Chất lượng sống

Du lịch

16 điểm du lịch hấp dẫn khi ghé thăm non nước Ninh Bình

author 05:46 25/06/2016

(VietQ.vn) - Ninh Bình có rất nhiều điểm du lịch được xếp hạng quốc gia và thế giới. Bên cạnh đó con người và ẩm thực tại vùng đất này cũng được đánh giá cao.

Vân Long: Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn. Vân Long được mệnh danh là “vịnh không sóng” vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thuỷ mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên…
Vườn chim Thung Nham: Đây là một trong những địa điểm thăm quan nên đến khi du lịch Ninh Bình. Bởi nó hội tụ đầy đủ các yếu tố du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa và cảnh quan. Đặc biệt, vườn chim Thung Nham còn là nơi cư trú và sinh sống của 40 loại chim như cò, vạc, diệp, le le, mòng két, chích chòe lửa, sáo đá…Trong đó, không thể không kể đến hai loài chim quý hiếm được ghi trong sách đỏ là Hằng Hạc và Phượng Hoàng.  Vườn chim Thung Nham đẹp nhất khi hoàng hôn buông xuống, bởi lúc này bạn sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh tượng rất hiếm gặp đó là từng đàn từng đàn cò trắng sải rộng cánh bay về tổ của chúng trong khu Đầm.
Vườn Quốc Gia Cúc Phương: Vườn quốc gia Cúc Phương là một địa điểm du lịch nổi tiếng về sinh thái, môi trường. Cúc Phương thu hút khoảng vài trăm nghìn lượt khách hàng năm. Du khách đến đây để khám phá hệ động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp, tham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa trại, mạo hiểm, nghiên cứu và văn hóa lịch sử. Trung tâm vườn đặt tại xã Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình.
Tràng An: Quần thể sông nước-núi non-hang động Tràng An là điểm du lịch nổi tiếng nhất Ninh Bình hiện nay. Không chỉ được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới, Tràng An còn thu hút khách du lịch bởi cảnh đẹp thơ mộng mà hùng vĩ, cùng những hang động kỳ bí với tên gọi theo đúng đặc điểm của từng hang: hang Sáng, hang Tối, hang Nấu Rượu, hang Địa Linh… Thời điểm du lịch Tràng An đẹp nhất là vào mùa thu, bởi thời gian này, những bông hoa súng sẽ nở rực rỡ trên mặt nước, khi đi thuyền trên sông bạn sẽ có cảm giác như lạc vào cõi tiên cảnh vậy.  Bạn sẽ mất khoảng 3-4 tiếng để thăm quan hết tất cả các hang động và cảnh sắc ở Tràng An, và phương tiện di chuyển sẽ là thuyền đò. Giá thăm quan là 150.000/vé/người.
Chùa Bái Đính: Được khánh thành năm 2008, Chùa Bái Đính mới hiện nay mang một vẻ đồ sộ và lớn vào bậc nhất các chùa tại Đông Nam Á. Với nhiều hạng mục công trình kiến trúc mang nhiều cái ''nhất'' nhất, Chùa Bái Đính được rất nhiều du khách, phật tử biết đến. Quần thể Chùa Bái Đính có diện tích 539 ha, trong đó 27 ha là khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới và các hạng mục đường đi, nơi đón tiếp khách, khu bãi để xe, khu hồ phóng sinh, hồ Đàm Thị...
Cố đô Hoa Lư: Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng đồng thời là 1 trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An. Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87 km² thuộc tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.
Nhà thờ Phát Diệm: Nhà thờ Phát Diệm cách Hà Nội 120km về phía nam, được xây dựng vào những năm 1875 – 1898. Phát Diệm có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp, tên Phát Diệm do Nguyễn Công Trứ đặt. Nhà thờ được xây dựng trong suốt thời gian 24 năm liên tục, với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông của những năm cuối thế kỷ 19 thì chỉ việc vận chuyển hàng nghìn tấn đá, có những phiến nặng 20 tấn, hàng trăm cây gỗ lim về tới Phát Diệm để xây nhà thờ cũng là một kỳ công. Kim Sơn vốn là vùng đất mới khai khẩn, trước đây rất lầy lội, để xử lý độ lún của khu đất trước khi xây dựng người ta đã chuyển cả một quả núi nhỏ cách 40km về Phát Diệm, khách về thăm nhà thờ còn thấy núi Sọ, đấy chính là một phần của trái núi đã được dân rời về Phát Diệm.
Tam Cốc: Tam Cốc, có nghĩa là “ba hang”, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Tam Cốc là tuyến du thuyền được khai thác đầu tiên ở khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng.
Bích Động: Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, có nghĩa là “động xanh”, là tên do tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho động năm 1773. Phía trước động là một nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa.
Động Thiên Hà: là một động nhỏ nằm ở xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Động nằm ẩn mình trong dải núi Tướng, một ngọn núi thuộc dãy núi Tràng An. Núi Tướng được xem như một vọng gác tiền tiêu bảo vệ thành Hoa Lư thời vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Từ bản Mường Thổ Hà, xã Sơn Hà đi theo dòng kênh nhỏ có chiều dài chừng 1 km thuộc hệ thống sông Bến Đang. Sau đó tiếp tục bộ hành trên con đường đá dài 500m ven chân núi Tướng để tới cửa động. Động có chiều dài 700m bao gồm động khô dài 200m và động nước dài 500m. Những hình dáng do đá núi tạo ra được gọi theo nhiều tên gọi khác nhau.
Động Vân Trình: Động Vân Trình rộng gần 3500 m2, là một động lớn nhất và đẹp nhất của tỉnh Ninh Bình, sánh ngang với động Thiên Cung ở vịnh Hạ Long ( Quảng Ninh). Động Vân Trình nằm trong núi Mõ thuộc thôn Vân Trình, xã Thượng Hoà, huyện Nho Quan. Núi Mõ là tên gọi tượng hình của dân gian, còn tên chữ thời xưa gọi là núi Thổ Tích. Động có tên gọi là Giáng tiên. Huyền thoại kể rằng muốn giúp cho người trần nuôi con khoẻ mạnh, xinh đẹp, nàng tiên con út của trời đã xuống, thấy vùng này có phong cảnh ngoạn mục nên dừng chân dùng động làm nơi trú ngụ. Nàng đã cho xây nhiều bể tắm trong động. Nước trong bể lúc nào cũng đầy và trong. Về sau nàng tiên về trời, dân địa phương đã lập đền thờ nàng trước cửa động. Từ đó có tên gọi là Giáng Tiên. Vân Trình thực sự còn giữ được vẻ đẹp vốn hữu hình, trinh nguyên của đá. mỗi bước đi du khách lại phát hiện thêm những điều mới lạ, cảm nhận một cảnh trí khác nhau, đẹp mê hồn, không sao tả hết được.
Kênh Gà: Cách thành phố Ninh Bình 21km về phía bắc, Khu du lịch suối khoáng nóng Kênh Gà nằm biệt lập trên một đảo nhỏ bên sông Hoàng Long huyền thoại. Kênh Gà không chỉ có nguồn nước khoáng nóng mặn chứa nhiều muối Natriclorua, canxi, magiêclorua, bicacbonat, nhiệt độ ổn định 530C mà còn có phong cảnh sơn kỳ thủy tú.
Hang Múa: Đến Hang Múa ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình, du khách sẽ được thả mình giữa khung cảnh đồng quê đang vào vụ lúa chín vàng. Theo truyền thuyết, vua Trần khi về vùng Hoa Lư lập Am Thái Vi thường tới đây để nghe các mỹ nữ, cung tần múa hát. Vì vậy, nơi đây được đặt tên là Hang Múa.
Hồ Đồng Chương là một hồ nước ngọt thiên nhiên nằm giáp ranh giữa hai xã Phú Lộc và Phú Long huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Hồ nằm uốn lượn quanh các vạt đồi thông và có chu vi dài gần 8 km. So với hồ Đồng Thái và hồ Kỳ Lân thì hồ Đồng Chương nằm xa các trung tâm đô thị hơn (khu vực đệm của vườn quốc gia Cúc Phương), nên khung cảnh hồ hoang sơ, kì bí và tĩnh lặng. Xung quanh hồ là những vạt đồi thông soi bóng tạo nên một không gian trong mát và thơ mộng giữa núi rừng đại ngàn.
Núi Non Nước (tên cổ là Dục Thúy Sơn), là một ngọn núi đẹp nằm ngay bên ngã ba sông Vân và sông Đáy, từng được ví là ''cửa biển có non tiên'' trong thơ Nguyễn Trãi. Núi cao trên 100m, đường lên đỉnh phải qua 72 bậc đá, chia làm 5 cấp. Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, phía trước nhô cao hơn phía sau. Phía đông bắc là cửa sông Vân mở ra bao bọc ba mặt núi Dục Thúy, chỉ còn một mặt nối với đất liền. Hàng ngàn năm trước chân núi bị sóng biển bào mòn tạo thành một mái đá vòm cuốn rộng trên mặt sông xanh. Đây trở thành địa điểm tránh mưa cho tàu thuyền trên sông. Đứng trên núi, có cây cối xanh mát rất thuận tiện nghỉ ngơi, giải trí. Du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh núi Ngọc Mỹ Nhân (núi Cánh Diều) nằm cách đó không xa hoặc phóng tầm mắt bao quát toàn bộ thành phố Ninh Bình đang trên đường đổi mới và phát triển.
Chùa Địch Lộng: Du khách thăm chùa Địch Lộng, từ Hà Nội theo đường quốc lộ 1Avề phía Nam, qua cầu Đoan vĩ, còn gọi là cầu Khuất, rẽ tay phải đi khoảng 1 km nữa là đến. Chùa Địch Lộng, thuộc xã Gia Thanh ,huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, chùa ở lưng chừng núi Địch Lộng, có độ cao so với chân núi khoảng 80 mét. Hệ thống kiến trúc đình, đền, được xây dựng dưới chân núi theo thế chữ Tam'' trên một khu đất rộng hơn 1 ha. Ngôi đình 5 gian mọc sừng sững được gọi là Đình Đá, vì tất cả các cột, tảng, xà đùi, cái bẩy đều bằng đá.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang