4 nhóm giải pháp nhanh chóng khôi phục ngành gỗ sau dịch Covid-19

author 08:41 16/05/2020

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành gỗ cần khai thác tiềm năng thế mạnh, thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục khó khăn để nhanh chóng khôi phục chế biến và xuất khẩu sau dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 tác động lớn đến ngành gỗ

Dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành gỗ Việt Nam. Nhiều quốc gia đã phải ban hành các qui định về giãn cách xã hội, ngừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh, đóng cửa các siêu thị, cửa hàng… Đặc biệt, tại các quốc gia thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Úc, Canada… các đối tác và nhà phân phối đều thông báo cắt giảm, hoãn vô thời hạn hoặc hủy các đơn hàng đã ký.

Ước tính khoảng 80% đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao; có hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển ở châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc; ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp đồng hàng hóa hầu như không được thực hiện do phía đối tác gặp khó khăn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chủ trì Hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh Covid-19. 

Về nguồn cung nguyên liệu: Nguồn cung nguyên liệu phi gỗ, vật liệu phụ trợ, như sơn, keo dán dây đai, thanh trượt, bản lề, hóa chất… phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (từ Trung Quốc khoảng 80%). Tuy đến đầu tháng 4/2020, Trung Quốc đã từng bước khống chế được dịch bệnh, hoạt động sản xuất dần được khôi phục nhưng vẫn cần có thời gian để sản xuất, vận chuyển và giao hàng, do đó, dự báo đến giữa tháng 5/2020, mới ổn định được nguồn nguyên vật liệu phụ trợ cho ngành chế biến gỗ.

Dịch Covid-19 cũng tác động mạnh tới tình hình lao động và việc làm của công nhân trong ngành gỗ. Theo báo cáo của các Hiệp hội, hầu hết doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất, giảm giờ làm việc thông qua giảm ca, bố trí người lao động nghỉ việc luân phiên, khoảng 50% người lao động phải nghỉ việc tại các doanh nghiệp lớn. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn, lao động phải nghỉ việc toàn bộ do doanh nghiệp ngừng sản xuất. Đã có khoảng hơn 200 ngàn lao động ngành gỗ bị ảnh hưởng do dịch bệnh phải nghỉ việc luân phiên hoặc bị mất việc làm trong tháng 3 và tháng 4.

Ngoài ra, để duy trì được nguồn lao động để đảm bảo phục hồi sản xuất ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, các doanh nghiệp đã chi đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bị giãn hoặc mất việc. Qua khảo sát tại 124 doanh nghiệp, tổng số tiền các doanh nghiệp chi đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là 175 tỷ đồng; tương ứng với 2,15 tỷ/doanh nghiệp, đây là gánh nặng đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Quyết liệt thực hiện 4 nhóm giải pháp khôi phục ngành gỗ

Tại Hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày 15/5/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để khai thác tiềm năng thế mạnh, khắc phục khó khăn, nhanh chóng khôi phục chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch Covid-19, cần quyết liệt thực hiện ngay 4 nhóm giải pháp lớn.

Đó là, cần tháo gỡ ngay khó khăn cho 4.600 doanh nghiệp cùng các cơ sở sản xuất ngành gỗ. Với các nhóm chính sách về tín dụng, an sinh, tài chính, các ngành cần đồng bộ tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh nhất. Thứ hai là phải khai thác nhanh và tốt ngay khe mở thị trường, thị trường nào khống chế được dịch Covid-19 là doanh nghiệp phải tập trung xuất khẩu ngay vào thị trường đó.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để quý 3, quý 4 bùng nổ sản xuất xuất khẩu. Thứ tư là tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng theo hướng bền vững, từ vùng nguyên liệu, đến khu vực chế biến, hình thành những khu công nghiệp lớn chuyên sản xuất đồ gỗ, mang tầm cỡ khu vực và thế giới để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cần ứng dụng các hình thức thương mại hiện đại, thương mại điện tử, cùng với xây dựng thương hiệu, đặc biệt phải chú ý đến thị trường trong nước 100 triệu dân.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, nếu khôi phục và đẩy mạnh được sản xuất và xuất khẩu ngành gỗ trong thời gian tới sau dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2020 vẫn có thể có khả năng tăng trưởng khoảng 5%, với khoảng 12 tỉ USD.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội trong ngành gỗ và các doanh nghiệp đã tập trung kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách nhằm sớm khôi phục sản xuất sau tác động của dịch Covid-19 cũng như đề xuất các chiến lược cho ngành gỗ Việt Nam.

Trước mắt, các hiệp hội và doanh nghiệp đề nghị cần sớm tạo điều kiện chi trả các kinh phí hỗ trợ cho công nhân trong ngành gỗ bị mất việc, giảm việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội, miễn nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian nghỉ việc do dịch bệnh; ban hành chính sách mua sắm công, ưu tiên sử dụng đồ gỗ từ các sản phẩm gỗ rừng trồng có nguồn gốc hợp pháp trong nước do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa...

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang