16 triệu tấn tro và xỉ thải từ phát triển nhiệt điện than sẽ về đâu?

author 11:37 30/08/2017

(VietQ.vn) - Trung bình mỗi năm, các nhà máy nhiệt điện than thải ra 16 triệu tấn tro xỉ và thạch cao. Đây là thách thức to lớn đối với việc phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam.

Xử lý khoảng 16 triệu tấn tro, xỉ thải từ nhiệt điện than như thế nào?

Tại Hội thảo Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam diễn ra mới đây, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương Trần Văn Lượng cho biết, chất thải từ nhà máy nhiệt điện than gồm cả chất thải rắn, lỏng và khí. Trung bình mỗi năm, các nhà máy nhiệt điện than thải ra 16 triệu tấn tro xỉ và thạch cao. Dự kiến đến năm 2020, cả nước có thêm 12 dự án nhiệt điện than đi vào hoạt động, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than mỗi năm, và thải ra khoảng 22,6 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao mỗi năm.

“Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển tro xỉ đã xảy ra một số sự cố như việc phát sinh bụi tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Việc tiêu thụ tro xỉ tại các tỉnh miền Bắc mới được sử dụng nhiều làm gạch không nung và phụ gia xi măng. Còn tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, việc tiêu thụ tro xỉ hiện gặp nhiều khó khăn do chưa có được thị trường tiêu thụ. Những bất cập trong quy chuẩn 22 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý phát thải khí đối với các nhà máy nhiệt điện cũng khiến giá thành điện tăng lên từ 70 - 80 đồng/kwh” - Cục trưởng Trần Văn Lượng chia sẻ.

Trên thực tế, lượng tro, xỉ, thạch cao được xử lý, sử dụng còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 30% (5 triệu tấn) so với tổng lượng thải ra. Đây là thách thức rất lớn đối với công tác bảo vệ môi trường, gây áp lực đối với việc dành quỹ đất cho việc xây dựng bãi chứa tro, xỉ thải. Nguyên nhân của tình trạng này là do trước đây chúng ta không bắt buộc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện than. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro, xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và các công trình xây dựng còn thiếu.

Nhà máy nhiệt điện đốt than ảnh hướng đến môi trường. Ảnh Thanh Niên

Bài toán bảo vệ môi trường chịu nhiều áp lực

Chia sẻ về quan điểm trên, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam nhận định, trong thời kỳ phát triển mạnh kinh tế, nhu cầu điện năng rất cao thì nhiệt điện than vẫn là chủ đạo.

Trên thế giới, Trung Quốc là nước có tỷ lệ nhiệt điện than rất cao (79% so với mức trung bình toàn thế giới là 41,2%). Riêng sản lượng điện từ nhiệt điện than của Trung Quốc đã lên tới 4.600 tỷ kWh (lớn hơn tổng sản lượng điện của nước Mỹ). Một số nước khác có tỷ lệ nhiệt điện than cũng rất lớn là Mông Cổ (95,1%), Nam Phi (93,8%), Ba Lan (86,7%), Úc (68,%), Ấn Độ (67,8%), Israel (59%), Đức (45%), Hàn Quốc 43,2%...

Tại Việt Nam, theo ông Trương Duy Nghĩa, sau khi quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều khả năng nhu cầu điện năng sẽ được thay thế bằng nhiệt điện than, nghĩa là tới năm 2030 tỷ lệ nhiệt điện than về cơ học có thể tới 59 - 60%. Thừa nhận nhiệt điện đốt than sản sinh ra nhiều chất thải nguy hại, song nhà khoa học này cho rằng có thể xử lý được bằng công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, việc sử dụng tro, xỉ để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng đang gặp một số vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro, xỉ theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay đang thiếu các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Do đó, vấn đề xử lý, tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than sẽ được giải quyết sớm nếu các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về tro, xỉ làm vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng, cũng như những chính sách đặc thù về quản lý tro, xỉ.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay Bộ đang biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Để bảo đảm phát triển bền vững, bên cạnh việc tăng cường giám sát đối với hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, Nhà nước cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Qua đó sẽ giải quyết được bài toán tồn kho tro, xỉ, giảm bớt áp lực đối với môi trường.

Lê Huy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang