5 bảo vệ rừng bị truy tố vì ném 40 bao xi măng xuống đầm tôm

authorLan Ninh 10:59 22/09/2016

(VietQ.vn) - Với hành vi ném 40 bao xi măng của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc xuống đầm tôm làm hư hỏng toàn bộ số xi măng, 5 bảo vệ rừng bị truy tố

Theo báo Tuổi Trẻ đăng tải, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 5 nhân viên bảo vệ rừng (thuộc Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành) về hành vi “Hủy hoại tài sản” tại đầm nuôi tôm của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc ở ấp Bà Trường, xã Phước An. 

Cụ thể, 5 bị can bị đề nghị truy tố gồm Lê Văn Lang (trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Rạch Tràm), Trương Văn Lớn (đội phó bảo vệ rừng ngập mặn), Lê Ngọc Tuân (nhân viên bảo vệ rừng Rạch Gốc), Phạm Đức Tú (nhân viên bảo vệ rừng trạm Long Thọ), Phạm Văn Ẩn (nhân viên bảo vệ rừng trạm Tắc Hông).

Bà Ánh Ngọc tại buổi tổ chức xin lỗi của các đơn vị liên quan tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh:Người lao động 

Theo cơ quan điều tra, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc được người khác ủy quyền quản lý rừng và nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải (đoạn ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) và có sự đồng ý của Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành.

Sau khi phát hiện bà Ngọc xây chòi canh tôm bằng bêtông cốt thép gần 20m2, lực lượng bảo vệ rừng đưa 11 người của ban đến tổ chức ngăn chặn, không cho xây dựng trái phép.

Cụ thể, trưa 26/2, lực lượng bảo vệ đến mời thợ xây về xã làm việc thì bị ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc) đứng ra ngăn cản nên một số bảo vệ khống chế bắt trói ông Ni để các bảo vệ còn lại làm việc.

Tại chòi tôm, giữa bà Ngọc và lực lượng bảo vệ xảy ra xô xát, hai bên giằng co nhau. Sau đó, 5 bị can trên đã ném 40 bao xi măng của bà Ngọc xuống đầm tôm làm hư hỏng toàn bộ số xi măng. Tiếp đó, ngày 27/2 lực lượng bảo vệ rừng đã cho tháo gỡ bốn khung sắt cột công trình xây dựng ném xuống đầm tôm.

Vụ hoa hậu Trương Hồ Phương Nga lừa 16,5 tỷ đồng: Đại gia khai gì?(VietQ.vn) - Ông M. nói do tin Trương Hồ Phương Nga suốt thời gian mua bán buộc phải giao nhà như thỏa thuận.

Theo cơ quan điều tra, qua khám nghiệm hiện trường cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được, đủ căn cứ chứng minh 5 bị can Ẩn, Tú, Lớn, Lang, Tuân đã có hành vi hủy hoại tài sản 40 bao xi măng của bà Ánh Ngọc trị giá 3,4 triệu đồng.

Riêng hành vi tháo gỡ 4 khung sắt cột ném xuống đầm tôm của bảo vệ Nguyễn Minh Tuấn và bị can Lê Ngọc Tuân trị giá dưới 2 triệu đồng. Vì vậy, Công an huyện Nhơn Trạch đã ra quyết định xử phạt hành chính Tuấn, còn Tuân đang là bị can trong vụ án hủy hoại tài sản (ném xi măng) nên được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về việc bà Ngọc tố cáo bảo vệ rừng Trần Văn Tròn ném điện thoại của bà Ngọc và ông Ni, cơ quan điều tra cho rằng bà Ngọc chưa chứng minh được đặc điểm, nguồn gốc điện thoại.

Kết quả truy tìm vậy chứng không tìm thấy và kết quả định giá không xác định được giá trị tài sản nên không đủ căn cứ để xử lý hình sự ông Tròn.

Đối với hành vi của bảo vệ rừng Đàm Văn Đắc, Phạm Đức Tú, Lê Văn Lang bắt trói ông Nguyễn Văn Ni, cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra thụ thập tài liệu xử lý sau.

Cũng theo cơ quan điều tra, bà Ngọc tự ý xây dựng chòi canh tôm có tính chất kiên cố trên đất rừng phòng hộ đã vi phạm nên đã có công văn đề nghị UBND xã xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, báo Người lao động đưa tin, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi; ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là người tố cáo lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành đã có hành vi phá chòi nuôi tôm, đánh đập, trói những người trong gia đình bà vào cuối tháng 2/2016. Trong khi vụ việc bà Ngọc tố cáo chưa xử lý xong, sáng 19/4, bà đến trụ sở công an xã theo giấy mời để làm việc liên quan vụ việc bà tố cáo thì bị bắt giữ, đưa về trụ sở công an huyện để điều tra về tội danh “Chống người thi hành công vụ”.

Bà Ngọc bị bắt giam để điều tra về vụ việc xảy ra vào ngày 5/9/2015. Thời điểm đó lực lượng chức năng huyện Nhơn Trạch sau khi nghe bà Ngọc phản ánh đã đến xử lý một số ghe hút cát trái phép tại khu vực. Cơ quan chức năng kéo các ghe vào bờ lập biên bản, bà Ngọc không đồng ý mà đề nghị lập biên bản tại chỗ. Đến ngày 23/4, bà Ngọc được hủy bỏ lệnh tạm giam, cho tại ngoại.

Các ban ngành chức năng tỉnh Đồng Nai vào cuộc, xác định vụ việc có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng. Ngày 26/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhơn Trạch đã quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với bà Ngọc nhưng đồng thời lại ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi “Cản trở kiểm tra kiểm soát của người thi hành công vụ”. Dù cơ quan hữu quan huyện Nhơn Trạch đã tổ chức xin lỗi bà Ngọc nhưng việc liên tục sai sót và có nhiều điểm mờ trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc đã vấp phải nhiều phản ứng trong dư luận. 

Ninh Lan (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang