10 sự kiện quốc tế gây chấn động năm 2014

author 06:50 25/12/2014

(VietQ.vn) - Năm 2014 chứng kiến hàng loạt biến động chính trị, xã hội lớn trên toàn cầu và hàng loạt thảm kịch đau lòng.

1. Căng thẳng trên Biển Đông

Năm 2014 là năm có nhiều bất ổn về an ninh khu vực, đặc biệt là tại khu vực biển Đông và biển Hoa Đông.

căng thẳng trên biển đông

Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Việt Nam - Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam

Tiêu điểm là ngày 2/5, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương-981 cùng hàng trăm tàu tuần tra và tàu chiến vào thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành vi trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Việt Nam kịch liệt lên án hành vi khiêu khích và trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng bày tỏ quan ngại và chỉ trích mạnh mẽ hành vi gây bất ổn an ninh khu vực của Trung Quốc.

Căng thẳng Biển Đông chỉ lắng dịu khi ngày 15/7, Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, sớm hơn kế hoạch ban đầu của Bắc Kinh một tháng.

2. Thảm họa ngành hàng không

Năm 2014, thế giới đã chứng kiến gần 20 vụ tai nạn máy bay làm hơn 1.000 người thiệt mạng và mất tích. Tiêu biểu nhất trong số đó là 2 vụ tai nạn của hãng hàng không Malaysia Airline.

thảm họa ngành hàng không

Có thể sẽ không bao giờ tìm thấy MH370 - Ảnh: npc.org.my

Ngày 8/3, chiếc máy bay chở khách mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh mang theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đột nhiên mất tích. Sau hàng loạt các cuộc tìm kiếm quy mô lớn, cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy bất kỳ một dấu hiệu nào về chiếc máy bay MH30. Đây có thể được xem là một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Tiếp đó là đến ngày 17/7, một máy bay khác của hãng hàng không Malaysia là MH17 tiếp tục gặp tai nạn khi đang trên đường bay từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur (Malaysia).

Chiếc máy bay xấu số được cho là bị bắn rơi trên không phận đang diễn ra chiến sự giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai miền Đông. Vụ tai nạn đã làm 298 người thiệt mạng và khiến nhiều quốc gia xảy ra tranh cãi. Đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về thủ phạm gây ra thảm kịch nói trên.

Ngoài ra trong tháng 7, tháng tồi tệ nhất trong năm của ngành hàng không thế giới khi còn xảy ra 2 vụ tai nạn máy bay khác ở Đài Loan và Mali cướp đi gần 200 sinh mạng.

Không chỉ nhiều nước trên thế giới gặp tai họa, tại Việt Nam, vào đầu tháng 7/2014 cũng đã xảy ra một vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng. Chiếc máy bay Mi-171 của của Trung đoàn 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371 trong lúc diễn tập đã bị rơi tại Thạch Thất, Hà Nội khiến 19 quân nhân tử vong và 2 người bị thương.

3. Khủng hoảng chính trị tại Ukraine

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái (2013) bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với EU, thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow. Sau những cuộc biểu tình đẫm máu tại Quảng trường Maidan, Tổng thống Yanukovych bị lật đổ và chính phủ mới được thành lập.

khủng hoảng chính trị ở ukraina

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bắt đầutừ cuối năm 2013

Tuy nhiên, một số tỉnh miền Đông và Nam Ukraine không công nhận chính quyền mới và tuyên bố ly khai, thành lập những quốc gia riêng, đối đầu với Kiev, đẩy Ukraine vào một cuộc nội chiến đẫm máu. Theo tổ chức nhân quyền của Liên Hợp quốc, số người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine đến thời điểm này đã vượt quá con số 4.000, và cũng có khoảng 1 triệu người phải đi lánh nạn. Mặc dù ngày 5/9 vừa qua, hai bên đã có thỏa thuận ngừng bắn nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Tình hình càng trở nên căng thẳng sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea (tháng 3/2014) và chiến tranh ở miền đông Ukraine bùng nổ. Vì lý do này, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật… đồng loạt áp các biện pháp cấm vận kinh tế Nga. NATO thành lập lực lượng phản ứng nhanh ở châu Âu và tăng cường lực lượng quân sự tại các nước Balkan.

Chia rẽ Nga - phương Tây sâu sắc đến mức giới truyền thông cảnh báo một cuộc Chiến tranh lạnh mới đang diễn ra.

4. Nga sát nhập bán đảo Crimea

Ngày 26.2, cuộc xung đột đầu tiên giữa những người ủng hộ và phản đối Nga trên bán đảo Crimea nổ ra, làm ít nhất 20 người bị thương. Đây được xem là sự kiện thúc đẩy việc bán đảo này tổ chức trưng cầu dân ý, sát nhập vào Lãnh thổ Nga bất chấp sự phản đối của Ukraine và phương Tây.

nga sát nhập bán đảo crime

Người dân Crimea tập trung ở quảng trường Lenin, tại thủ phủ Simferopol, ăn mừng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Ngày 17.3, kết quả trưng cầu cho thấy, gần 100% cư dân Crimea ủng hộ tách khỏi Ukraine, gia nhập Nga. Ngày 18.3, tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cuối cùng, hoàn tất quy trình sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga bất chấp sự phản đối cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu.

5. Đại dịch Ebola bùng phát

Vào ngày 22/3/2014, người ta phát hiện một loại virus hoành hành ở một vùng rừng phía nam Guinea và giết chết 59 người. Chỉ 5 ngày sau khi được ghi nhận tại một vùng rừng xa xôi, Ebola từ rừng sâu đã lan tới thủ đô của Guinea và đến ngày 31/3, Ebola đã xuất hiện ở Liberia.

đại dịch ebola bùng phát

Hơn 4.000 trẻ em ở Tây Phi phải sống cảnh mồ côi sau khi cha mẹ qua đời vì Ebola và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do bị cộng đồng bỏ rơi - Ảnh: EPA

4 tháng trôi qua kể từ khi Ebola được phát hiện, virus này đã lan tới 4 nước Tây Phi, bao gồm: Guinea, Liberia, Sierra và Nigeria, với số người nhiễm bệnh lên đến hơn 1300 người và số người tử vong là hơn 729 người. Trong số những người đã mắc Ebola, có rất nhiều người Mỹ và các quốc gia khác bị nhiễm do tới các vùng dịch để kiểm soát dịch bệnh lây lan.

Trước sự bùng phát dữ dội này, Ebola được ví như một cơn cháy rừng và các nước châu Âu, châu Á đang đặt cảnh giác cao độ bởi Ebola có thể tràn sang các châu lục khác bất cứ lúc nào.

Tính cho đến thời điểm đầu tháng 12/2014, thế giới ghi nhận 16.001 trường hợp mắc virus Ebola, trong đó 5.738 người đã tử vong.

6. Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS)

Được thành lập vào tháng 4/2013 với tên gọi ban đầu là Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và cận Đông (ISIS), nhóm khủng bố này được cho là một chi nhánh của tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda. Nhóm này làm giàu chủ yếu nhờ các hoạt động bắt cóc, tống tiền và buôn bán dầu mỏ và ma túy.

nhà nước hồi giáo is

Chỉ trong tháng 6/2014, ISIS bắt đầu mở chiến dịch tấn công chiếm đóng nhiều khu vực ở Iraq, nắm quyền kiểm soát một vùng rộng lớn ở Syria, tuyên bố thành lập vương quốc Hồi giáo và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngày 19/8, IS khiến thế giới bàng hoàng khi liên tiếp tung lên mạng các đoạn video quay cảnh cắt đầu các công dân Mỹ, Pháp, Anh.

Các chuyên gia tính toán, sau khi chiếm được Mosul (một thành phố ở miền bắc Iraq), quân đội Iraq đã bỏ lại 40 vạn đơn vị vũ khí cho IS bao gồm không chỉ vũ khí bộ binh, mà còn nhiều trang bị quân sự hạng nặng, hiện đại. Nhiều thành viên của ISIS giờ đã được trang bị không kém tiêu chuẩn binh sĩ hiện đại với quân phục, áo giáp chống đạn, thiết bị nhìn đêm và vũ khí cá nhân.

Nhờ nhiều người tình nguyện gia nhập từ cả Iraq, Syria lẫn nước ngoài (có cả người Hồi giáo sống ở Anh, Pháp, Nga, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ...), quân số của IS tăng nhanh chóng. Tháng 6/2014, IS mới có khoảng 4.000 quân ở Iraq và vài ba ngàn ở Syria, nhưng đến tháng 9/2014, ước tính quân số của IS đã lên tới 100.000 và vẫn tiếp tục tăng.

Chính quyền của Tổng thống Obama đã thực hiện một chiến dịch không kích vào các mục tiêu khủng bố ở Iraq và Syria từ tháng 8 đến nay. Ngoài ra, Mỹ còn thành lập một liên minh chống IS toàn cầu với sự tham gia của 62 quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy, các phần tử khủng bố cực đoan này sẽ bị tiêu diệt.

7. Biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong

Ngày 28/9, hàng nghìn người Hong Kong đã xuống đường tại khu vực trung tâm kinh tế, tài chính, nơi đóng văn phòng chính quyền ở Hong Kong. Sau đó, biểu tình lan qua khu mua sắm Causeway Bay và nhiều khu vực khác làm cho việc lưu thông tại Hong Kong bị tê liệt, công sở và trường học phải đóng cửa. Nguyên nhân của cuộc biểu tình này là do người dân Hong Kong phản đối những cải cách bầu cử do Bắc Kinh áp đặt.

biểu tình đòi dân chủ ở hồng kong

Hàng nghìn người tham gia biểu tình, phong tỏa kín các đường phố ở Hong Kong

Tuy nhiên, ngày 2/12, lãnh đạo phong trào Occupy Central ra đầu hàng cảnh sát và kêu gọi giải tán cuộc biểu tình. Ngày 11/12, cảnh sát Hong Kong tuyên bố sẽ dọn sạch khu vực biểu tình chính ở khu Admiralty và huy động tới 7.000 cảnh sát tham gia chiến dịch này.

Mặc dù phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong không dành được kết quả như mong đợi, nhưng dư luận thế giới đã rất bất ngờ với tính tổ chức cao của những người biểu tình Hong Kong trong 75 ngày diễn ra chiến dịch chiếm các khu trung tâm. Tại Hong Kong đã không có các hiện tượng đập phá, hôi của, xả rác như nhiều cuộc biểu tình khác.

8. Vụ chìm phà Sewol ở Nhật Bản, gần 300 người thiệt mạng

Ngày 16/4, chiếc tàu Sewol có trọng tải 6.825 tấn, chở theo 476 người, trong đó có 325 học sinh đến từ trường trung học Danwon ở thành phố Ansan đã gặp nạn trên đường từ Incheon đến đảo Jeju của Hàn Quốc.  Sau khi phát tín hiệu cấp cứu vào lúc 8h58' khi cách đảo Byeongpung 20km, 1 tiếng sau chiếc tàu lật úp khiến 292 người thiệt mạng và 12 người khác hiện vẫn đang mất tích.

chìm phà ở nhật bản

Phà Sewol lật úp, chìm xuống biển - Ảnh: Korea Herald

Vụ tai nạn cũng khiến người đứng đầu công ty khai thác tàu Sewol bị truy tố, Thủ tướng Hàn Quốc Jung Hong-won từ chức trong khi Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố giải tán lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc. Vụ chìm tàu Sewol trở thành 1 trong những thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc. 

9. Giá dầu thế giới tuột dốc

Từ tháng 6 đến đầu tháng 12, giá dầu thế giới liên tục sụt giảm tới 40% và đến ngày 9/12 đã hạ xuống mức thấp kỷ lục trong 5 năm qua, chỉ còn 63 USD/thùng. Tuy nhiên OPEC không tỏ dấu hiệu sẽ giảm sản lượng khai thác để đẩy giá dầu tăng trở lại.

giá dầu giảm

Dự đoán giá dầu sẽ còn tiếp tục giảm sâu

Giới phân tích nhận định OPEC quyết giữ thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt của các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ. Giá dầu giảm đẩy giá xăng bán lẻ ở các nước giảm theo. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng giá dầu giảm sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang vật lộn với tình trạng tăng trưởng chậm.

Chính phủ Nga thừa nhận thiệt hại khoảng 100 tỉ USD/năm vì giá dầu sụt giảm. Các nước vùng Vịnh chưa tỏ dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng giới chuyên gia cho rằng những quốc gia như Brazil, Mexico và Venezuela sẽ gặp khó khăn kinh tế lớn. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo giá dầu có thể giảm xuống tới 43 USD/thùng vào năm 2015.

10. Cuộc tắm máu ở dải Gaza

Ngày 8/7, Israel mở chiến dịch không kích dữ dội dải Gaza để tiêu diệt tổ chức Hamas. Một tuần sau Israel xua quân vào Gaza. Phản ứng lại, lực lượng Hamas liên tiếp nã tên lửa sang phía Israel.

bất ổn ở dải gaza

Cảnh hoang tàn ở dải Gaza sau các cuộc không kích của quân đội Israel - Ảnh: Time

Trước đó, căng thẳng giữa Israel và Hamas leo thang do vụ ba thiếu niên Israel bị bắt cóc và bị sát hại hồi tháng 6 và một thiếu niên Palestine bị giết chết đầu tháng 7.

Sau bảy tuần tắm máu, ít nhất 2.100 người Palestine ở dải Gaza thiệt mạng, trong đó có 513 trẻ em  Ngoài ra còn 11.100 người bị thương và hạ tầng Gaza bị tàn phá tan hoang.

Ước tính 520.000 người dân Gaza lâm vào cảnh mất nhà cửa. Phía Israel cũng có 66 binh sĩ và 5 thường dân thiệt mạng. Hòa bình Trung Đông vẫn là giấc mơ quá xa vời.

H.Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang