10 sự kiện chính trị - xã hội nổi bật 2014

author 06:13 31/12/2014

(VietQ.vn) - Chất lượng Việt Nam xin điểm lại 10 sự kiện chính trị - xã hội có tầm ảnh hưởng lớn và được bạn đọc quan tâm nhiều nhất trong năm 2014.

1.Kiên quyết đấu tranh phản đối hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Đông

Ngày 2/5, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược lại thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông.

giàn khoan hải dương 981

Giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Với sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đồng lòng nhất trí, bằng các biện pháp hòa bình, đấu tranh mạnh mẽ chống lại hành động sai trái của Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

2.Ban hành nhiều luật quan trọng triển khai thi hành Hiến pháp 2013

Trong năm, Quốc hội đã thông qua 29 luật, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính – tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đẩy mạnh hội nhập quốc tế… Bên cạnh đó, Quốc hội đã tiến hành đánh giá tín nhiệm đối với các vị lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và thông qua nghị quyết về vấn đề này.

3.Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

Lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam là quy trình hàng năm các đại biểu quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm dưới hình thức bỏ phiếu kín các chức danh lãnh đạo nhà nước và chính phủ.

Tại lần lấy phiếu vào giữa tháng 11/2014, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận số phiếu tín nhiệm cao nhất: 390 phiếu. Khối cơ quan hành pháp, dẫn đầu là Bộ trưởng GTVT với 362 phiếu tín nhiệm cao, Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhận 323 phiếu...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận 380 phiếu tín nhiệm cao. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận 340 phiếu tín nhiệm cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận 320 phiếu tín nhiệm cao, kết quả cao hơn nhiều so với lần lấy phiếu tín nhiệm năm 2013 (210 phiếu).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, qua lấy phiếu tín nhiệm, những người được đánh giá tín nhiệm cao luôn phải tự nhắc nhở mình tiếp tục hoàn thành tốt hơn công việc. Những người đươc đánh giá chưa thật cao cũng nhận thức được trách nhiệm của mình, phấn đấu khắc phục nhược điểm của mình và ngành mình.

4.Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục

Triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014 ngành Giáo dục đã có những quyết sách quan trọng liên quan tới việc đổi mới thi cử, cách dạy và học, nội dung và chương trình SGK.

Ngày 28/11/2014, Quốc hội thông qua Nghị quyết đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Theo đó, từ năm 2018-2019, ngành giáo dục sẽ bắt đầu áp dụng SGK mới vào dạy học theo hình thức cuốn chiếu ở cả ba cấp học. Một chương trình nhưng có thể có nhiều bộ SGK và các cơ sở giáo dục phổ thông có quyền lựa chọn SGK để sử dụng. Ngày 18/12/2014, Bộ GD&ĐT chính thức công bố dự thảo quy chế Kỳ thi THPT quốc gia để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Theo đó, từ 2015 chỉ có duy nhất một kỳ thi quốc gia, các trường ĐH – CĐ có thể căn cứ vào kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Đổi mới thi cử, chương trình và SGK được Bộ GD-ĐT coi là bước đột phá giúp đổi mới cách dạy và học trong hệ thống các trường phổ thông hiện nay, thay vì chỉ chú trọng kiến thức sang việc phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, khả năng sáng tạo của người học.

5.Nhiều “đại án” được khởi tố điều tra, truy tố, đưa ra xét xử,

Dương Chí Dũng, “Bầu” Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, vụ tham ô tại Công ty cho thuê tài chính II, nguyên Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng VN Phạm Công Danh,... cho thấy những quyết tâm trong việc làm sạch hệ thống ngân hàng, các Tổng công ty, tập đoàn lớn của nhà nước. Đặc biệt, đã có 3 án tử hình trong vụ tham ô tại Công ty cho thuê Tài chính II, tuyên tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, nguyên Chủ tịch và Tổng giám đốc Vinaline, Vũ Việt Hùng - nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Đắk Lắk- Đắk Nông... Những án tử hình này thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

đại án tham nhũng

Bị cáo Dương Chí Dũng (trái) tại phiên xử ngày 13-12 Ảnh: DOÃN TẤN (Tuổi Trẻ)

Ngoài ra, liên quan đến nghi án một số lãnh đạo ngành Đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ phía Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt, khám xét đối với 6 cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

6.Hoàn thành nhiều công trình quan trọng

Nhiều công trình quan trọng được đưa vào sử dụng, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Điển hình là các công trình: Tuyến cáp điện ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Đường cao tốc Nội Bài–Lào Cai, cầu Nhật Tân…

7.Nhiều bước tiến trong hội nhập kinh tế

Năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Hàn Quốc và FTA với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, đồng thời đạt được thỏa thuận về định hướng kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia đàm phán ba FTA khu vực, gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) Hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA).

8.Thêm 3 di sản được tôn vinh

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam, đạt cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.

quần thể tràng an

Quần thể Tràng An

Đồng thời, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 

9.Giá dầu sụt giảm kỷ lục tác động kép đến nền kinh tế Việt Nam

Giá dầu thế giới giảm khoảng 50% so với tháng 6/2014. Giá xăng dầu trong nước giảm tới 30% so với thời điểm tháng 7 trong năm (từ 25.640 đồng/lít xuống còn 17.880 đồng/lít). Sự kiện này một mặt được đánh giá sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế; mặt khác cũng là nỗi lo hụt thu ngân sách nhà nước năm 2015 (do 10% phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô).

Dự báo giá dầu thế giới có thể hạ xuống 20 USD/thùng (năm 2008, giá dầu khoảng 150 USD/thùng).

10.Giải cứu thành công nạn nhân vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng

Hồi 16 giờ 30 phút ngày 19/12, với sự nỗ lực cao nhất của các lực lượng cứu hộ, sau 81 giờ, 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm Thủy điện Đạ Dâng- Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị sập đã được giải cứu an toàn./.

Viết Cường 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang