200.000 người bị ung thư có liên quan đến nguồn nước ô nhiễm

author 09:31 09/05/2015

(VietQ.vn) - Trung bình mỗi năm, Việt Nam có tới 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm; 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà một nguyên nhân quan trọng là do sử dụng nước bị ô nhiễm.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước” do ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Liên minh Nước sạch tổ chức sáng 8/5.

Phát biểu tại buổi khai mạc, TS. Võ Tuân Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định: “Nước là nguồn tài nguyên quý giá và có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của nhân loại. Dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước và ô nhiễm nước ngày càng trậm trọng ở hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nơi mà nhu câu cuộc sống hàng ngày của con người và nhu cầu phát triển đã và đang xung đột mạnh mẽ với nhau”.

200.000 người bị ung thư có liên quan đến nguồn nước ô nhiễm

Việt Nam đang bị ô nhiễm nguồn nước nặng nề, đặc biệt là ở khu vực TP HCM

Trong khi đó, ông Nhân cũng cho biết, chất lượng nguồn nước đang có nguy cơ nằm ngoài tầm kiểm soát do tác động của các hoạt động phát triển; sự mâu thuẫn trong khai thác, chia sẻ tài nguyên nước giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế; từ công tác quản lý Nhà nước và đặc biệt là chính sách, pháp luật chưa được hoàn thiện, thiếu nhiều quy định và các chế tài trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nước. Chính vì vậy việc bảo vệ và quản trị tốt nguồn nước đã được coi là vấn đề ưu tiên trong mục tiêu phát triển đất nước. Trong đó, chính sách, pháp luật về kiểm soát nguồn nước phải được ưu tiên hàng đầu.

Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phát  triển nhanh nhất ở Châu Á, chuyển đổi từ một nền kinh tế phát triển theo kế hoạch tập trung sang một nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. 

Trong suốt 25 năm qua, chúng ta đã có sự tăng trưởng vượt bậc, nâng cao mức sống cho hàng triệu người và đạt được sự giảm nghèo hiệu quả. Năm 2014, GDP của nước ta tăng 5,9%, trở thành nước tăng trưởng nhanh thứ hai sau Trung Quốc (Công bố của Tổng cục thống kê, 12/2014). 

Tuy vậy do nền kinh tế của nước ta còn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, trồng rừng. Sự phụ thuộc này đã dẫn đến tình trạng suy thoái hóa đất, suy thoái rừng, suy thoái nguồn lợi hải sản ven bờ do khai thác đánh bắt cá quá mức và nhất là suy thoái môi trường đặc biệt là môi trường nước. 

Cùng với sự đô thị hóa nhanh và phát triển công nghiệp, các vấn đề về môi trường như rác thải, ô nhiễm ngày càng trở nên bức xúc, trong đó tình trạng ô nhiễm nước ngày càng trở nên trầm trọng, đã và đang gây ra vấn đề bất ổn trong xã hội. Theo thống kê hiện Việt Nam có khoảng 2.360 con sông dài trên 10 km và hàng ngàn hồ, ao. 

Ngoài ra còn có hai vùng đồng bằng lớn là đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam với các đồng lúa nước rộng lớn. Các nguồn tài nguyên nước là nơi cư trú của các thảm động vật và thực vật độc đáo, hỗ trợ cuộc sống của hàng trăm ngàn loại thực vật cây cối, nơi sống của các loài cá và động vật hoang dã bản địa, và cũng là nền tảng cư trú cho hàng triệu người dân Việt Nam. 

Điều không may là những nguồn nước của chúng ta đang ngày càng bị suy thoái, thậm chí một số nguồn nước bị phá hủy do ô nhiễm nghiêm trọng bởi các hoạt động mang mục tiêu kinh tế và sự khai thác cho mục đích sinh hoạt của con người. Ô nhiễm môi trường nước hiện nay của nước ta đã và đang có xu hướng phát triển ngoài tầm kiểm soát.  

Tình trạng ô nhiễm nước đã làm tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới hiệu quả và tính cạnh tranh sản phẩm của các ngành, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản, nông nghiệp. Về tác động của ô nhiễm nước tới sức khỏe nhân dân, theo báo cáo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có tới 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, có tới 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà một nguyên nhân quan trọng là do sử dụng nước bị ô nhiễm.

Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhìn nhận, từ góc độ kinh tế, nước là nguồn nguyên liệu, là môi trường cho sản xuất, khai thác và dịch vụ… Nước sạch là điều kiện cần và tiên quyết và có thể coi là nguồn tài sản cho sự phát triển kinh tế. Giữ gìn nguồn nước sạch là phát triển bền vững là hai khái niệm không thể tách rời. Để đất nước phát triển bền vững, đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo được sức khỏe của nòi giống, một trong những việc hiện nay phải làm quyết liệt trước tiên là kiểm soát, ngăn ngừa và chặn đứng các nguồn gây ô nhiễm nước, đặc biệt là vào nguồn nước mặt.

Trong khuôn khổ chương trình, hội thảo đã mở ra diễn đàn về quản trị nước, đặc biệt là những bất cập trong chính sách và hệ thống văn bản hiện hành liên quan tới vấn đề kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước tại Việt Nam. Đồng thời đề xuất giải pháp hành động để dừng và đảo ngược xu thế ô nhiễm nước đang ngày càng trầm trọng ở Việt Nam hiện nay. 

Trong đó, nổi bật là đề xuất kiến nghị Quốc hội khóa XIV thực hiện giám sát tối cao về môi trường nước và đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội một luật riêng về kiểm soát ô nhiễm nước với tính thực thi cao như nhiều nước thế giới đã ban hành, nhằm góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững của Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Trà Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang