3 bài thuốc chữa bệnh tiểu đường từ nguyên liệu tự nhiên

author 08:35 17/05/2016

(VietQ.vn) - Tham khảo những phương pháp chữa bệnh tiểu đường từ những nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong nhà bếp.

Sự kiện: Chữa bệnh từ thiên nhiên

Rau muống + râu ngô

Rau muống là loại thực phẩm quen thuộc của người dân Việt Nam. Rau muống chứa protein, béo, carbohydrat, các chất khoáng canxi, magie, sắt và các vitamin, provitamin A, vitamin C. Ngoài ra còn có nhiều lipid hơn hầu hết loại rau khác. 

Vì vậy loại cây này còn được dùng làm thuốc trong Đông y. Cây có vị ngọt, nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu chỉ huyết. Loại rau này thường được dùng trị ngộ độc thức ăn, tiểu tiện khó, tiểu ra máu, chảy máu cam, xuất huyết dạ dày, ho ra máu, trĩ xuất huyết và tiểu đường. 

Rau muống có nhiều tác dụng chữa bệnh.

Tiến sĩ Võ Văn Chi với hàng chục năm nghiên cứu về cây thuốc giới thiệu phương pháp trị bệnh tiểu đường bằng rau muống như sau: Dùng 60 g cọng rau muống, 30 g râu ngô, rửa sạch và nấu nước uống.

Lưu ý: Để đảm bảo vệ sinh an toàn, trước khi sử dụng nên rửa sạch từng ngọn rau muống, cấu phần nhớt ở ngọn rồi ngâm với nước muối loãng chừng 10-15 phút, sau đó vớt ra rửa lại, để cho ráo rồi mới dùng.

Khoai lang

Khoai lang là loại cây dễ trồng, sống được ở những điều kiện khí hậu khác nhau, ưa đất pha cát và nơi có lượng mưa hàng năm khoảng 1.000 mm, không chịu được hạn trong thời gian sinh trưởng.

Ngọn dây khoai lang có lá tía có tác dụng nhuận tràng, bổ hư tổn, ích khí lực, mạnh tỳ thận. Dùng để trị lỵ mới phát, đại tiện táo bón, di tinh, đái đục, phòng ngừa xơ cứng động mạch, hạ huyết áp, giảm béo phì, đái tháo đường.

Có thể tận dụng thân, lá và củ khoai lang để làm thành những bài thuốc chữa bệnh tiểu đường.

Theo Vnexpress, năm 2002, trong kỷ yếu hội thảo Hóa học các hợp chất thiên nhiên với Y học cổ truyền tại TP HCM giới thiệu các cách chữa bệnh tiểu đường từ cây khoai lang như sau:

- Ăn ngọn khoai lang lá tía theo cách nào cũng được, càng nhiều càng tốt, có thể ăn thêm ít cơm. Có người đã dùng đọt non rau khoai lang tía (tím), luộc, xào, nấu canh, gần như ăn trừ cơm ròng rã trong khoảng 3 tuần. Người này đã sống khỏe suốt 40 năm, theo dõi bệnh không tái phát.

- Ăn hột đậu chiều, rau khoai lang đỏ. Uống thêm nước sắc quả chuối hột xanh 30 g uống hàng ngày.

- Dùng 50 g vỏ tươi củ khoai lang trắng nấu nước uống cả ngày.

- Củ khoai lang trắng rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, mỗi ngày dùng 50 g hãm nước sôi uống cả ngày. Áp dụng liên tục 10 ngày.

Lê + củ cải trắng

Đông y dùng quả lê làm thuốc, hái vào mùa thu khi quả chín, rửa sạch, ăn sống hoặc ép lấy nước. Quả có vị ngọt, hơi chua, tính mát, tác dụng nhuận phế chỉ khái, sinh tân lợi yết. Được dùng để trị ho, miệng khô, đau họng, đàn nhiệt sinh cuồng, tiện bí và phiền ôn. Liều dùng từ 30 đến 45 g.

Nên dùng quả lê ta, quả nhỏ và màu thẫm được trồng nhiều ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. 

 Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc trị bệnh đái tháo đường từ quả lê như sau:

- Thu lê, thiên hoa phấn, la bặc (củ cải trắng), mỗi thứ đều 15 g. Gạo tẻ, đậu xanh, mỗi thứ từ 30 đến 60 g. Tất cả cho vào nồi nấu cháo ăn.

- Dùng 60 g quả thu lê 60 g giã vắt lấy nước cốt. Râu ngô (bắp), hoài sơn đều 30 g sắc lấy nước hòa với nước cốt lê uống.

- Thu lê 100 g giã vắt lấy nước cốt. Sơn dược, râu ngô đều 15 g, hoàng kỳ, phục linh đều 10 g, sắc lấy nước hòa với nước cốt lê uống.

- Thu lê từ 2 đến 3 quả ăn tươi mỗi ngày. Có thể dùng trường kỳ

 Lưu ý: Nên dùng quả lê ta, quả nhỏ và màu thẫm được trồng nhiều ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. 

>> Khó giảm cân nếu không kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể

Hoàng Minh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang