3 thói quen xấu của tài xế khiến điều hòa nhanh chóng ‘bốc mùi’ khó chịu

author 14:00 18/05/2018

(VietQ.vn) - Để nội thất trong xe trong tình trạng bẩn, chế độ lấy gió không hợp lý hay không tắt điều hòa trước khi tắt máy, những việc này sẽ góp phần làm cho điều hòa bị hôi, mốc nhanh hơn.

Sự kiện: Cảnh báo ô tô xe máy

Trong quá trình sử dụng xe, đặc biệt là vào mùa hè, điều hòa là một trong những vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe của những người ngồi trong xe.

Một trong những công việc đơn giản nhất mà mỗi chủ xe cần làm thường xuyên là kiểm tra và vệ sinh lọc gió điều hòa. Tuy nhiên, ngay cả khi lọc gió điều hòa đã rất sạch, hoặc xe không có lọc gió điều hòa mà vẫn có mùi hôi. Vậy đâu là nguyên do.

Dưới đây là 3 thói quen xấu của người sử dụng khiến điều hòa bốc mùi hôi nhanh chóng.

Để nội thất  xe bẩn thỉu

3 thói quen xấu của tài xế khiến điều hòa nhanh chóng ‘bốc mùi’ khó chịu

Bụi bẩn và rác bị hút vào trong hệ thống điều hòa, bám nhiều trên giàn lạnh. Ảnh internet 

Nội thất xe bẩn thỉu là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến điều hòa bị hôi. Khi bật chế độ lấy gió trong, không khi tuần hoàn trong khoang xe vào hệ thống điều hòa, được làm mát rồi thổi trở lại ca-bin. Bụi bẩn trong nội thất sẽ theo vòng tuần hoàn đó len khỏi khắp các ngóc ngách của hệ thống, bị đọng lại rồi lâu ngày bốc mùi.

Giải pháp: Luôn dọn sạch sẽ nội thất, đặc biệt là đồ ăn thức uống hay các chất hữu cơ. Nếu chở thực phẩm tươi sống trên xe, cần gói cẩn thận hoặc bỏ trong thùng kín.

Chế độ lấy gió không hợp lý

3 thói quen xấu của tài xế khiến điều hòa nhanh chóng ‘bốc mùi’ khó chịu

Lọc gió quá bẩn và rách nát cần được thay thế. Ảnh internet 

Trong hầu hết các trường hợp, hãy để điều hòa ô tô ở chế độ lấy gió trong, đặc biệt là lúc mới khởi động xe để không khí lạnh tuần hoàn nhanh hơn. Nếu cảm thấy bức bí và muốn chuyển sang chế độ lấy gió ngoài, bạn cần đánh giá được điều kiện môi trường. Nếu xe di chuyển qua vùng nhiều bụi bẩn và rác, chế độ lấy gió ngoài sẽ hút bụi và không khí ô nhiễm vào xe. Hệ thống lọc gió có thể sẽ không xử lý triệt để.

Giải pháp: Chỉ lấy gió ngoài khi điều kiện môi trường thực sự trong lành và sạch sẽ.

Không tắt điều hòa trước khi tắt máy

3 thói quen xấu của tài xế khiến điều hòa nhanh chóng ‘bốc mùi’ khó chịu

Nước đọng kết hợp bụi bẩn bám trên giàn lạnh, tạo thành bùn hôi thối. Ảnh internet 

Khi ở chế độ làm việc tối ưu, nhiệt độ tại giàn lạnh khoảng 1 – 2 độ C. Khi bạn tắt máy, hệ thống điều hòa cũng sẽ ngừng mọi hoạt động, nhưng giàn lạnh vẫn đang rất lạnh và sẽ làm cho hơi nước xung quanh ngưng tụ thành nước và đọng trên giàn lạnh. Nước ngưng tụ sẽ kết hợp với bụi bẩn tạo thành bùn, lâu dần sẽ nhiều lên và khiến điều hòa bốc mùi hôi thối.

Giải pháp: Trước khi kết thúc lộ trình khoảng 2 – 3 phút, hãy tắt công tắc AC, nhưng vấn để quạt gió, sẽ giúp quạt thổi khô giàn lạnh, hạn chế nấm mốc phát triển và đồng thời tiết kiệm nhiên liệu.

Tài xế hãy bỏ 3 thói quen này để điều hòa luôn trong trạng thái sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe khi ngồi trong xe và tiết kiệm nhiên liệu.

2 cách làm sạch giàn lạnh điều hòa

Khi điều hòa bốc mùi hôi, vệ sinh lọc gió và cửa gió chỉ là công đoạn “ngọn” của vấn đề. Gốc gác của mùi hôi thối có thể nằm sâu bên trong, trên giàn lạnh của xe. Để vệ sinh giàn lạnh, hầu hết các gara ô tô phải tháo táp-lô, tháo tung hệ thống điều hòa và vệ sinh giàn lạnh bằng nước và hóa chất chuyên dùng. Cách này khá hiệu quả, nhưng mất thời gian và có thể gây nên những phiền toái không đáng có trong quá trình tháo lắp táp-lô.

Cách thứ 2 để vệ sinh giàn lạnh mà nhiều xưởng dịch vụ áp dụng là nội soi. Hệ thống bơm nước và hóa chất được thiết kế đặc biệt bơm thẳng vào giàn lạnh và vệ sinh tại chỗ mà không cần tháo lắp. Cách này nhanh chóng, tiện lợi, nhưng có thể không triệt để 100% như cách tháo ở trên.

Hoàng Yến (t/h)

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang