Chuyện ít biết về những cặp vợ chồng hiếm muộn, 5 lần thụ tinh ống nghiệm thất bại

author 23:12 22/04/2016

(VietQ.vn) - Sau 5 lần làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) thất bại, vợ chồng chị Nguyễn Thị B (42 tuổi) đã vỡ òa niềm vui khi nghe tin mình có con.

Vô sinh do chồng chiếm tới 40%

Khi chờ đợi mỏi mòn mà không có con, các cặp vợ chồng thường tìm mọi phương cứu chữa. Một trong những cách hiệu quả là nhờ sự can thiệp của khoa học kỹ thuật hiện đại. Hiện nay, cả nước có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản được Bộ Y tế cấp phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Mới đây, Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã kỷ niệm 1 năm sau khi đi vào hoạt động. Theo đánh giá của Bệnh viện Đại học Y, đến nay bệnh viện đã tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm cho gần 120 trường hợp với tỷ lệ thành công cao. Tỷ lệ có thai lâm sàng hiện là 51,6 %.

Thụ tinh ống nghiệm (IVF) như “phao cứu sinh” cho người hiếm muộn. Ảnh minh họa.

Trao đổi với PV, PGS. Nguyễn Khang Sơn – Phó trưởng Bộ môn Mô-Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội kể: Trường hợp của anh Khương V. T. trú tại Hà Nội được chẩn đoán vô sinh 5 năm nay. Vợ anh T. bị dính 1 phần niêm mạc cổ tử cung còn anh thì không có tinh trùng. Trước đó 2 năm đã từng làm thụ tinh trong ống nghiệm, thu được 14 trứng nhưng đều không thụ tinh.

Đây là một trong những trường hợp rất khó vì người chồng vốn không có tinh trùng trong tinh dịch, và có thể có bất thường về thụ tinh. Các bác sĩ phải chọc mào tinh lấy tinh trùng để tiêm vào trứng. 

Tuy nhiên, 15 trứng chỉ thu được 5 phôi. Bác sĩ chuyển phôi tươi cho bệnh nhân nhưng không có thai và đến cuối năm 2015, vợ chồng anh T. xin chuyển phôi đông lạnh. May mắn đã đến với họ khi vợ anh mang thai và đến nay thai đã hơn 20 tuần tuổi.

Bác sĩ Sơn cho biết trong số những bệnh nhân đến điều trị thụ tinh trong ống nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, có nhiều nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới nhưng chủ yếu vẫn là do vòi trứng, do rối loạn phóng noãn. Còn do chồng chiếm tới gần 40% với các đặc điểm không có tinh trùng, tinh trùng yếu, ít, dị dạng. Khoảng 20% số cặp vợ chồng không rõ nguyên nhân vô sinh.

42 tuổi, 5 lần IVF thất bại

Hiện nay, tỷ lệ vô sinh ở ngày càng nhiều và thụ tinh trong ống nghiệm đang được coi là một trong những biện pháp tối ưu nhất có thể giúp nhiều cặp vợ chồng có cơ hội có con. Số lượng người hiếm muộn sử dụng biện pháp này cũng đang ngày một nhân lên, nó được ví như “chiếc phao cứu sinh” cho những người trông chờ việc có con trong vô vọng.

Đơn cử như trường hợp của vợ chồng chị Nguyễn Thị B sống tại châu Âu, đã cưới nhau 5 năm nhưng chưa một lần được đón nhận niềm vui trong vai trò của một ông bố, bà mẹ. Nguyên nhân vô sinh là do chị C đã bị cắt hai vòi tử cung. Để có con được, vợ chồng chị đã 5 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó có 3 lần làm tại châu Âu và hai lần sau quay về Việt Nam, nhưng tất cả đều thất bại. 

Những đứa trẻ đầu tiên được sinh ra nhờ IVF tại bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Ảnh: P.Ngọc

Chồng chị B thấy thất bại liên tục nên anh chán nản. Chị B. vẫn hi vọng có con nên chị cố gắng thuyết phục chồng trữ lạnh tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm lần nữa. Lần này, chị B. đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, trường Đại học Y Hà Nội để thực hiện ước mơ làm mẹ.

TS Nguyễn Mạnh Hà – trưởng Bộ môn Mô phôi – trường Đại học Y Hà Nội cho biết, khi đến đây, chị B. đã 42 tuổi, dự trữ buồng trứng giảm, tiền sử làm thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần thất bại. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với đội ngũ làm chuyên môn. 

Sau khi kích thức buồng trứng, bác sĩ thu được 3 trứng, sử dụng tinh trùng đông lạnh của chồng tiến hành ICSI (tiêm tinh trùng vào tương noãn) thu được 3 phôi. Do niêm mạc tử cung của bệnh nhân không hoàn toàn thuận lợi nên bác sĩ đã giải thích phương pháp trữ đông phôi để “dọn dẹp” niêm mạc tử cung tạo điều kiện tốt để thai có thể làm tổ trên bề mặt tử cung. 

Nhưng chị B. phải sang châu Âu gấp nên xin bác sĩ chuyển phôi tươi dù niêm mạc tử cung chưa thực sự thuận tiện cho việc đậu thai và có nguy cơ rủi ro cao. Nhưng vì điều kiện không cho phép, với hi vọng còn lại sau 5 lần thất bại, cả các bác sĩ và bệnh nhân đều dồn vào lần chuyển phôi này.

Nín thở chờ đợi, cuối cùng chị B. sau 7 tuần kết quả kiểm tra trên siêu âm đã phát hiện tim thai và hiện tại thai nhi vẫn phát triển tốt ở tuần thứ 18, chị đang chờ đón ngày làm mẹ.

>> ‘Cần coi hành vi làm thực phẩm bẩn như hành vi giết người thì mới đủ sức răn đe’

 Dương Phương Ngọc


 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang