145 người bị ngộ độc thực phẩm trong tháng 1/2018

author 10:59 02/02/2018

(VietQ.vn) - Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2018, cả nước có 145 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2018, cả nước có 2,9 ngàn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 1,1 ngàn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 35,2%; 14 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút; 3 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 2 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 1 trường hợp nhiễm vi rút Zika và 145 người bị ngộ độc thực phẩm.

Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết giai đoạn 2013 - 2017, toàn quốc ghi nhận 862 vụ ngộ độc thực phẩm, làm khoảng 25.000 người mắc, trong đó hơn 22.000 người phải vào bệnh viện, 130 người chết.

Tính trung bình, mỗi năm có khoảng 5.000 người mắc và 26 người chết do ngộ độc thực phẩm. Riêng với ngộ độc rượu, 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ, với 193 người mắc, trong đó 179 người phải đi viện, 34 người chết. Xác suất tử vong do ngộ độc rượu cao hơn rất nhiều so với các loại ngộ độc thực phẩm khác.

Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: TTXVN

Bộ Y tế nhận định, thời điểm Tết Nguyên đán đến gần, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về ngộ độc thực phẩm. Chính vì thế, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất kinh doanh thực phẩm… Mới nhất, Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 310/KH-SYT về triển khai công tác an toàn thực phẩm (ATTP) ngành y tế Hà Nội năm 2018.

Theo đó, trong việc triển khai công tác ATTP năm 2018, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh thông tin về ATTP; đồng thời chú trọng các hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm, duy trì, nhân rộng các mô hình điểm về ATTP.

Cụ thể, duy trì và nâng cao năng lực hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Thực hiện các chuyên đề về ATTP như dịch vụ ăn uống, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, thức ăn đường phố và các chuyên đề khác theo phân cấp và thực trạng ATTP trên địa bàn...

 Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể trong trường học, cơ quan, đơn vị và các khu công nghiệp. Tổ chức diễn tập điều tra xử lý vụ ngộ độc thực phẩm đông người tại tuyến quận, huyện, thị trấn. Đảm bảo ATTP tại các hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố và các đợt cao điểm như dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu...

Thời gian tới, ngành y tế Hà Nội sẽ điều tra xử lý 100% vụ ngộ độc thực phẩm khi được thông báo; Triển khai các hoạt động của “Dự án an toàn thực phẩm” lĩnh vực ngành y tế, hoạt động truyền thông về ATTP thuộc dự án “Theo dõi, kiểm đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế” thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2018 và triển khai các nội dung hoạt động được UBND thành phố giao năm 2018.

Ngoài ra, ngành y tế Hà Nội cũng tiếp tục xây dựng và duy trì, nhân rộng các mô hình điểm về ATTP như thực hiện kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về ATTP khi được phê duyệt; kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người. Tiếp tục duy trì mô hình điểm ATTP thức ăn đường phố tại các tuyến phố và các phường, xã, thị trấn đã được cấp trên phê duyệt; xây dựng từ 6 - 8 tuyến phố ATTP có kiểm soát trên địa bàn thành phố.

Phong Lâm

Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch(VietQ.vn) - Bộ VHTTDL yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trong đó chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang