20 điều thú vị về ngày Cá tháng tư

author 14:47 01/04/2014

(VietQ.vn) - Ngày Cá tháng tư, còn gọi là ngày nói dối, là ngày hội vui vẻ, hấp dẫn đối với những ai tinh nghịch và hài hước.

Đây là ngày mà bạn bè có thể bị lừa hoặc chơi khăm mà không sợ bị giận. Cá tháng tư dù không phải là ngày nghỉ lễ chính thức nhưng vẫn được rất nhiều nước tổ chức kỉ niệm hàng năm vào đúng ngày 1 tháng 4, bằng cách tung nhiều tin đồn hoặc nói xạo, nói đùa về rất nhiều chủ đề khác nhau nhằm tạo niềm vui hay trêu chọc ai đó.

Còn rất nhiều điều thú vị xoay quanh ngày lễ nói dối này mà có thể bạn chưa biết.

1. Ngày Cá tháng tư đã trở nên quen thuộc ở nhiều quốc gia. Theo truyền thống, ở một số nước như Anh, Áo, New Zealand, Canada, ngày Cá tháng tư kéo dài đến giữa trưa 1-4. Ai chơi trò đánh lừa sau trưa bị  gọi là người khờ dại tháng tư. Trong khi đó, ở những nước khác như Ireland, Mỹ, Pháp, các trò đùa kéo dài cả ngày. Ở Scotland, ngày Cá tháng Tư thậm chí kéo dài tới 48 giờ. Ở Việt Nam những năm gần đây, ngày Cá tháng Tư cũng đã được chấp nhận và nhanh chóng trở thành cơ hội để mọi người cùng chia sẻ các bất ngờ, thú vị đầy tính hài hước.

2. Những ghi chép sớm nhất về ngày Cá tháng tư là trong cuốn “Những chuyện cổ tích Canterbury” (Chaucer’s Canterbury Tales) năm 1392 của nhà văn Anh Geoffrey Chaucer (1342-1400).

3. Mặc dù các nhà sử học tin rằng ngày Cá Tháng tư bắt đầu ở Pháp nhưng không ai hoàn toàn chắc chắn. Có một niềm tin rằng ngày này bắt nguồn từ một lần thay đổi lịch hồi thế kỷ XVI, khi Giáo hoàng Gregory XIII ban hành công lịch mới (gọi là lịch Gregory) thay thế lịch cũ Julius. Nước Pháp đã đón nhận lịch này và thay đổi ngày đầu năm thành ngày 1/1. Vào thời điểm này, có nhiều người không chấp nhận ngày tân niên 1/1, hoặc cũng có thể họ không biết sự thay đổi đó, nên vẫn tiếp tục chào đón tân niên vào ngày 1/4 (thời xưa, người ta đón mừng tân niên vào ngày 1/4, sau ngày Xuân Phân 20/3 hoặc 21/3). Kết quả là họ bị những người khác cười chế nhạo, và phong tục này đã lan rộng khắp Châu Âu. Và họ trở thành “April Fool” (kẻ ngốc tháng 4 – Cá tháng Tư).

Lịch Gregory thay thế lịch Julius

Lịch Gregory thay thế lịch Julius

 

4. Người La Mã cổ đại có một ngày nói đùa gọi là Lễ hội Hilaria (cũng gọi là Roman Laughing Day- Ngày cười của người La Mã). Ở La Mã cổ đại, lễ hội Hilaria được tổ chức để chào mừng ngày xuân phân và tôn vinh Nữ thần Trái đất của Anatolia (Anatolia- tiếng Hy Lạp có nghĩa là “mặt trời mọc”- là một bán đảo châu Á nằm giáp với châu Âu).

5. Tại Scotland, ngày Cá tháng tư được gọi là ngày “Săn chim cúc cu” (Hunt the Gowk Day). “Gowk” là một từ Scotland cổ cũng có nghĩa là “kẻ ngốc”. Một trò đùa truyền thống liên quan đến việc gửi một thông điệp bí mật cho những “chú chim cúc cu”: “Đừng cười to, đừng cười mỉm. Hãy đi thêm một dặm nữa để săn chim cúc cu”. Thông điệp hướng dẫn được truyền từ người này qua người người khác cho đến khi một “con chim cúc cu” hiểu chuyện gì đang diễn ra, hoặc được ai đó giúp đỡ vì thương hại. Scotland có tới 2 ngày Cá tháng Tư. Ngày thứ hai đặc biệt để trêu ghẹo phần sau lưng của mỗi người, nên được gọi là “Ngày vuốt đuôi”. Đây được coi là ngày phát sinh của trò đùa “Hãy đá tôi một phát” (Kick me hard!).

Trò đùa “Hãy đá tôi một phát” của người Scotland

Trò đùa “Hãy đá tôi một phát” của người Scotland

 

6. Người Pháp gọi ngày 1/4 là “Poisson d’Avril” hoặc “April Fish”. Trẻ con Pháp chơi một trò chơi đặc biệt trong ngày này. Chúng tìm cách dính những con cá bằng giấy lên lưng người khác mà không để người ta biết. Đến khi người ta phát hiện ra, chúng sẽ hô to: “Poisson d’Avril!” – “Cá tháng tư!”. Ngày nay, lễ hội này gần như không còn ý nghĩa tôn giáo nữa và còn được kết hợp với lễ hội mùa đông của những người ngoại giáo.

Trò

Trò "April Fish" của trẻ con ở Pháp

 

7. Mexico lại có ngày 28/12 để đùa cợt tương tự như ngày Cá tháng tư. Dia de los Santos Inocentes (Ngày của những đứa trẻ Holly vô tội), một ngày lễ tôn giáo tưởng nhớ những đứa trẻ vô tội bị Vua Herod ra lệnh tàn sát. Dần dần không khí ngày này trở nên vui tươi hơn, và trở thành ngày lễ của những trò đùa vui, trêu chọc.

8. Boese- người phụ trách Bảo tàng của Những trò đùa (San Diego, Mỹ) chỉ ra rằng Cá tháng tư là ngày mà mọi người phải đối mặt với hệ lụy của sự bất bình đẳng trong xã hội. Chẳng hạn như vào thế kỷ XVIII, những đứa trẻ bụi đời đã bày trò chơi khăm một quý ông người London.

9. Truyền thống ngày Cá tháng tư của người Flemish còn cho phép trẻ em khóa cửa nhốt bố mẹ hoặc giáo viên của mình trong phòng và chỉ chịu mở cửa khi họ đồng ý với yêu cầu của những đứa trẻ.

10. Ngay cả nhà văn khôi hài, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ Mark Twain cũng nói đôi điều về ngày Cá tháng tư: “Ngày đầu tiên của tháng Tư giúp chúng ta hiểu ra con người thật của mình trong 364 ngày còn lại.”

11. Ở Anh, tùy vào nơi bạn sống, thay vì gọi là những kẻ ngốc là “fool” trong ngày Cá tháng tư, bạn có thể dùng những từ khác như “noodle”, “noddy”, “gobby” hay “gob”.

12. Một trong những lời nói dối nổi tiếng nhất là năm 1957 khi đài BBC của Anh phát bộ phim tài liệu về mùa thu hoạch mì ống thường niên tại Thụy Sỹ. Phim quay cảnh một gia đình đang lượm những sợi mì từ “các cây mì spaghetti”. Món mì Italia rất được ưa chuộng tại Anh thời điểm đó và nhiều người Anh đã "ngây thơ" tin vào trò lừa của BBC tới nỗi họ muốn tìm hiểu xem làm thế nào để có thể tự trồng được các cây spaghetti!

13. Vào đúng ngày Cá tháng tư năm 1976, nhà thiên văn học Patrick Moore đã thông báo trên đài BBC của Anh về một sự kiện thiên văn vào 9h 47 (GMT) sáng ngày 1/4/1976, lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử, sao Diêm vương sẽ đứng sau sao Mộc và tạo thành một đường thẳng. Vào đúng thời điểm đấy, trọng lực trái đất sẽ bị suy giảm mạnh và người dân có thể...bay nhảy tự do trên không trung. Hàng trăm người đã gọi điện tới Đài phát thanh Anh Quốc để bày tỏ sự kinh ngạc của mình.

14. Ngày 1/4/1996, hãng kinh doanh đồ ăn nhanh Taco Bell mua hẳn một trang báo trên tờ New York Times để quảng cáo về sự kiện họ mua thành công chiếc chuông Tự do tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ và đổi tên thành Chuông Tự do Taco. Tuy nhiên đến buổi trưa cùng ngày, hãng này thú nhận đây chỉ là một trò đùa.

15. Năm 1998, như một trò đùa ngày Cá tháng tư, hãng đồ ăn nhanh Burger King nổi tiếng đã công bố trên trang quảng cáo của tờ USA TODAY một thương hiệu sản phẩm mới: bánh kẹp "tay trái", đặc biệt tạo ra cho 32 triệu người Mỹ thuận tay trái. Các chất liệu tương tự như chiếc bánh Whopper ban đầu, nhưng được xoay 180 độ vì lợi ích của khách hàng thuận tay trái.

Bánh kẹp

Bánh kẹp "tay trái" của Burger King

 

16. Cũng trong năm 1998, Tạp chí Khoa học và Lẽ phải New Mexicans đưa tin, Hội đồng Toán học Quốc tế đã quyết định đổi giá trị của số Pi từ 3,1459 xuống còn 3,0 cho đơn giản và dễ tính toán.

17. Năm 2001, một chiêu trò quảng cáo thành công ở Đan Mạch khi một đầu xe điện ngầm ngoi lên khỏi mặt đất trước hội trường thành phố Copenhagen. Thực ra, đây là xe điện cũ của Stockholm, được cắt chéo và đặt trên nền gạch.

18. Google luôn thể hiện sự vượt trội trong ngày Cá tháng tư hàng năm. Năm 2013, Google giới thiệu Google Wallet Mobile ATM được quảng cáo là gắn dễ dàng vào hầu hết các điện thoại thông minh và người dùng sẽ nhận được tiền ngay lập tức, điều đó có nghĩa là bạn không phải tìm kiếm ngân hàng hay máy ATM gần nhất khi có nhu cầu rút tiền.

Dịch vụ Google Wallet Mobile ATM

Dịch vụ Google Wallet Mobile ATM

 

19. Twitter cũng “biết đùa” khi tung ra các thông báo dễ gây sốc như việc loan báo trên trang chủ vào tối 31/3 rằng đã chuyển đổi Twitter thành 2 dịch vụ. Những người muốn sử dụng miễn phí có thể chọn Twttr- dịch vụ chỉ cho phép viết phụ âm. Twitter viết: "Trd th nw Twttr yt? Mr tm fr mr twts!" (Xài Twttr mới chưa? Tweet nhiều hơn). Những ai muốn gõ cả phụ âm và nguyên âm phải trả phí 5 đôla hàng tháng.

20. Dựa trên những phản hồi của độc giả và những nghiên cứu liên tục, Bảo tàng của Những trò đùa còn lập ra một danh sách chi tiết và thú vị liệt kê top 100 Trò đùa Cá tháng tư hay nhất mọi thời đại.

Bùi Ly


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang