2015: Rét bất thường, nắng kỷ lục và mưa lịch sử

author 18:37 12/09/2015

(VietQ.vn) - Chưa năm nào ghi nhận nhiều kỷ lục "bất thường" của thời tiết như năm 2015 khi liên tiếp xảy ra các trận rét bất thường, nắng kỷ lục và mưa lịch sử.

Nắng, mưa, rét đua nhau lập kỷ lục

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết và thiên tai từ đầu năm đến nay diễn biến bất thường và cực đoan. Ngay từ tháng 3 đã xảy ra mưa lũ lớn trái mùa tại 3 tỉnh miền Trung, rét hại bất thường ở Sa Pa; nắng nóng gay gắt xảy ra trên diện rộng và kéo dài ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh Nam Trung Bộ và mưa lịch sử về cường suất tại Sơn La sau bão số 1 và tại Quảng Ninh  gây thiệt hại nghiêm trong vào cuối tháng 7 vừa qua.

Cụ thể, nắng nóng - hạn hán gay gắt duy trì liên tục ở khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận và Tây Nguyên, một số nơi nhiệt độ đã vượt giá trị lịch sử với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 39-40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Tình hình hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng đã xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hạn hán tại các tỉnh Nam Trung Bộ, và Tây Nguyên vượt kỷ lục năm 1997-1998, một số nơi ở Ninh Thuận, Khánh Hòa vượt kỷ lục 40 năm. Tổng diện tích không canh tác được và diện tích bị thiếu nước đối với 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu của 18 tỉnh bị hạn hán là gần 200.000 ha.

Mưa, lũ cũng ghi nhận những kỷ lục bất thường của thời tiết khi tại 3 tỉnh miền Trung là Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ đêm 24/3 đến ngày 28/3 đã có mưa to đến rất to. Trạm Bạch Mã (TT- Huế) mưa lên tới 684mm, Hiệp Đức (Quảng Nam) 684mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 521mm). Mưa lớn trái mùa đã gây ra một đợt lũ lớn bất thường, đỉnh lũ trên sông Vệ, tỉnh Quảng Ngãi ở mức báo động 3. Đây là đợt lũ lớn nhất trong vòng 40 năm so với cùng thời kỳ đã làm thiệt hại nặng nề về hoa màu, sản xuất nông nghiệp.

Sau đó, vào ngày ngày 23-25/6, do ảnh hưởng của bão số 1, tại 8 tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa, lũ trên diện rộng. Một số nơi có mưa lớn như Tà Gia (Lai Châu) 249mm; Sơn La (Sơn La) 280mm; Mường Lát (Thanh Hóa) 141mm,… Mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn đã gây lũ quét và ngập lụt làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, đặc biệt là trận lũ quét tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Chỉ ít ngày sau, từ ngày 24/7 đến ngày 6/8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, tại 19 tỉnh vùng núi, trung du, đồng bằng Bắc Bộ đến Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Riêng tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra đợt mưa lớn lịch sử về cường suất và tổng lượng, một số trạm mưa lớn như Cửa Ông: 1557mm, Cô Tô: 1.256mm, Quảng Hà lên tới 1.247mm, Móng Cái: 1.170mm,... Mưa lớn đã gây đợt lũ ở mức báo động 3 trên thượng lưu hệ thống sông Thái Bình, Kỳ Cùng; ở mức báo động 2 trên sông Thao; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Thanh Hóa, đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Ninh. 

Quảng Ninh gồng mình chống

Quảng Ninh gồng mình chống "đại hồng thủy" lịch sử trong vòng 40 năm qua

Ngoài ra, từ đầu năm 2015 đến nay, trên khắp các vùng, miền cả nước đã xảy ra 78 trận mưa dông kèm theo lốc và sét đánh, làm 29 người chết và thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản; nhiều khu vực miền Trung và Nam Bộ xảy ra xâm nhập mặn vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 (sớm hơn quy luật khoảng 1 tháng) phạm vi ảnh hưởng sâu vào đất liền từ 35-55km (tính từ cửa sông), sâu hơn 15-25 km so với cùng kỳ năm 2014 đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất, kinh doanh của người dân.

"Đại hồng thủy" ở Quảng Ninh cần được nghiên cứu để bổ sung công nghệ dự báo

Đợt mưa từ ngày 24/7 đến ngày 6/8 là một đợt mưa lũ diễn biến đặc biệt nghiêm trọng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTVT) Trung ương đã phát đi 110 bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, mưa lớn diện rộng, lũ, lũ quét, sạt lở đất và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển khu vực Vịnh Bắc Bộ, chưa kể các Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương khu vực cũng liên tục đồng bộ, chi tiết hóa các bản tin, cụ thể các thông tin tại địa phương trong các bản tin dự báo để phục vụ cho công tác Phòng chống thiên tai tại các tỉnh. Đài KTTV khu vực Đông Bắc, Đài KTTV tỉnh Quảng Ninh cũng đã đã phát bản tin đầu tiên cảnh báo mưa dông diện rộng trên khu vực từ 16h00 ngày 22/7. Trong suốt đợt mưa lũ này, Đài KTTV khu vực Đông Bắc phát 30 bản tin cảnh báo mưa lớn diện rộng, lũ quét và sạt lở đất và nhiều bản tin cảnh báo sóng lớn và gió mạnh trên biển. 

Mặc dù vậy, theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, lượng mưa quá lớn trong thời gian ngắn đã gây thiệt hại đáng kể cho các khu vực, đặc biệt là Quảng Ninh. "Đây là một đợt mưa, lũ vào loại đặc trưng, điển hình ở Bắc Bộ. Nguyên nhân gây mưa không quá phức tạp và đều được nhận diện từ khá sớm. Tuy nhiên có các vấn đề không nhỏ cần được các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá", báo cáo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương nêu rõ khi đánh giá về đợt mưa lũ hiếm có trong lịch sử này. Đó là diễn biến mưa từ khá sớm ở Tây Bắc so với nhận định ban đầu và kéo dài trong suốt cả đợt; Mưa diện rộng nhưng vài nơi thuộc vùng núi phía Bắc đã có mưa rất lớn và không có quy luật phân bố cụ thể và lượng mưa cực lớn, dài ngày ở ven biển Đông Bắc, đặc biệt là ở Quảng Ninh. Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, rất cần nghiên cứu các vấn đề trên để bổ sung vào các mô hình, công nghệ dự báo hiện có.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đánh giá, từ đầu năm 2015 đến nay, thiên tai cực đoan, bất thường xảy ra liên tục và đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ sự cố, vỡ đập với các hồ cứa nhỏ là rất lớn. Thiên tai với cường độ cực đoan và khó lường không dự báo được, nếu xảy ra ở bất kỳ địa phương, vùng miền nào thì cũng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. 

Sau những đợt thiên tai lớn, đặc biệt là nắng nóng - hạn hán ở Trung Bộ, mưa lũ tại Bắc Bộ vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1002; các dự án thuộc chương trình củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, di dân vùng bị thiên tai; ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác phòng, chống lũ, sạt lở, hạn hán,...; rà soát quy hoạch thủy lợi, sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong tưới tiết kiệm,...

Nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai nhất là hạn hán, mưa lớn cực đoan, lũ, lũ quét, sạt lở đất,...; khẩn trương hoàn thành việc đánh giá phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, sạt lở đất làm cơ sở để các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện. Chỉ đạo việc lồng ghép phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành, xây dựng đô thị, hạ tầng, bố trí dân cư, hệ thống thoát nước ở nhiều đô thị,... Rà soát phương án và tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn; trong đó chú trọng việc phối hợp và bố trí các lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để huy động kịp thời khi có yêu cầu; khẩn trương hoàn thành Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 và Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 12/2/2015 ban hành kế hoạch triển khai đề án nêu trên; triển khai thực hiện kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang