45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: 'Chúng ta vẫn đang nợ Người' !

author 08:34 28/08/2014

(VietQ.vn) - Thực hiện theo Di chúc của Bác, có những điều thế hệ sau đã làm tốt, song cũng có điều còn chưa làm được…Chúng ta vẫn đang nợ Người!

 Ngày 27/8, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề: “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nói về giá trị của bản Di chúc, các học giả cùng chung nhận định: Toàn bộ Di chúc bàn về tương lai của đất nước để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế và văn hóa, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh, tiến kịp thời đại, đã được vận dụng sáng tạo trong các văn kiện của Đảng, cương lĩnh phát triển của đất nước.

Đông đảo học giả tham dự hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh

Bàn về “tư duy đổi mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS.TS.Bùi Đình Phong  (Viện Hồ Chí Minh), nhấn mạnh: “Bác từng lưu ý, nếu không tỉnh táo kiểm điểm hành vi nhất định sẽ không theo kịp tình thế, bị bỏ rơi. Đổi mới để tiến lên là đòi hỏi khách quan, tất yếu của cuộc sống, không tiến là thoái nên phải tiến lên không ngừng".

Chỉnh đốn lại Đảng là mối bận tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Đảng Cộng sản thành Đảng cầm quyền. “Đảng cầm quyền thì cán bộ, đảng viên có quyền lực. Một mặt tạo thuận lợi để thực hiện sự cầm quyền của Đảng nhưng cũng là mảnh đất tốt làm nảy sinh những thói hư tật xấu; tư duy tiểu nông gắn với nếp sống hàng năm có thể là rào cản cho việc xây dựng CNXH nên khắc phục là “cuộc chiến đấu khổng lồ”, GS Phong phân tích.

Vị giáo sư cũng dẫn lại lời của Bác Hồ: Một Đảng “giấu khuyết điểm là một Đảng hỏng” nên phải chỉnh đốn toàn diện, nhất trí, đoàn kết từ TƯ đến chi bộ, thực hành dân chủ, phê bình, tự phê bình trên cơ sở xây dựng và thương yêu lẫn nhau. Cùng với đó phải duy trì và mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố  khối đoàn kết toàn dân tộc.

Theo GS.TS.Mạch Quang Thắng, ngoài việc chỉnh đốn Đảng, trong Di chúc, Bác còn căn dặn rất nhiều điều về phát triển kinh tế, chính sách đối với con người, khôi phục khối đại đoàn kết…

“Sau 45 năm  thực hiện Di chúc của Người, có một số vấn đề thực hiện tốt, một số vấn đề thực hiện chậm, chưa tốt và còn có vấn đề không thực hiện. Chúng ta vẫn đang nợ Người”, GS Thắng nhận định.

“Bác đã nêu những vấn đề thực tiễn trong công tác chỉnh đốn Đảng chứ không phải là các vấn đề kinh viện. Dù Đảng luôn xác định xây dựng Đàng then chốt nhưng công tác chỉnh đốn lại Đảng chỉ tiến hành khi “Đảng có vấn đề”. Như vậy nhận thức, tư duy trong chỉnh đốn Đảng là chậm so với mong muốn của Bác trong Di chúc. Gần đây mới đề ra cuộc chỉnh đốn lớn, đang làm theo Nghị quyết TƯ IV nhưng nhìn chung vẫn phải phấn đấu nhiều nữa.”, GS Thắng nói.

Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nhận định theo Di chúc của Bác, công việc đầu tiên đối với con người là “đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ, thanh niên xung phong, phụ nữ và nạn nhân của chế độ cũ và “xây dựng, đào luyện con người mới”.

Tuy nhiên, phải 25 năm sau ngày Bác đề lại Di chúc, năm 1994 Nhà nước  mới có Pháp lệnh về người có công, mà đáng lẽ chính sách này phải được luật hóa ngay sau khi kết thúc kháng chiến chống Mỹ

“Việc thực hiện chính sách liên quan đến danh dự những người có công vẫn còn bất cập khi bắt buộc họ phải làm đơn đề nghị được hưởng chính sách. Tới nay, nhiều thanh niên xung phong vẫn chưa được công nhận, cho thấy trách nhiệm của những cán bộ, Đảng viên làm công tác này còn nhiều thiếu sót. Chính sách người có công cần được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm hơn, với tất cả tình cảm”, vị PGS nhấn mạnh.

Tuyết Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang