3 tháng 5.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động

author 07:24 25/04/2013

(VietQ.vn) - 3 tháng đầu năm, TP. HCM có tới 5.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm tới 40% trong tổng số các doanh nghiệp rời thị trường của cả nước.

Cả quý I/2013, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Con số các doanh nghiệp rời thị trường lên đến 5.000 doanh nghiệp theo như công bố của Cục Thống kê TP. HCM.

Đặc biệt, riêng trong tháng 3/2013, số doanh nghiệp rời thị trường của TP. HCM tương đối lớn, lên tới 1.500 doanh nghiệp, tăng 56% so với tháng trước nhưng đã giảm so với số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong tháng 1.

Lãi suất ngân hàng cao là nguyên nhân doanh nghiệp đổ hàng loạt. Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp rời thi trường lớn nhất tập trung ở các lĩnh vực như doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Riêng doanh nghiệp tư nhân có số lượng rời thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới thành lập và tái hoạt động trong kỳ.

Thực tế nói trên là một hồi chuông cảnh báo cho kinh tế của TP. HCM, một trong những đầu tầu kinh tế quan trọng của đất nước và của khu vực phía Nam.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, số doanh nghiệp của TP. HCM rời thị trường nhiều là do chỉ tập trung sản xuất sản phẩm có giá trị thấp, chủ yếu là công nghiệp gia công, lắp ráp, dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản và giá nhân công rẻ. Đây cũng là một tình trạng chung của doanh nghiệp nhiều địa phương khác trong cả nước.

Theo ông Võ Quang Huệ - TGĐ Công ty 7 TNHH Robert Bosch Việt Nam - một công ty liên doanh nước ngoài cho biết, doanh nghiệp phải đổi mới quy trình sản xuất, làm giá thành rẻ, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu và  tiếp cận với thị trường thế giới…”.

Ngoài ra, mức lãi suất mà nhiều doanh nghiệp vay được hiện nay thường là khoảng 13%/năm. Mức cho vay này khoảng cách rất lớn giữa lãi suất cho vay và huy động, chênh lệnh đến 5,5% là quá lớn, vì vậy nên có trần lãi cho vay.

Doanh nghiệp gia công phá sản chiếm số đông. Ảnh minh họa

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, các doanh nghiệp phải tập trung lại năng lực cốt lõi, củng cố lại năng lực quản lý của mình, nếu chưa có thì huy động từ bên ngoài.

"Trong thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp phải rút bài học về đòn bẩy tài chính và cân  nhắc nội lực tài chính của mình và việc vay ngân hàng", TS. Cung nói.

Trước những diễn biến như nói trên, Chủ tịch UBND TP. HCM ông Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo các sở, ban ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho doanh nghiệp.

Từ 16/3 đến ngày 15/4/2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cũng cấp phép thành lập mới cho 2.796 doanh nghiệp, tăng gần 65% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm, thành phố có 7.162 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu ở khu vực dịch vụ, còn doanh nghiệp thành lập mới ở khu vực công nghiệp - xây dựng lại giảm so với cùng kỳ.

Kể từ khi có Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2000, đến nay, cả nước đã có trên 694.000 DN được thành lập. Tuy nhiên, đến đầu năm 2013, chỉ còn hơn 300.000 DN đang hoạt động và 2/3 số đó không lớn lên nổi, thậm chí còn nhỏ dần về quy mô. 44,7% DN của số này giữ nguyên quy mô nhỏ trong suốt 10 năm, 18,7% tụt xuống thành DN siêu nhỏ, chỉ có 8,74% DN nhỏ phát triển thành DN có quy mô vừa và 6,55% thành quy mô lớn. DN có quy mô vừa cũng ngày càng nhỏ đi: có đến 38,7% DN rớt xuống thành DN nhỏ, 5,12% thành DN siêu nhỏ.

Kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy có đến 73% DN cho rằng tồn kho thực sự là mối lo ngại, 5,7% ngừng hoạt động trong năm 2012 do không tìm được thị trường đầu ra, không vay được vốn và giá nguyên vật liệu cao. Trong đó, 28,6% DN ngừng hoạt động vì không tìm được thị trường đầu ra, 21,4% do không vay được vốn, 17,9% do nguyên liệu giá cao.

Tỉ lệ DN thua lỗ trong giai đoạn 2002-2011 rất cao, lên đến 41,7% trong năm 2011. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản cũng giảm từ 6,4% năm 2002 xuống còn 3,6% năm 2010. Đáng lo ngại hơn, khả năng thanh toán của DN đang kém đi, chỉ số thanh toán hiện tại và chỉ số thanh toán nhanh đều giảm, khả năng trả lãi vay ngân hàng cũng giảm dần từ 5 lần còn 3,5 lần trong giai đoạn 2009-2011.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang