300 thương nhân Trung Quốc từng 'đổ bộ' vào đất vải Lục Ngạn

author 06:11 27/07/2015

(VietQ.vn) - “Có những thời điểm, có đến 300 thương nhân Trung Quốc trên đất vải để giám sát thu mua loại quả này. Họ chấp hành rất tốt pháp luật Việt Nam, ở đâu có họ, ở đó vải thiều tiêu thụ thuận lợi hơn”.

Đó là câu trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Dương Văn Thái trước thông tin thương nhân Trung Quốc có thể là một trong những tác nhân gây ra tình trạng “được mùa mất giá” vải và một số mặt hàng nông sản diễn ra trong nhiều năm qua tại Lục Ngạn nói riêng và cả nước nói chung.

300 thương nhân Trung Quốc từng 'đổ bộ' vào đất vải Lục Ngạn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Dương Văn Thái 

 Ông cho biết các kết quả về sản lượng, giá bán, doanh thu cũng như các thị trường tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm nay?

Do công tác chuẩn bị tốt và được sự quan tâm sát sao của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng của tỉnh và các tỉnh bạn nên công tác tiêu thụ vải thiều năm 2015 diễn ra thuận lợi. Năm 2015, được đánh giá là năm có sản lượng lớn, giá bán cao, tiêu thụ thuận lợi.

Tổng số lượng vải thiều 190.000 tấn quả tươi; giá bán bình quân khoảng 15.000 đồng/kg; doanh thu từ vải thiều đạt 2.700 tỷ đồng và các dịch vụ phụ trợ trên 1.700 tỷ đồng.

Thị trường tiêu thụ năm nay có sự thay đổi so với năm 2014, thị trường nội địa chiếm 55% tổng sản lượng (năm 2014 chiếm 48%), thị trường xuất khẩu chiếm 45% (năm 2014 chiếm 52%).

Thị trường nội địa được mở rộng khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa 104.500 tấn. Trong đó, riêng thị trường phía Nam tiêu thụ khoảng 62.700 tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến một số quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường cao cấp như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Canada, các nước ASEAN. Sản lượng xuất khẩu đạt 85.500 tấn (đã xuất khẩu 55.500 tấn vải thiều tươi; vải thiều chế biến 30.000 tấn quy tươi, đã xuất khẩu 25.000 tấn); trong đó thị trường Trung Quốc đạt 80.300 tấn (chiến  94% tổng lượng xuất khẩu), các thị trường khác đạt 5.200 tấn (chiến 6%).

 Để được một vụ vải bội thu như năm nay, ông cho biết những nguyên nhân cơ bản?

Vụ vải năm 2015, về cơ bản được đánh giá thành công trên mọi phương diện. Có được kết quả đó xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, xuất phát từ hiệu quả của việc canh tác vải thiều theo tiêu chuẩn hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năm nay toàn bộ diện tích vải thiều (gần 32.000 ha) của tỉnh được người trồng vải canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn; diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tăng lên trên 12.000 ha, sản lượng khoảng 80.000 tấn; đặc biệt, đã triển khai gần 100 ha vải thiều được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP để có được sản phẩm tốt nhất, đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường khó tính….

Thứ hai, có sự quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương tới địa phương trong công tác hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ; sự ủng hộ to lớn của chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước và chính phủ nhân dân, các cơ quan chức năng của Trung Quốc trong lãnh đạo, chỉ đạo kết nối thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều qua nhiều kênh phân phối và thị trường tiêu thụ khác nhau; một yếu tố đặc biệt nữa là người tiêu dùng trong cả nước đã sử dụng vải thiều nhiều hơn để hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Thứ ba, một yếu tố quan trọng là: Tỉnh Bắc Giang đã chủ động từ khâu chỉ đạo tổ chức sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn hiện đại (GlobalGAP, VietGAP) để tạo vùng vải thiều chất lượng cao, đáp ứng đủ các tiêu chí và điều kiện để xuất khẩu đến các thị trường cao cấp; đến phối hợp với Bộ Công Thương, tỉnh Lào Cai, tỉnh Lạng Sơn, thành phố Hồ Chí Minh làm tốt công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều; công tác tuyên truyền, quảng bá vải thiều được tỉnh chỉ đạo làm khá bài bản, đặc biệt tỉnh đã phối hợp với VIETNAM AIRLINES quảng bá vải thiều đến hàng khách trong và ngoài nước trên các chuyến bay….

Thứ tư, các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh vải thiều đã chủ động chuẩn bị các điều kiện phục vụ mùa tiêu thụ; phương thức liên kết trong thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều thông qua ký kết hợp đồng, xuất khẩu theo đường chính ngạch đã được các doanh nghiệp, thương nhân quan tâm nhiều hơn.

Một nguyên nhân đặc biệt quan trọng nữa là: sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến các địa phương trong tuyên truyền phản ánh trung thực, khách quan, kịp thời tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều. Sự vào cuộc đó đã góp phần cập nhật kịp thời, đầy đủ tin tức, quảng bá hình ảnh quả vải thiều sâu, rộng đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, giúp vải thiều tiêu thụ được thuận lợi.

Cũng phải nói thêm, năm nay có rất ít các thông tin thất thiệt, không đúng sự thật, làm ảnh hưởng tới việc tiêu thụ vải thiều trên các phương tiện truyền thông.

 Năm nay, quả vải thiều của Lục Ngạn được đặc biệt quan tâm khi lần đầu tiên xuất ngoại thành công tại nhiều quốc gia trong đó có Mỹ, Úc-hai thị trường khó tính nhất. Song số lượng còn rất hạn chế. Ông có thể cho biết lý do?

Năm 2015, là năm đầu tiên vải thiều tươi của Bắc Giang xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Anh, Pháp…. Tuy số lượng không nhiều (khoảng 200 tấn), nhưng vải thiều Bắc Giang lại được các thị trường khó tính này đón nhận và đánh giá cao hơn hẳn loại vải thiều của các nước khác xuất khẩu vào các thị trường này. Đây cũng chính là thành công mở ra những cánh cửa mới để vào các thị trường khó tính khác trong những năm tiếp theo. Như vậy, mục tiêu chinh phục người tiêu dùng tại các thị trường khó tính của vụ vải thiều Bắc Giang thông qua chất lượng quả vải bước đầu đã đạt được.

Số lượng vải thiều xuất khẩu vào các thị trường trên còn hạn chế là do:

Thứ nhất, đến sát thời điểm thu hoạch vải thiều năm 2015 thì Bộ Nông nghiệp Mỹ và Úc mới tuyên bố mở cửa thị trường cho vải thiều Việt Nam. Thời điểm cận kề như vậy nên các doanh nghiệp tiếp cận lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ về: đối tác, thị trường, phương thức kinh doanh, vận chuyển, bảo quản, giao nhận hàng hóa…

Thứ hai, hiện nay các doanh nghiệp còn đang lúng túng trong công nghệ bảo quản trái vải tươi, chưa có công nghệ bảo quản vải thiều tươi tối ưu nào được áp dụng đảm bảo giữ quả vải thiều tươi trong thời gian dài phục vụ xuất khẩu đến các thị trường này.

Thứ ba, theo yêu cầu của hai thị trường này, quả vải thiều tươi khi xuất khẩu phải qua chiếu xạ, trong khi đó Miền Bắc không có cơ sở chiếu xạ, phải vận chuyển vải thiều vào phía Nam để chiếu xạ trước khi xuất khẩu, do vậy đẩy chi phí tăng cao (chi phí vận chuyển, chiếu xạ chiếm gần 80% giá thành), dẫn đến chưa có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia xuất khẩu.

300 thương nhân Trung Quốc từng 'đổ bộ' vào đất vải Lục Ngạn

300 thương nhân Trung Quốc từng 'đổ bộ' vào đất vải Lục Ngạn

 Thực tế cho thấy, phần lớn vải thiều của các vùng trồng của Bắc Giang đều được xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên tại thị trường nội địa, có rất nhiều người cho biết thậm chí họ chưa được ăn một quả vải thiều trồng tại đất Lục Ngạn. Ông có bình luận gì về thực tế này?

Thông tin “… có rất nhiều người cho biết thậm chí họ chưa được ăn một quả vải thiều trồng tại đất Lục Ngạn.” quý báo vừa cung cấp chúng tôi sẽ khảo sát cụ thể để có định hướng cho những năm tiếp theo. Sản lượng vải thiều Lục Ngạn năm nay đạt 118.000 tấn, chiếm 62% sản lượng toàn tỉnh; hằng năm, trên địa bàn huyện có hàng trăm điểm thu mua vải thiều phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, để quả vải của Lục Ngạn đến được với tất cả người tiêu dùng trong cả nước thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Doanh nghiệp tiêu thụ, hệ thống phân phối, bán lẻ, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương, trực tiếp là các cơ quan quản lý về thương mại.  

Qua nghiên cứu cho thấy: thị trường nội địa còn tiềm năng và nhu cầu rất lớn, chính vì vậy nhiều năm nay tỉnh Bắc Giang luôn xác định rất chú trọng, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đáng chú ý, năm 2015 là năm đầu tiên tỷ lệ tiêu thụ nội địa đã cao hơn tỷ lệ xuất khẩu. Những năm tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đặc biệt đến thị trường trong nước.

 Khác với vụ trước đó, năm nay thương lái Trung Quốc sang số lượng nhiều hơn, nhưng rút về nước sớm hơn khiến việc tiêu thụ vải thiều cuối vụ của bà con nông dân gặp khó trong đó mức giá giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp trong nước, sự sai lệch về sản lượng vải muộn, vải tồn trên thực tế khá lớn so với báo cáo của địa phương đã khiến việc tiêu thụ của không ít đơn vị gặp khó khăn. Lãnh đạo tỉnh nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Hàng năm, cứ đến mùa thu hoạch vải thiều thì rất nhiều thương nhân Trung Quốc đến giám sát việc thu mua trên địa bàn huyện Lục Ngạn, có thời điểm cao nhất là trên 300 thương nhân; các thương nhân này chấp hành rất tốt pháp luật Việt Nam, ở đâu có họ, ở đó vải thiều tiêu thụ thuận lợi hơn. Khi vải thiều chính vụ của Trung Quốc đến mùa thu hoạch thì họ rút về kinh doanh vải thiều Trung Quốc vì nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Các năm trước, thường vụ thu hoạch vải thiều của Bắc Giang và Trung Quốc lệch nhau, tuy nhiên, năm 2015 khi thời điểm vải thiều cả tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong (huyện Lục Ngạn còn khoảng 10% sản lượng) thì Trung Quốc đến mùa thu hoạch vải thiều, nên khoảng 2/3 số thương nhân Trung Quốc về nước.

Theo tôi, một phần thương nhân Trung Quốc về nước khi vải thiều Trung Quốc vào vụ và vải thiều Bắc Giang sắp hết vụ là chuyện bình thường của cơ chế thị trường. Vào cuối vụ giá vải thiều có giảm một phần là do điều tiết của quan hệ cung – cầu thị trường, nhưng tôi khẳng định chắc chắn rằng việc tiêu thụ vải thiều năm nay thuận lợi hơn rất nhiều so với những năm trước và giá bán cao hơn hẳn giá bình quân của năm 2014.

Về chênh lệnh sản lượng giữa dự báo và thực tế thu hoạch là có nhưng không lớn. Theo quy luật hàng năm, vào cuối vụ giá vải thiều thường tăng cao hơn, vì vậy có chuyện một số hộ dân chậm thu hoạch, chờ cuối vụ là có. Đến nay, vải thiều tươi Bắc Giang đã được tiêu thụ hết; vải thiều sấy khô và chế biến (số lượng này không lớn), được tiêu thụ từ nay đến hết tháng 4 của năm sau.  Đến thời điểm này, theo báo cáo của các địa phương, chính quyền các cấp trên địa bàn chưa nhận được thông tin phản ánh về khó khăn trong tiêu thụ của các doanh nghiệp, thương nhân. 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang