm tra liên ngành đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em do Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (TCĐLCL) chủ trì dịp 1/6 cho thấy, sai phạm về nhãn hàng hóa ở đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc vẫn chưa có chiều hướng giảm. Nhiều sản phẩm không ghi nhãn phụ và cảnh báo nguy hiểm kèm theo.

 

Theo nhận định của cơ quan quản lý, lĩnh vực sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước vẫn nhỏ lẻ và chỉ chiếm một thị phần tương đối khiêm tốn trên thị trường hiện nay. Qua tìm hiểu tại một số điểm chuyên bán đồ chơi trẻ em trên địa bàn Hà Nội như phố Lương Văn Can, Hàng Mã, Đinh Lễ, Cầu Giấy..., PV nhận thấy đồ chơi trẻ em được bày bán tràn lan chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Thông tin từ Vụ bảo vệ Bà mẹ - Trẻ em Bộ Y tế, từ năm 2007 đến nay đã có hơn 48.000 trẻ bị tai nạn thương tích do sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm. Bác sỹ Trương Bích Hạnh - Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng nhận định trẻ em dưới 36 tháng tuổi nhập viện do nuốt phải các “vật lạ” rơi rụng từ đồ chơi tăng đáng kể trong thời gian qua. Chị Hạnh cũng cảnh báo, phụ huynh không nên mua đồ chơi dễ bị gãy vỡ, dễ long tróc hay các loại đồ chơi lắp ráp cho trẻ, vì không kiểm soát được trẻ nuốt phải sẽ rất nguy hiểm.

6. Lồng đèn chất độc gấp 123 lần mức cho phép

Hai mẫu lồng đèn được đưa đến Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học kiểm tra là một chú chuồn chuồn có đôi cánh màu xanh, điểm vài bông hoa màu xanh da trời với đôi mắt xanh biếc và một lồng đèn nhựa hình con chim vừa biết vỗ cánh lại biết chạy nhảy tung tăng nếu lắp pin vào sử dụng. Cả hai đều có giá từ 65.000- 75.000 đồng/chiếc.

 

Theo kết quả kiểm nghiệm, thành phần nhựa trong hai mẫu lồng đèn nói trên không độc hại. “Dù sản phẩm của hai nhà phân phối khác nhau, của hai địa chỉ sản xuất khác nhau nhưng đều có chung một nguyên liệu sản xuất là nhựa APS (nhựa tái chế) và PE” - TS Trần Ngọc Quyển, phó trưởng phòng vật liệu - hóa dược Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, cho biết. Tuy nhiên, nhà phân phối chỉ ghi chung chung hoặc ghi không đúng thành phần như kết quả kiểm nghiệm. Lồng đèn con chuồn chuồn chỉ được ghi chung chung về thành phần là “nhựa”, còn lồng đèn con chim thì ghi sai thành phần gồm nhựa PP, PE mà không phải là ABS và PE.

Đáng chú ý, kết quả kiểm nghiệm nói trên ở mẫu lồng đèn con chuồn chuồn cho thấy hàm lượng Cd trong sơn phủ rất cao: 7.390 microgram/kg (muối cadimi sử dụng như là chất tạo màu trong nhiều loại nhựa). Lượng Cd này gấp đến nhiều lần mức cho phép.

Theo đó, ông Trần Hùng - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương - khẳng định sẽ chỉ đạo rà soát kiểm tra, thu hồi và kiến nghị cấm nhập khẩu mặt hàng này. Ông Hùng cho biết theo quy định, tất cả các loại đồ chơi đưa ra lưu thông trên thị trường phải đảm bảo chất lượng, được kiểm soát chặt chẽ về độ an toàn phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN3). Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu, tất cả sản phẩm đều phải được kiểm định, gắn dấu hợp quy trước khi nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

7. Thú nhồi bông nhồi đủ thứ độc hại

Nhiều cơ sở sản xuất thứ bông “nhồi nhét” trong ruột của loại đồ chơi phổ biến này không chỉ phế phẩm may mặc và xốp nhựa, nhiều cơ sở còn nhồi “tả pí lù” cho thú bông.

Tại cơ sở của bà Út ngụ ở khu phố 10 (P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân), trong căn phòng rộng 10m2, bà Út nhanh tay nhồi một con gấu bông nhỏ hỗn hợp gồm sợi vải, mạt vải vụn lẫn nhiều cát bụi trộn với những mảnh đế dép xốp. “Nguyên liệu” làm ruột cho thú bông có giá 2.000 đồng/kg.

 

Trong phòng của bà còn chứa đủ phế phẩm: sợi vải (cào ra từ vải nỉ), vải xô các loại. Trong các bao tải vải nỉ, phần lớn là những tấm vải vụn mốc meo và bốc mùi. “Xài hàng này mới kiếm lời được chút đỉnh” - bà Út nói. Bên trong là gian nhà kho chất cả ngàn con thú bông.

Quan sát đống “ruột thú” bốc mùi hôi nồng nặc, chúng tôi thấy rất nhiều mút xốp cũ, vải len, mạt nhựa cáu bẩn… Thậm chí có cả những gấu bông cũ được bằm nát, mũ bảo hiểm vỡ vụn.

Trả lời báo chí về thông tin thú bông nhồi phế liệu, phế thải, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP.HCM) cho biết: “Trong những “nguyên liệu” này có chứa các thành phần độc hại tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.

Đã có nhiều trường hợp trẻ em chơi thú bông bị viêm đường hô hấp, hen suyễn. Các cơ quan hữu quan cần quan tâm đúng mức, đừng để những sự vụ xảy ra nghiêm trọng mới tìm cách khắc phục”.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Lê Huy Bá - viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM - cho rằng việc sử dụng phế liệu phải dựa trên nguyên tắc không gây độc hại đối với con người và môi trường: “Các loại mút, xốp đã qua sử dụng dễ bị thay đổi trong điều kiện môi trường. Đặc biệt, dùng các chất nhựa (PVC), phẩm màu công nghiệp, sơn (có thể lẫn các tạp chất, kim loại nặng)… để nhồi thú bông là rất nguy hiểm. Trong quá trình giặt tẩy hoặc tác động của môi trường, các chất trên sẽ biến dạng về tính chất vật lý và tạo ra các hóa chất mới, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng”.

8. Rước bệnh vào người vì trang sức rẻ tiền

Tại các khu chợ trên địa bàn Hà Nội như: chợ Nghĩa Tân, chợ Xanh (Cầu Giấy), chợ đêm Đồng Xuân, chợ Hôm, dọc phu phố cổ hay thậm chí trên vỉa hè cũng bày bán la liệt những đồ trang sức như: vòng tay, vòng cổ, khuyên tai, lắc chân… với giá cực rẻ.

 

Không chỉ có người lớn mới thích dùng vòng, những em nhỏ cũng rất mê mẩn với loại đồ trang sức này. Nhiều bậc phụ huynh còn có thói quen cho con gái mình bấm lỗ tai từ rất nhỏ. Do vậy những đôi khuyên tai “lòe loẹt” cũng rất được lòng các em nhỏ. Với giá cả khá bình dân, có nhiều đôi chỉ có 5.000- 10.000 đồng. Mẫu mã thì vô cùng đa dạng, từ những đôi bằng nhựa đủ màu, đến những đôi bằng inox, đồng, sắt…

Theo thông tin mới nhất, Bộ Y tế Canada vừa thu hồi bộ đồ trang sức giả ngọc trai do Trung Quốc và Ấn Độ sản xuất do hàm lượng chì và cađimi vượt quá quy định.

Việc chì và cađimi có trong đồ trang sức là hết sức độc hại, đặc biệt là đối với trẻ em. Theo các chuyên gia y tế, trẻ em khi tiếp xúc thường xuyên với các loại trang sức có chì có thể bị nôn mửa, tiêu chảy, co giật, hôn mê thậm chí bị tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Đình Quân – Bệnh viện Da Liễu Trung ương cho biết, đồ trang sức giá rẻ có nhiều hoạt chất hóa học lạ như chì, cadimi có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Trong trường hợp, sản phẩm này tiếp xúc lây với da có thể gây dị ứng nặng, lỡ da, gây mẩn đỏ, ngứa, mọng nước, phồng rộp… Trường hợp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương da nghiêm trọng như khô, bong vẩy. Vùng da này cũng dễ bị dị ứng nhiều lần nếu cứ tiếp tục đeo những trang sức rẻ tiền này.

9. Nghi vấn hóa chất độc hại trong dép Trung Quốc

Thời gian gần đây, người dân sống ở khu vực chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) nghi vấn dép Trung Quốc có chứa hóa chất độc hại gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Theo lời kể của các hộ dân ở đây, hiện trên thị trường đang bán loại dép nhựa (dùng cho cả người lớn và trẻ nhỏ-PV) được nhiều người ưa chuộng vì chất lượng nhựa dẻo, đi êm chân. Tuy nhiên, không ít trường hợp khi mua dép về đi một thời gian đều phát hiện có… "sự cố". Dép bị rách, bung đế. Bên trong đế dép được làm rỗng như kiểu dạng tổ ong (có đôi giống như xơ mướp), ở những lỗ nhỏ trong "tổ ong" có những viên hình tròn màu trắng (nhìn như viên kim cương bằng nhựa đồ chơi của trẻ em-PV) khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Nhiều người nghi vấn đó là một loại hóa chất gây độc hại cho người sử dụng.

Theo tìm hiểu của PV, đây không phải là lần đầu tiên giày, dép Trung Quốc bị đưa vào "diện nghi vấn". Tháng 9/2008, giày, dép Trung Quốc đã bị tẩy chay ở một số nước trên thế giới.

Theo hãng tin AFP, Chính phủ Ý cho biết cảnh sát nước này đã tịch thu 1,7 triệu đôi giày da do Trung Quốc sản xuất trong cuộc điều tra Giày độc (Toxic Shoes) kéo dài từ tháng 5/2008 đến tháng 9/2008. Những đôi giày đó bị cáo buộc không chỉ ăn cắp bản quyền của Ý mà còn chứa các hóa chất độc hại. Các kết quả xét nghiệm cho thấy những đôi giày giả Ý có hàm lượng hexavalent chromium (crom hoá trị sáu) vượt mức cho phép, có thể gây ung thư cho người sử dụng. Những đôi dép do Trung Quốc cũng chứa chất độc... Chỉ sau một thời gian sử dụng, các chất độc này sẽ ngấm vào cơ thể và sẽ làm cho chân người sử dụng bị lở loét, khi gặp môi trường nhất định.

Kết quả 'khám nghiệm' của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, mẫu sản phẩm dép Trung Quốc vẫn nằm trong ngưỡng an toàn cho phép khiến người dân bớt lo lắng, hoang mang.

10. Phát hiện hóa chất độc hại trong đồ chơi thú nhún của trẻ

Vừa qua, quốc đảo Singapore đã xét nghiệm phát hiện hóa chất Phthalate trong đồ chơi thú nhún bằng cao su của Trung Quốc. Ngay lập tức nhà chức trách quốc gia này đã cho thu hồi toàn bộ số thú nhún này.

 

Hóa chất phthalate can thiệp vào hormon của con người sẽ ảnh hưởng tới bộ phận sinh sản và các dị tật về cơ quan sinh dục ở trẻ em. Hơn nữa, phụ gia phthalates được bổ sung vào nhựa để làm mềm hơn và tăng khả năng chịu nhiệt. Các nhà khoa học đã chỉ ra việc tiếp xúc với hóa chất này có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây ra những vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Tại Việt Nam, thú nhún là đồ chơi rất được ưa chuộng. Tại các hộ gia đình, trường học hay công viên đều có loại đồ chơi này. Hiện tại, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã tiến hành lấy mẫu loại đồ chơi này đi thử nghiệm.

Chất lượng Việt Nam 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang