1975 trong hồi ức của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

author 05:31 29/04/2015

(VietQ.vn) - 90 tuổi, suốt 47 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, câu chuyện của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước như khúc tráng ca về những trận đánh oanh liệt làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

‘Ngày ấy chúng tôi chỉ ngủ ngồi’

Tướng Thước bắt đầu câu chuyện với một lời nhận định: Đại thắng mùa xuân năm 1975 là kết quả tất yếu. Một đường lối đúng đắn, một nghệ thuật quân sự tài tình, một lực lượng đoàn kết quân - dân thì không một kẻ thù nào có thể đè bẹp được. Nhưng có được chiến thắng ấy phải nhắc đến trận đánh mở màn, một “cú sốc” cho kẻ thù mà sau 35 năm nay, những cựu chiến binh Mỹ vẫn còn bàng hoàng và khâm phục. Đó là chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 04 đến ngày 24/3/1975) đã tiêu diệt và đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ, nguỵ ở Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược và điều kiện thuận lợi phát triển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Năm 1974, Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược.

“Khi đó tôi là tham mưu trưởng, người ra Hà Nội nhận mệnh lệnh trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người phụ trách chính xây dựng các kế hoạch tấn công địch. Tây Nguyên là một địa bàn cực kì quan trọng. Quân Pháp đã từng nói: Chiếm được Tây Nguyên sẽ khống chế được cả 3 nước Đông Dương. Khi Mỹ đổ vào Đà Nẵng, 3 sư đoàn mạnh nhất của Mỹ đều lần lượt kéo lên Tây Nguyên. Mỹ cũng đánh giá rằng: Khống chế được Tây Nguyên thì khống chế được miền Nam. Với quân Mỹ, Tây Nguyên là sức ép với Lào, Campuchia, sức ép ra miền Bắc Việt Nam. Còn với quân đội ta, khống chế địch ở Tây Nguyên, ta sẽ làm chủ được toàn bộ miền Trung và gây sức ép vào Sài Gòn”, tướng Thước nhớ lại.

tướng thước

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh V.Cường

Vị Trung tướng trên 40 năm xông pha trận mạc kể rất cặn kẽ về chiến thuật và cách đánh tài tình của quân dân ta. Quân ta nhử địch về hướng Bắc Tây Nguyên nhưng đánh vào hướng Nam Tây Nguyên với trọng tâm là Buôn Ma Thuột, làm địch hốt hoảng, không kịp trở tay. Chiến thắng đã giúp ta chia cắt chiến trường miền Nam thành hai cụm (một là Huế - Đà Nẵng, hai là Sài Gòn). Lực lượng của địch đã bị chặt đôi, như con rắn mất khúc giữa, bị cô lập hoàn toàn Bình Trị Thiên và Đà Nẵng tạo ra sức ép từ Tây Nguyên vào Nam Bộ. Chính từ thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, ta quyết định chuyển nhanh thời gian Tổng tiến công chiến lược trước mùa mưa năm 1975.

Ông nói trong niềm tự hào: “Chúng ta thực hiện chiến thuật đánh nghi binh. Có thể nói, đây là chiến dịch mà ta nghi binh thành công nhất trong tất cả các chiến dịch ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã làm cho địch mất phương hướng, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhắc lại những ngày tháng không thể nào quên ấy cứ như vừa mới diễn ra. Ông nhớ từng giờ từng phút, từng những cột mốc quan trọng của chiến dịch. Trong chiều dài kí ức, ông vẫn không thể cầm được cảm xúc khi nhớ đến cái ngày 12/11/1974, khi ông được vinh dự ra Hà Nội trực tiếp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quận ủy Trung ương, Tổng tư lệnh để nhận nhiệm vụ chuẩn bị mở chiến dịch. Đó là lần đầu tiên, với cương vị là tham mưu trưởng ông có cơ duyên được vị Đại tướng tài ba ấy trực tiếp giao nhiệm vụ.

Chiến dịch Tây Nguyên chiến thắng vượt kế hoạch, khiến cho địch kéo chạy tán loạn. Đây là cuộc tháo chạy lớn nhất, hoảng hốt nhất trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngay sau đó, đồng chí Văn Tiến Dũng hạ lệnh thu quân tập kết về Bắc Sài Gòn từ ngày 03/4 và quy định 25/4 phải thu toàn bộ quân với lực lượng hùng hậu nhất.

Quân ta cũng thương vong không ít nhưng rồi khí thế chiến thắng hừng hực, quân dân lại đồng lòng tiến lên vì miền Nam ruột thịt. Tướng Thước kể: “Ngày ấy chúng tôi chỉ ngủ ngồi, vừa đi vừa đánh, chỉ mơ tới cái ngày chiến thắng. Rồi ngày đó cũng đến, khi ấy ông là tham mưu trưởng Quân đoàn 3, được lệnh đánh trực tiếp vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu của địch”.

Giọng ông cao vút khi nhắc đến ngày 30/4 đầy ý nghĩa của dân tộc. Chiến trường trở thành một trận đánh hào hùng nhất từ trước tới nay của quân đội ta. Và một điều đặc biệt là 3 mũi tấn công chính: Dinh độc lập, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu đều được kéo cờ chiến thắng đúng vào 11 giờ 30 phút. Một sự trùng hợp tạo lên lịch sử oai hùng.

Niềm vui trong mắt vị trung tướng chẳng giữ được lâu khi ông bắt đầu nhớ tới những người lính, đồng đội của mình đã ngã xuống trước giờ độc lập. Vị Tướng nghẹn ngào: “Chiến tranh là mất mát, nhưng đau đớn nhất là cái mất mát trước mặt mà không cứu được, là cái chết của người đồng đội ngay trước giờ vinh quang”.

Nỗi đau người chiến thắng

Ký ức mà khiến tướng Thước ám ảnh mãi đó là những giờ phút cuối cùng trong ngày giải phóng đất nước 30/4/1975. Khi đó ông chỉ huy một đại đội thiết giáp ở quân đoàn, đảm nhiệm đánh 2 mục tiêu trong chiến dịch là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu Tổng tham mưu của quân Việt Nam Cộng Hòa.

Khi nghe tin Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa - Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng, tư lệnh quân đoàn 3 đã chỉ huy cho quân thọc sâu vào Dinh Độc Lập.

Lúc đi qua khu vực Lăng Cha Cả, 3 chiếc xe tăng của quân đoàn 3 đang đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đã bị hỏa tiễn chống tăng của địch ở trên cao bắn xuống, khiến cả 3 xe đều bị cháy.

Tuy nhiên, khi đó mục tiêu của quân đoàn là tiến vào Dinh Độc Lập, mà thời cơ thì chỉ có một nên tất cả đều phải nhắm mắt, nghiến răng vượt qua, bỏ đồng đội ở lại. Sau khi tiến vào Dinh Độc Lập, quay trở lại mở cửa nắp tháp pháo xe tăng ra thì thấy bên trong 3 chiếc xe tăng 15 chiến sỹ đã bị cháy đen.

“Khi đó là 11h, có nghĩa chỉ còn 30 phút nữa thôi là hòa bình. Nếu như chiến tranh kết thúc sớm hơn vài chục phút thì 15 con người trong 3 chiếc xe tăng đó đã được đoàn tụ cùng gia đình” – tướng Thước nghẹn ngào chia sẻ.

Với ông, trong chiến tranh thì việc chứng kiến những cái chết là bình thường và ngay cả mạng sống của mình cũng coi “nhẹ tựa lông hồng”. Thế nhưng cái chết của đồng đội ông, những người hi sinh ở ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình đó luôn là nỗi ray rứt lớn nhất đối với người cầm quân, lãnh đạo.

Trải qua bao cuộc chiến, tướng Thước may mắn hơn nhiều người đồng đội của mình, ông được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Dinh Độc Lập, được thấy cảnh Nam Bắc reo vui chào đón ngày thống nhất. Và giờ đây, mỗi ngày ông còn được thấy cảnh đất nước đang chuyển mình, phát triển.

Sống trong cảnh hòa bình, đủ đầy nhưng chưa khi nào vị trung tướng nguôi niềm thương tiếc với những người đồng đội đã hi sinh thân mình cho dân tộc. 

Nhắc đến sự hy sinh ấy, người chiến sỹ một thời “không biết sợ cái chết” cũng ứa nước mắt. Ông chia sẻ: Cuộc đời của tôi không có gì phải trăn trở nhưng với thời cuộc thì tôi còn có nhiều điều phải nghĩ, phải trăn trở lắm". Ông đặc biệt nhắc đến chế độ cho người có công, cho bà mẹ liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với ông những gì chúng ta làm cho họ tuy cũng đã làm được nhiều nhưng thực ra cũng chưa thật thỏa đáng. Nhiều đồng đội của ông mất hết giấy tờ nên chẳng được hưởng một quyền lợi nào. Cuộc sống nghèo khó về vật chất và với họ còn nặng nề về tinh thần. Vì thế một năm có 365 ngày, xin đừng chỉ nhắc đến quá khứ, đến người lính trong "ba ngày kỉ niệm"./.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên là Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X. 

Tại nghị trường Quốc hội những nhiệm kỳ trước xuất hiện câu “thành ngữ”:  Nhất Thước - Nhì Trân - Tam Lân... (Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng... Đây là những người châm ngòi, xốc dậy và hâm nóng hội trường nhất là ở những phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang