'30 tuổi làm giám đốc sở, không có gì ghê gớm'

author 09:34 28/09/2015

“Ở 30 tuổi mà được làm giám đốc sở là tốt và cũng không có gì quá ghê gớm. Điều quan trọng ở đây là anh ta có xứng đáng hay không? Có đủ đức, đủ tài hay không? Nói về tuổi tác, chúng ta còn phải phấn đấu, làm sao để có nhiều Ủy viên Trung ương khi mới trên dưới 30 tuổi”.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trao đổi với PV nhân việc một cán bộ trẻ được bổ nhiệm Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam khi vừa mới bước sang tuổi 30.

Quan trọng là phải đủ đức, đủ tài

Vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã bổ nhiệm một Giám đốc Sở KH&ĐT 30 tuổi. Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau khi một vị trí quan trọng lại được giao cho một cán bộ trẻ, con của Bí thư Tỉnh ủy. Ý kiến của ông ra sao về trường hợp này?

Với độ tuổi 30 mà đã được bổ nhiệm ở một vị trí giám đốc sở như vậy cũng là cái tốt, rất đáng hoan nghênh. 30 tuổi làm giám đốc sở cũng không có gì quá ghê gớm. Điều quan trọng là anh ta có xứng đáng hay không, có đủ đức, đủ tài hay không thôi. Chúng ta còn phải phấn đấu, làm sao để có nhiều cán bộ trẻ tham gia cấp ủy, thậm chí vào Trung ương với độ tuổi 30. Nhưng những người đó không phải do tổ chức nặn ra mà phải do họ hoàn toàn xứng đáng.

Nhưng thật khó để phát hiện và đề bạt những cán bộ trẻ, có phẩm chất và năng lực như vậy?

Điều này thì lực lượng thanh niên và nhân dân phải là người phát hiện ra, anh này có đạo đức tốt không, có phẩm chất năng lực không hay chỉ là “ô dù”. Bên cạnh đó, thanh niên cũng phải phát hiện ra nhiều người trẻ, có năng lực. Thậm chí nếu có những người chỉ 25 tuổi vào Ủy viên Trung ương Đảng cũng rất tốt. Đại hội lần thứ 12 lần này phải làm sao để có được những Ủy viên Trung ương có độ tuổi trẻ như vậy. Mặc dù ở độ tuổi đó không nhiều, nhưng theo tôi cần phải có. 

Chúng ta đừng nghĩ thanh niên ít tuổi mà lơ mơ, điều đó có thể có một bộ phận nào đó, nhưng bên cạnh đó có rất nhiều người tuy chỉ 25, hay 30 tuổi nhưng họ rất sâu sắc, có tinh thần yêu nước, có sự tận tụy và rất có kiến thức. Do vậy chúng ta không chỉ phải chú trọng tới vai trò của đảng viên đang giữ cương vị lãnh đạo mà còn phải rất chú ý tới các đảng viên trẻ. Cần phải khơi gợi trong họ tinh thần của người chiến sĩ Cộng sản, giữ vững được ý chí của một người đảng viên, làm việc gì cũng phải nghĩ tới lợi ích của dân. Tuy nhiên, thực tế vừa qua rất nhiều tỉnh không đạt được tỷ lệ nữ và thanh niên. Có thể tới đây chúng tôi sẽ gửi thư lên Trung ương, đề nghị bổ sung người trẻ, người tài vào Ban chấp hành. 

Mặc dù đã được chú trọng, song  tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy vẫn còn khá khiêm tốn. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này cũng như những đóng góp của cán bộ trẻ hiện nay?

Qua phương tiện thông tin đại chúng, khi sơ kết, tổng kết Đại hội các tỉnh, thành phố, đại diện Ban Tổ chức Trung ương đã nói, có nhiều nơi không đủ tỷ lệ cán bộ trẻ trong Ban chấp hành. Theo tôi, đó là điều rất đáng tiếc, khi thực tế bây giờ tuổi trẻ thông minh, có nhiệt huyết ở độ tuổi trên dưới 30 không ít. Các cấp ủy cần chủ động phát hiện ra những nhân tố đó, đưa họ vào cấp ủy rèn luyện, đào tạo.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tất cả những nơi gian khổ, những công việc nặng nhọc đều có sự đóng góp của thanh niên. Rồi trong hòa bình, cán bộ trẻ hiện nay vẫn là lực lượng xung kích trên tất cả các mặt trận. Tuổi trẻ như các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ở biên giới hải đảo, trên các công trường xây dựng, hay trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật… Trên mọi lĩnh vực đều có đội ngũ tuổi trẻ, xung kích, thông minh, trí tuệ và có lòng yêu nước. Đó là quy luật của xã hội và thời kỳ nào cũng như thế, thế hệ trẻ cũng đều có những đóng góp lớn.

Ông Vũ Quốc Hùng.

Không phải chỉ thu gọn trong con cán bộ

Thời gian qua không ít những cán bộ trẻ được đề bạt, sau đó rộ lên là con ông nọ, cháu ông kia. Điều đó khiến dư luận luôn đặt ra những câu hỏi và sự hoài nghi về năng lực phẩm chất của họ?

Hai cái đó hoàn toàn khác nhau. Tuổi trẻ bao giờ cũng trong sáng. Tuổi trẻ luôn đầy nhiệt huyết, đầy sức sống. Những tấm gương như Trần Quốc Toản, hay Kim Đồng là những ví dụ tượng trưng cho cả một thế hệ. Vấn đề ở đây là phải phát hiện, tuyển chọn ra những người trẻ thực sự hiền tài, đặc biệt phải rất khách quan, là con nhân dân chứ không phải chỉ thu gọn ở con cán bộ.

Tôi quan niệm, rằng phải loại trừ tư tưởng “con ông, cháu cha”. Nếu con cán bộ mà thực sự xứng đáng với truyền thống của cha ông thì tốt chứ sao, nhưng không thể có cảnh “con vua thì lại làm vua”. Điều đó làm thiệt thòi cho đất nước đã đành, bản thân những người không xứng đáng, không đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức tư cách… không những gây hại cho đất nước mà còn gây hại cho chính bản thân họ. 

Họ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, và lịch sử sẽ không tha thứ bất kỳ ai, khi đã lãnh trách nhiệm trước nhân dân lại không làm tròn trách nhiệm. Ngược lại, lịch sử cũng sẽ ghi nhận tất cả những ai tận tâm, tận lực, tận trung với nước với dân, thấy sức mình đến đâu thì làm đến đó và luôn làm hết sức mình và đúng với khả năng của mình. 

Bản thân những người chân chính không bao giờ chạy chọt để có chức vụ, đồng thời, những người có trách nhiệm sẽ không để những người chạy chọt, những người không xứng đáng vào các vị trí quan trọng.

Khi tuyển chọn cán bộ phải hỏi dân

Vậy theo ông, công tác lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phải làm thế nào đề người dân tâm phục khẩu phục, dù họ là con em dân thường hay là con ông cháu cha?

Không có gì khó khăn cả, đó là phải công khai dân chủ. Dân chủ nghĩa là nếu người đó là cán bộ trẻ thì đoàn thanh niên ở đó phải có ý kiến, rồi báo cho mọi người danh sách. Điều lệ Đảng đã nói, Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, đồng thời là của dân tộc. Điều lệ Đảng nói rồi, nên khi tuyển chọn cán bộ Đảng phải hỏi dân. Muốn hỏi dân thì phải công khai, để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Khẩu hiệu này, phương châm này đã có từ vài chục năm nay, cứ thế mà thực hiện.

Lịch sử đã ghi nhận nhiều cán bộ tuổi đời còn trẻ, nhưng lại nắm giữ những vị trí quan trọng, có những đóng góp rất lớn cho đất nước, thưa ông?

Đúng vậy! Dù thời điểm nào đi chăng nữa chúng ta cũng cần phải sử dụng nhiều cán bộ trẻ là những thanh niên, nhưng phải là thanh niên thực chất. Nếu chúng ta chịu khó phát hiện và hỏi ý kiến nhân dân thì có thể phát hiện nhiều hiền tài trong độ tuổi thanh niên. Qua tiếp xúc với nhiều thế hệ thanh niên, tôi thấy họ có lòng yêu nước và cũng thực sự tài giỏi. Chúng ta phải phát hiện, giới thiệu người hiền tài vào bộ máy nhà nước.

Cảm ơn ông!

“Tôi quan niệm, rằng phải loại trừ tư tưởng “con ông, cháu cha”. Nếu con cán bộ mà thực sự xứng đáng với truyền thống của cha ông thì tốt chứ sao, nhưng không thể có cảnh “con vua thì lại làm vua”. Điều đó làm thiệt thòi cho đất nước đã đành, bản thân những người không xứng đáng, không đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức tư cách… không những gây hại cho đất nước mà còn gây hại cho chính bản thân họ”.

Ông Vũ Quốc Hùng

Theo Tiền phong


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang