Tình cảm của học trò mới là món quà vô giá

author 07:48 20/11/2013

(VietQ.vn) - "Đừng mang vật chất ra để “hối lộ” thầy cô nhằm đạt được mục đích riêng. Tình cảm, sự kính trọng, sự thành đạt của mỗi học sinh mới chính là món quà có ý nghĩa nhất đối với các thầy cô giáo”.

Đó là chia sẻ của nhà nghiên cứu văn hóa PGS.TS Phạm Ngọc Trung khi chia sẻ với Chất lượng Việt Nam về chuyện quà cáp, phong bì đang rất “nóng” trong dịp 20/11

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung

Là một nhà nghiên cứu văn hóa lại có mấy chục năm trực tiếp làm công tác giảng dạy, ông thấy ngày 20/11 hiện nay so với trước kia có gì đổi khác?

Cái không thay đổi của 20/11 hiện nay so với 20/11 của 10 năm hay 30 năm trước đây là ở tinh thần của ngày lễ này. Đó là những tình cảm của học sinh, phụ huynh dành tặng, thể hiện với giáo viên. Thay đổi là hiện nay điều kiện sống tốt hơn, quan niệm sống của con người cởi mở hơn nên nhiều phụ huynh, học sinh - sinh viên không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự trân trọng thầy cô ở những tấm thiệp, bó hoa, câu chúc mà còn thông qua những tặng phẩm có giá trị hơn, thậm chí là “đi” phong bì để tạo mối quan hệ, mong được thầy cô nâng đỡ.

Ông đánh giá sao về tình trạng vật chất hóa tình cảm trong sáng thầy – trò bằng quà cáp, phong bì như thế?

Nếu “quà cáp” chỉ dừng lại ở mức những tặng phẩm nho nhỏ như bó hoa, tờ thiệp chúc thì có thể chấp nhận được. Với những món quà có giá trị cao hoặc phong bì thì vấn đề lại khác.

Có thể thấy một hiện trạng là nền kinh tế thị trường đang tác động đến ngành giáo dục và nó làm vật chất hóa những mối quan hệ, trong đó có quan hệ thầy – trò. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là xu hướng không tốt, cần điều chỉnh để quan hệ giữa giáo viên với học sinh – sinh viên, phụ huynh phải dựa trên cơ sở đạo lý, trách nhiệm, tình cảm chứ không phải thông qua tác động của đồng tiền.

Việc quà cáp, phong bì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Thứ nhất, dù muốn hay không, khi giáo viên đã nhận tiền, quà thì cách suy nghĩ, quan hệ, ứng xử với người tặng sẽ bị chi phối. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng giáo viên có thái độ không chuẩn mực, đánh giá lệch lạc thiên vị giữa các học sinh của mình với nhau. Ai chi “mạnh tay” được yêu quý, trong khi  những em khác thì buồn chán, thất vọng vì bị đối xử bất công. Ngay bản thân các em cứ thấy bố mẹ gặp thầy cô quà cáp rồi mình được yêu quý hơn các bạn khác thì cũng mất đi động lực phấn đấu, học tập thực sự. Lẽ ra em đó rất tài năng nhưng vì ỷ lại, không nỗ lực thì cũng sẽ bị thui chột tài năng phần nào.

Thứ hai, khi học sinh/phụ huynh biếu xén quà cáp cho những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy mình/con cái mình, họ đều có mục đích. Nếu bản thân họ/con cái họ được nâng đỡ, kết quả học tập tốt, họ toại nguyện vì “quà” của họ đã có hiệu quả. Nếu không đạt mục đích thì từ tâm lý muốn cầu cạnh, họ sẽ chuyển sang trạng thái coi thường người giáo viên đã nhận quà. Do vậy, hình ảnh của người giáo viên đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vấn đề quà cáp vì thế không chỉ dừng lại ở chuyện vật chất mà còn là đạo đức, nhân cách.

Thứ ba, có những em cứ đến gần 20/11 là giục bố mẹ ông bà đến thăm thầy cô giáo bởi ở lớp, ở trường đã được cô giáo “gợi ý”, nhắc nhở. Những em học sinh lớn lên bị ảnh hưởng bởi những dấu ấn như thế từ năm này sang năm khác sẽ bị hằn sâu tư tưởng dùng vật chất để có thành tích học tập cao. Khi lớn lên, họ cũng sẽ dùng cách mua chuộc, hối lộ nhằm đạt được mục đích của mình nhanh chóng thay vì vươn lên bằng chính thực lực của bản thân.

Văn hóa phong bì ngày càng lên ngôi trong đời sống hiện tại. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng tặng quà là cách làm lãng phí vì mua quà không hợp, không ưng ý thì thầy cô không dùng tới. Do đó họ “tặng” phong bì để thầy cô thích gì mua nấy và cho rằng “món quà” này có tính thực tiễn cao hơn. Ông nghĩ sao về điều này?

Đây chỉ là một sự ngụy biện. Phải thừa nhận rằng phụ huynh, học sinh khi mua quà tặng thầy cô thường rất “đau đầu”, sợ không hợp ý, thầy cô không dùng tới. Họ cho rằng “tặng” phong bì sẽ giúp giải quyết những vấn đề nan giải trên. Song xét ở góc độ thực tế, lấy ví dụ một cô giáo dạy cấp 1, cấp 2, mỗi lớp có 40 – 50 người mà phụ huynh, học sinh nào cũng phong bì phong bao như vậy thì số tiền phong bì kia chắc chắn không nhỏ. Sẽ có một cuộc đua tranh “ngầm” giữa các bậc phụ huynh với nhau liên quan đến độ dày mỏng của phong bì. Mà có cạnh tranh chứng tỏ không họ cũng phải “đau đầu” lo âu, suy nghĩ xem không biết phòng bì thế này đã đủ chưa hay ít hơn các phụ huynh khác, nếu ít hơn liệu con em họ có được thầy cô yêu quý hơn. Đó là còn chưa kể đến việc nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cuộc đua phong bì không hề là điều dễ chịu.

Vậy giáo viên cần ứng xử ra sao với nạn phong bì ngày 20/11, thưa ông?

Đây là việc từng giáo viên có cách ứng xử riêng. Thực chất giáo viên “gợi ý” quà cáp thì ít mà các phụ huynh tự nghĩ ra, tự chạy đua quà cáp, phong bì để tạo lợi thế trong quan hệ thì nhiều. Và như thế, vô tình các bậc phụ huynh lại đẩy người giáo viên vào tình huống khó xử. Tôi thấy lòng kính trọng thầy cô thì không thay đổi nhưng biểu hiện của lòng kính trọng đó thì nên thay đổ, đừng mang vật chất ra để “hối lộ” thầy cô nhằm đạt được mục đích riêng. Tình cảm, sự kính trọng, sự thành đạt của mỗi học sinh mới chính là món quà có ý nghĩa nhất đối với các thầy cô giáo trong ngày 20/11. Đây cũng chính là món quà vĩnh cửu mà thầy cô trân trọng.

Theo ông Trung, bản lĩnh của thầy cô là một trong những yếu tố khiến phụ huynh, học sinh có "dám" tặng quà cáp, phong bì không

Bên cạnh đó, tôi thấy học sinh, phụ huynh thông qua tiếp xúc với giáo viên cũng có những cảm nhận riêng của mình. Nếu trong các bài giảng, thầy cô đề cập đến động cơ học tập, đạo đức của giáo viên, học sinh là gì, từ đó cho thấy bản lĩnh, tư cách và phẩm chất của mình, không bị mua chuộc bởi vật chất thì tự học sinh, phụ huynh (khi được nghe con kể lại) họ cũng sẽ không dám biếu xén, tặng quà cáp, phong bì nữa.

Điều này cũng giải thích tại sao có những giáo viên cứ đến dịp lễ Tết nói chung và 20/11 nói riêng, phụ huynh, học sinh kéo đến “đi” phong bì rất đông nhưng lại có những nhà giáo lớn thì người đến thăm hỏi, chúc mừng đông song lại không có tình trạng quà cáp tràn lan. Đó là bởi những nhà giáo này đã vượt qua được những cám dỗ vật chất tầm thường bằng chính đạo đức của mình. Học sinh, phụ huynh nhìn thấy bản lĩnh, đạo đức của các nhà giáo liêm chính ấy nên cũng không dám tùy tiện tặng quà, bởi họ biết món quà ấy không lay chuyển được thầy cô mà có thể còn khiến tình cảm bị rạn nứt .

Vậy chúng ta nên làm gì để thay đổi nếp suy nghĩ của nhiều phụ huynh, học sinh – sinh viên cũng như xử lý những giáo viên cố tình “gợi ý” học sinh chuyện quà cáp, góp phần loại bỏ văn hóa phong bì trong dịp lễ đầy ý nghĩa như 20/11?

Chúng ta đã có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đây là đường lối, chủ trương của Nhà nước, tạo nên một cái khung mà mỗi  một cơ quan, trường học phải tự lĩnh hội, tiếp thu và sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn tình hình. Tuy nhiên đó chỉ là về chính sách, việc nhận quà cáp, phong bì thuộc về chuyện nhân cách của mỗi bậc làm cô, làm thầy nên tự bản thân người giáo viên cần luôn tự rèn luyện, răn dạy mình theo đúng chuẩn mực của nhà giáo. Không thể viện lý do đồng lương eo hẹp để “nâng cao thu nhập” trong những ngày này. Họ có thể sử dụng nhiều cách phù hợp với chuyên môn của mình để kiếm tiền, thay vì làm vẩn đục hình ảnh của bản thân bằng việc nhận phong bì. Thế hệ trẻ nếu muốn phát triển tốt thì rất cần những người thầy cô có đạo đức, dạy dỗ học sinh hết lòng, không vụ lợi, người giáo viên cần nhận thức rõ điều này để biết mình nên hoặc không nên làm gì.

Hôm qua tôi đã đến thăm thầy giáo chủ nhiệm lớp toán năng khiếu của tôi ở trường Chu Văn An. Đến nay đã được 46 năm kể từ ngày tôi còn là học sinh của thầy, giờ thầy đã 83 tuổi rồi, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng thầy vẫn chợt nhận ra tôi và rất mừng. Tôi cũng thấy rất vui và hạnh phúc. Tôi cũng đến thăm các thầy dạy của tôi ở Khoa Sử, trường ĐH Tổng hợp, chỉ một bó hoa nhỏ thôi mà cả thầy cả trò đều cảm thấy vui vẻ.

Bản thân tôi là một nhà giáo, năm nào tôi cũng nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng của các em sinh viên, có bạn đã ra trường rồi vẫn gọi điện thăm hỏi, tâm sự với tôi một vài điều xung quanh cuộc sống của các em ấy. Tôi luôn cảm nhận đó là tình cảm và sự biết ơn chân thật.

 

Chẳng quà cáp, cũng chẳng phong bì, chỉ cần thầy trò đến với nhau bằng lòng biết ơn và kính trọng chân thành thì tình cảm thầy trò sẽ trở nên trong sáng và bền chặt.

(PGS.TS Phạm Ngọc Trung)

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Thanh Thu (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang