5 giải pháp gỡ khó về thực thi sở hữu trí tuệ cho Việt Nam khi tham gia EVFTA

author 06:24 08/09/2019

(VietQ.vn) - Ông Trần Hữu Linh đề ra 5 giải pháp nhằm cải thiện công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề khúc mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ và đây cũng là chủ đề được phía EU chú trọng đàm phán trong EVFTA.

Về cơ bản, EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi (đặc biệt tại biên giới) và chủ sở hữu quyền. Đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết của EVFTA, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Dưới góc độ cơ quan thực thi, ông Trần Hữu Linh cho rằng, để cải thiện công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp trọng tâm sau.

Một là, xây dựng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có chương trình hành động thống nhất ở phạm vi quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Mối gắn kết lỏng lẻo giữa các cơ quan thực thi thuộc các bộ, ngành, địa phương khác nhau là một trong các nguyên nhân cản trở quá trình xây dựng pháp luật cũng như thi hành pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Trước tình hình đó, Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, trong đó xây dựng các bước đi phù hợp và hiệu quả với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Chính phủ cần đưa ra chương trình hành động quốc gia cụ thể trong từng năm cho hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Hai là, nâng cao năng lực chuyên môn về sở hữu trí tuệ và năng lực thực thi công vụ cho các cơ quan, lực lượng chức năng.

Việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thực thi quyền sở hữu trí tuệ là yêu cầu bức thiết. Cần phải nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho các cơ quan, lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi về con người và cơ sở vật chất thông qua các chương trình xây dựng, huấn luyện cho các đầu mối về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ quan thực thi ở trung ương và địa phương. Chú trọng nâng cao vài trò của việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước, cần có chương trình trợ giúp các chủ thể quyền, các hiệp hội, ngành nghề về chiến lược, kỹ năng phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi quyền trong phát hiện, xử lý hành vi xâm phạm.

Ngoài ra cần tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, người đại diện sở hữu trí tuệ, tổ chức giám định sở hữu trí tuệ phát triển mạnh cả về chất lượng và số lượng để trợ giúp chuyên môn, pháp luật cho các doanh nghiệp cũng như hệ thống cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Ba là, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hành chính, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp hành động; hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật về cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong công tác ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ của các cơ quan, lực lượng chức năng.

Bốn là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí trong việc đấu tranh lên án, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Kết hợp tuyên truyền với vận động cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng chủ động, tích cực tham gia phòng chống gian lận thương mại, hàng giả; cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các dấu hiệu vi phạm để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, phối hợp, đánh giá tình hình, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng đối với công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đấu tranh chống gian lận thương mại và hàng giả.

Năm là, tiếp tục tận dụng một cách có hiệu quả kinh nghiệm và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện tại và tương lai cho các cơ quan, lực lượng thực thi.

Hán Hiển

Nhiều người dùng đồ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không hay biết(VietQ.vn) - Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nêu thực tế, rất nhiều người dùng đồ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không hay biết.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang