188 thủ tục hành chính đã được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia

author 07:02 11/02/2020

(VietQ.vn) - Thông tin trên đã được Bộ Tài chính cho biết khi đề cập đến công tác thực hiện điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Theo đó, tính đến ngày 31/01/2020, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 188 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trên 2,8 triệu bộ hồ sơ và trên 35 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Doanh nghiệp thực hiện tra cứu thông tin trên hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Nhằm đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành, hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam” với mục tiêu cải cách thực chất công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Việc thực hiện đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện, song vẫn đảm bảo kiểm soát chất lượng hàng hóa theo yêu cầu quản lý nhà nước; giảm chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp và xã hội.

Khi triển khai đề án, sẽ cắt giảm thủ tục hành chính; cắt giảm danh mục phải kiểm tra chất lượng (chỉ những hàng hóa thực sự có nguy cơ rủi ro cao cho con người, an toàn an ninh quốc gia mới được đưa vào Danh mục kiểm tra). Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro (chỉ kiểm tra xác suất, kiểm theo tỷ lệ thay vì việc kiểm tra theo từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu như hiện); áp dụng thừa nhận công nhận lẫn nhau; áp dụng truy xuất nguồn gốc để giảm tỷ lệ kiểm tra tại cửa khẩu, đảm bảo kiểm soát chất lượng hàng hóa ngay từ khi sản xuất tại nguồn…

Bên cạnh đó, trong thời gian tới không thành lập thêm địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung, việc sắp xếp các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đã được thành lập sẽ đưa vào nội dung Đề án “Đổi mới mô hình mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.

Để xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành, hiện nay, một số bộ đã ủy quyền hoặc chỉ định nhiều cơ quan, tổ chức hực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ví dụ, Cục Bảo vệ thực vật đã ủy quyền cho 8 đơn vị thực hiện kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu. Bộ Công Thương đã chỉ định 13 cơ quan/tổ chức. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ định 20 đơn vị. Bộ Y tế đã chỉ định 12 cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của các bộ.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn vướng mắc, bất cập, gây kéo dài thời gian, tăng chi phí cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Qua đó, kiến nghị các đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Tại phiên họp mới đây của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại, lãnh đạo Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành sớm đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã kết nối 6 thủ tục hành chính lên Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia, đúng tiến độ và kế hoạch tại Quyết định 1254/QĐ-TTg. Đến nay, Bộ KH&CN đã kết nối 6 thủ tục hành chính lên Cổng thông tin Cơ chế một của quốc gia, trong đó có 4 thủ tục về đo lường chất lượng, 2 thủ tục về an toàn bức xạ và hạt nhân; tổng hồ sơ đã tiếp nhận, xử lý hơn 19.400.

Về thực hiện cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, Bộ KH&CN đã tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về áp dụng cơ chế chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm bằng việc ban hành Thông tư 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của bộ. Qua đó, đã chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm.

Bộ KH&CN cũng đã cắt từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 229 loại sản phẩm phân theo mã HS) phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra (tương ứng với 20 loại sản phẩm phân theo mã HS là xăng dầu và khí hóa lỏng).

Kết quả, sau khi áp dụng Thông tư 07/2017/BKHCN đã cắt giảm khoảng 96% số lô hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan…

Để nâng cao chất lượng thủ tục hành chính tham gia Cơ chế một cửa quốc gia, thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với Tổng cục Hải quan và đơn vị thi công phần mềm (Viettel) triển khai hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khai báo và hoàn thiện hồ sơ trên Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia.…

Tiếp tục thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành các thủ tục và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định quy định về thực hiện các thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang