10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2013

author 17:14 27/12/2013

(VietQ.vn) - 10 sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) nổi bật nhất trong năm 2013 được bình chọn thuộc các lĩnh vực: Cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng, hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, tôn vinh nhà khoa học, khoa học xã hội và nhân văn.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Việc công bố 10 sự kiện KH&CN nổi bật trong năm nhằm tôn vinh cá nhân, tập thể các nhà khoa học công nghệ, cán bộ quản lý, những người đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển KH&CN. Đây là lần thứ 9 liên tiếp hoạt động bình chọn 10 sự kiện KH&CN được Câu lạc bộ KH&CN tổ chức.

1. Lĩnh vực cơ chế chính sách

Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua

Luật Khoa học và Công nghệ 2013 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Nhiều vấn đề mới trong Luật thể hiện quan điểm đổi mới toàn diện cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 20 – NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Với những nội dung quan trọng được thông qua, Luật Khoa học và công nghệ sẽ cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW về ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ; ưu tiên đầu tư trước một bước để phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Lĩnh vực khoa học tự nhiên

2.1 Việt  Nam chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ

Vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam đưa vào không gian vào tháng tám năm nay nhờ tàu vận chuyển HYV của Nhật Bản. Sau hơn ba tháng được lưu giữ trong mô-đun Kibo trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), lúc 17 giờ 17 ngày 19/11 theo giờ Hà Nội, vệ tinh siêu nhỏ (PicoDragon) của nước ta cùng hai vệ tinh siêu nhỏ khác của Mỹ đã được đưa vào quỹ đạo.

Chỉ bốn giờ sau, các trạm mặt đất tại Nhật Bản đã thu nhận thành công những tín hiệu đầu tiên. Tiếp sau đó, trạm mặt đất đặt tại Trung tâm Vệ tinh quốc gia của Việt Nam (VNSC) cũng đã nhận được tín hiệu từ PicoDragon.

Pico Dragon có kích thước 10x10x11,35 cm, khối lượng 1 kg. Đây là sản phẩm được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm vệ tinh quốc gia của Việt Nam. Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.

2.2 Vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam bay vào quỹ đạo

Đúng 9 giờ 6 phút 31 giây ngày 7/5/2013 (giờ Việt Nam), vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng thành công vào vũ trụ. VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. Nhiệm vụ của VNREDSat-1 chụp ảnh toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, gồm cả phần lục địa và vùng biển, đáp ứng nhu cầu về ảnh viễn thám phục vụ công tác quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai và các yêu cầu khác. Tính đến ngày 4/9, vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam đã chụp hơn 9.200 ảnh. Việt Nam đã hoàn toàn chủ động về thời gian và vị trí trong việc chụp ảnh toàn bộ lãnh thổ của đất nước, không còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài như trước đây.

3. Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng

3.1 Giải mã thành công hệ gien của 36 giống lúa bản địa Việt Nam

Với sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà khoa học Anh, lần đầu tiên Việt Nam đã giải mã thành công hệ gien đầy đủ của 36 giống lúa bản địa mang đặc tính về chất lượng, có khả năng chịu mặn, chịu hạn và kháng bệnh. Kết quả nghiên cứu nói trên mở ra hướng nghiên cứu mới chọn tạo giống lúa, sản xuất ra các giống lúa mới năng suất cao, có thể kháng đa yếu tố.

Đây là kết quả của Đề tài “Nghiên cứu giải mã genome một số giống lúa bản địa của Việt Nam”được thực hiện từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2013, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác quốc tế về KH và CN giữa Bộ KH&CN với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Sự sống và Công nghệ sinh học, Vương quốc Anh. Trong giai đoạn hai các nhà khoa học hai nước sẽ tiếp tục giải mã bộ gene của 600 giống lúa ở Việt Nam.

3.2  Hội nghị tổng kết quỹ gien

Ngày 3/12 tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức hội nghị “Đánh giá hoạt động khoa học công nghệ về quỹ gien giai đoạn 2001- 2013”. Hơn 10 năm qua, Nhà nước đã ban hành những khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gien thực vật, động vật và vi sinh vật. Nhiều bộ luật quan trọng quản lý tài nguyên thiên nhiên ra đời và được hoàn thiện đã tạo cơ sở pháp lý để cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn tài nguyên di truyền thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích.  Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, được LHQ đánh giá cao trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ (xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu) nhờ những thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, lương thực

4. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) làm chủ công nghệ cao góp phần hiện đại hóa quân đội

Trong thời gian qua, nhất là năm 2013, Viettel đã cung cấp nhiều thiết bị quân sự công nghệ cao góp phần hiện đại hóa quân đội. Điển hình là Viettel đã làm chủ toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thành công tám loại khí tài thông tin vô tuyến điện quân sự bảo đảm thông tin liên lạc cấp chiến thuật, chiến dịch, chiến lược cho các đơn vị lục quân, phòng không – không quân và tăng thiết giáp.

Tính đến hết năm 2013 Viettel đã cung cấp cho Bộ Quốc phòng gần ba nghìn bộ máy thông tin vô tuyến điện sóng ngắn, sóng cực ngắn. Ngoài ra, Viettel còn nghiên cứu chế tạo thành công hàng loạt  thiết bị hiện đại như: Hệ thống quản lý vùng trời (VQ), ra-đa, hệ thống báo bia tự động, máy bay không người lái… Các nhà khoa học và kỹ sư của Tập đoàn đã làm chủ công nghệ từ thiết kế nguyên lý, phần cứng, phần mềm điều khiển, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng. Kết quả này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước mà còn mở ra khả năng chủ động sản xuất phục vụ trang bị cho Quân đội, đồng thời giữ được bí mật quân sự.

Kết quả nói trên của Tập đoàn Viettel đã tạo tiền đề để phát triển ngành chế tạo thiết bị quân sự công nghệ cao góp phần hiện đại hóa quân đội.

5.Lĩnh vực hội nhập quốc tế về KH&CN

5.1 "Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9

"Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9 năm 2013 tại tỉnh Bình Định, do Trung tâm Gặp gỡ Việt Nam, Bộ KH&CN và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức từ ngày 12 đến 17/8 với một chuỗi sự kiện gồm bốn hội nghị khoa học quốc tế lớn, được coi là cơ hội “vàng” cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học.

Tại hội nghị khoa học quốc tế, các lớp tập huấn cho trí thức trẻ Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á, có sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có năm nhà bác học đạt giải Nobel và giáo sư Ngô Bảo Châu. Đặc biệt trong số đó có hơn một nửa số nhà khoa học trẻ Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài tham dự.

6. Hoàn tất việc đưa 16 kg uranium rời khỏi Việt Nam an toàn

Ngày 3/7, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã hoàn thành việc vận chuyển và trao trả 16 kg uranium có độ giàu cao ra khỏi Việt Nam cho Nga.

Việc trao trả uranium được thực hiện tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Đây là đợt hai của dự án trao trả 141 bó uranium cho Nga mà Việt Nam khởi động từ năm 2004. Năm 2007, đợt một của dự án được thực hiện bằng việc giao trả cho Nga 35 bó uranium có độ giàu cao chưa qua sử dụng. Đợt hai, tiếp tục trả cho phía Nga 106 bó uranium đã qua sử dụng. Như vậy Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết với Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Hàng chục nhà khoa học của Nga, Mỹ và Việt Nam đã tham gia công việc nói trên.

7. Nhóm sự kiện hợp tác quốc tế lĩnh vực hạt nhân vì mục đích hòa bình

7.1 Ký hiệp định và bản ghi nhớ về năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình

Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (Hiệp định 123).

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 và các Hội nghị thượng đỉnh liên quan tại Brunei, ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã thay mặt Chính phủ hai nước ký tắt bản Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (hay còn gọi là Hiệp định 123).

Việc ký tắt Hiệp định này đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác tin cậy giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình từ nhiều năm qua, đồng thời mở ra những triển vọng to lớn cho cả hai bên trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, đặc biệt là hợp tác phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.

7.2 Việt Nam và Vương quốc Anh ký hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đình Tiến – Thứ trưởng Bộ KH&CN và Tiến sỹ Antony Stokies - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã ký Bản Ghi nhớ giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về Hợp tác sử dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Bản ghi nhớ này là một thỏa thuận mang tính nguyên tắc để tạo cơ sở quan trọng cho việc mở rộng và tăng cường hợp tác trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

8. Nhóm sự kiện đầu tư cho đổi mới sáng tạo trong KH&CN tại Việt Nam

8.1 Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan chương  trình IPP tổng kết giai đoạn một

Chương trình IPP được hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan xây dựng nhằm mục đích đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với nền kinh tế tri thức và hệ thống đổi mới quốc gia hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Với nguồn hỗ trợ phát triển chính thức không hoàn lại từ Chính phủ Phần Lan và đối ứng của Chính phủ Việt Nam (7 triệu Euro, trong đó 89% do Phần Lan tài trợ), giai đoạn I của IPP được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2013 dưới sự quản lý của Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan. 

Trong giai đoạn một, chương trình IPP đã và đang hỗ trợ hơn 60 dự án trong bốn hợp phần: phát triển năng lực thể chế; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các sáng kiến, dự án đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; hợp tác Việt Nam - Phần Lan.

Giai đoạn hai của Chương trình sẽ được triển khai từ năm 2014 - 2018 với kinh phí khoảng 10 triệu Euro.

8.2 Dự án FIRST - Đầu tư 110 triệu USD cho đổi mới sáng tạo trong KH&CN

Dự án "Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ - FIRST " (Dự án FIRST) được thực hiện bằng khoản tài trợ IDA của Ngân hàng thế giới đã chính thức khởi động năm 2013.  Dự án FIRST được thực hiện trong 5 năm (2014- 2019), với tổng mức đầu tư là 110 triệu USD, trong đó vốn vay ưu đãi của IDA (World Bank) là 100 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 10 triệu USD. Dự án tập trung vào ba đối tượng là thể chế, tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp.

Mục tiêu dài hạn của Dự án FIRST là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Đây là dự án đầu tiên World Bank tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Dự án FIRST có những tiêu chí rất phù hợp với định hướng phát triển KH&CN của Việt Nam, điều này sẽ giúp lĩnh vực này hoàn thành những mục tiêu đã và đang đặt ra.

9. Tôn vinh nhà khoa học

Nhà khoa học Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí số 1 thế giới - Nature

Tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Nature đã công bố kết quả nghiên cứu xuất sắc của các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) (hợp tác với Trường ĐH Columbia, Hoa Kỳ) về lĩnh vực nghiên cứu ô nhiễm asen trong nước ngầm (Vol. 501, p. 204-207, 12 Sep., 2013).

Trong công trình này, các nhà khoa học của của ĐH QGHN do GS- TS. Phạm Hùng Việt đứng đầu đã có đóng góp từ việc đề xuất ý tưởng đến việc trực tiếp thực nghiệm, khảo sát hiện trường và xử lý số liệu. Công trình nghiên cứu được hoàn thành nhờ sự tài trợ một phần của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted), trực thuộc Bộ KH&CN Việt Nam.

Mỗi năm, Tạp chí Nature nhận được hơn 10 nghìn bài gửi đến, nhưng chỉ có 8% trong số đó lọt qua được vòng bình duyệt và được công bố. Các công trình khoa học công bố trên Tạp chí này đạt trình độ nghiên cứu cơ bản xuất sắc, có tính đột phá, có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với cộng đồng khoa học và mà còn cả xã hội. Trong 10 năm qua, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam mới chỉ có khoảng năm công trình (thực hiện tại Việt Nam) được đăng trên Tạp chí Nature.

10. Lĩnh vực KHXH Nhân văn

Việt Nam khánh thành Bảo tàng Đông Nam Á đầu tiên trong khu vực

Chiều 30/11, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã chính thức khánh thành Bảo tàng Đông Nam Á, một công trình ấn tượng nằm trong khuôn viên rộng lớn của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bảo tàng Đông Nam Á hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn để người dân và du khách tìm hiểu về đời sống văn hóa của các dân tộc Đông Nam Á qua năm chủ đề chính bao gồm: Đồ vải; đời sống hàng ngày; đời sống xã hội; nghệ thuật biểu diễn và tôn giáo.

Bảo tàng Đông Nam Á là công trình kiến trúc hiện đại, được các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia Pháp cùng góp sức tạo nên. Đây là bảo tàng đầu tiên về văn hóa dân tộc các nước Đông Nam Á trong khu vực.

Duy Anh

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang