5 sự kiện pháp luật ảnh hưởng kinh tế năm 2012

author 16:52 25/12/2012

(VietQ.vn) - Vụ bắt giữ 'bầu Kiên' được đánh giá có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống nhà băng, bất động sản, tài chính, chứng khoán, thể thao. Thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận trong năm 2012.

Cùng PV Chất lượng Việt Nam điểm lại những sự kiện pháp luật gây chấn động dư luận trong năm 2012. 

1. Bắt giam Nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải và 'bộ sậu' có liên quan

Ngày 18/5, Cơ quan điều tra  đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Dũng về hành vi Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Theo Thanh tra Chính phủ, trong việc quản lý và sử dụng vốn giai đoạn 2007-2010, Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) đã có nhiều khuyết điểm như mua sắm tàu cũ không phù hợp với kế hoạch được phê duyệt, quản lý sử dụng thiếu hiệu quả, dẫn tới kết quả kinh doanh yếu kém… Việc này được xác định có phần trách nhiệm của ông Dũng khi là Chủ tịch HĐQT.
 
 
Điều tra vụ việc, cơ quan điều tra phát hiện lãnh đạo Vinalines đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ Giao thông Vận tải cập nhật dự án vào quy hoạch; chưa trình Thủ tướng xem xét quyết định theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Việc làm của ông Dũng, cùng một số người khác được cho là "trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng", Luật đầu tư, Luật đấu thầu. 
 
Ngày 4/9, sau hơn 3 tháng truy nã cơ quan chức năng đã bắt được ông Dương Chí Dũng, cựu Cục trưởng Hàng hải, những kẻ đã tiếp tay che giấu cho ông Dũng trong thời gian bỏ trốn cũng bị nghiêm trị theo pháp luật.  Sau vụ bắt giữ ông Kiên, hàng loạt lãnh đạo cấp cao trong Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng bị bắt giữ, khởi tố để phục vụ cho công tác điều tra.
 
Từ vụ việc của ông Dương Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị Quốc hội khi sửa Luật phòng chống tham nhũng và Luật tố tụng hình sự tới đây, sẽ cho phép công an có biện pháp ngăn chặn đặc biệt và điều tra bí mật với tội phạm tham nhũng.
 
2. Bầu Kiên bị bắt chấn động dư luận
 
Ngày 20/8. - Bộ Công an tiến hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Kiên. Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt để điều tra về hành vi "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế.
 
Theo CQĐT Bộ Công an, quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là “bầu” Kiên, xuất phát từ đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại 3 Công ty gồm: Công ty CP Đầu tư thương mại B&B; Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội; và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Cả 3 công ty này đều do ông Kiên làm Chủ tịch HĐQT.
 
 
Ông Nguyễn Đức Kiên sinh năm 1964 và lớn lên tại Gia Lâm, Hà Nội. là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam – VPF, “ông bầu” của CLB bóng đá Hà Nội, và là cổ đông của nhiều ngân hàng như ACB, Eximbank…
 
Vụ bắt 'bầu kiên' đã khiến giới ngân hàng lao đao suốt nhiều tháng trời và đến tận hôm nay hệ lụy của nó vẫn còn tồn tại. Kế sau đó, hàng loạt lãnh đạo nhà băng bất ngờ thoái vốn, từ chức.
 
3. Sai phạm 'khủng' tại Tập đoàn dầu khí VN
 
Kết quả thanh tra Tập đoàn dầu khí VN cho thấy, tập đoàn này đã để xảy ra nhiều sai phạm về quản lý vốn nhà nước với số tiền lên tới nhiều ngàn tỉ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm.
 
Về đầu tư trái quy định hàng nghìn tỷ đồng Theo kết luận TTCP, PVN đã sử dụng trên 15.000 tỉ đồng thuộc khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho các hoạt động tài chính không thuộc các dự án trọng điểm dầu khí là chưa đúng với quy định pháp luật.
 
 
Các khoản đầu tư của PVN tập trung nhiều vào các lĩnh vực, đa ngành như tài chính, bảo hiểm, bất động sản, các lĩnh vực phụ trợ.
 
Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ các hoạt động này rất hạn chế, đã có rất nhiều doanh nghiệp khi được PVN bơm vốn hoạt động không có lãi.
 
Sau cuộc thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành liên quan thu hồi khoản tiền trên 1.600 tỉ đồng mà PVN cho các đơn vị bên ngoài ứng vốn để đầu tư nhưng không có kế hoạch trả nợ hoặc không có khả năng thanh toán.
 
Đồng thời yêu cầu PVN xử lý khoản tiền vi phạm lên tới hơn 18.000 tỉ đồng. Trong đó, thu hồi về quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp khoản tiền gần 2.000 tỉ đồng từ cổ phần hóa chưa nộp và các khoản lãi. Ngoài ra, PVN phải chỉ đạo PVEP thu hồi khoản tiền 29 triệu USD chuyển nhượng tàu Bình Minh 02; khoản tiền 111 tỉ đồng chưa được thanh toán khi bán khách sạn Thái Bình.
 
4. Tội phạm tín dụng đen diễn tiến khó lường
 
Theo  Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an, vài năm trở lại đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao dưới dạng tín dụng đen diễn ra phức tạp.
 
Theo C45 cho biết, tội phạm tín dụng đen là người cho vay hoặc người đi vay với đặc trưng là giao dịch ngầm, thường theo kiểu tín chấp, không thể hiện bằng văn bản hoặc không có tài sản cầm cố. Những người này luôn đưa ra những mức lãi suất cao, có không ít trường hợp vay 1 triệu đồng thì trả lãi từ 7.000 - 10.000 đồng/ngày.
 
 
Cùng với đó là hệ thống đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen ăn theo phát triển khá phổ biến làm tình hình an ninh trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp .
 
C45 cho rằng nguyên nhân khách quan là do kinh tế suy thoái, giá bất động sản xuống đáy, vàng, chứng khoán biến động, ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay nên nhiều người dân phải tự huy động vốn để trả gốc, lãi cho những khoản đầu tư trước đó. Nguyên nhân chủ quan là do hiểu biết pháp luật của người dân rất thấp, đó là sơ hở để tội phạm lợi dụng.

5. Sai phạm nghìn tỷ tại Tập đoàn Sông đà
 
Kết thúc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm với số tiền phải xử lý lên tới hơn 10.676 tỉ đồng
 
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Theo kết luận thanh tra đã được Chính phủ thông qua, tập đoàn vi phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản 10.501 tỉ đồng, vi phạm quản lý vốn tài sản tại các dự án đầu tư 175 tỉ đồng.
 
 
Các vi phạm gồm 49 khoản mục với năm nhóm vi phạm lớn: Sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp sai mục đích; không hạch toán vốn và tăng lợi nhuận của công ty nhà nước khi chuyển thành công ty cổ phần; không trích quỹ dự phòng các khoản tổn thất tài chính; đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ; chậm nộp ngân sách.
 
Tổng hợp các vi phạm tại TĐSĐ và các đơn vị thành viên, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao các cơ quan liên quan xử lý sai phạm về kinh tế với số tiền trên 10.500 tỉ đồng. Kiến nghị giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, TĐSĐ và UBND TP.Hà Nội  kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân.
 
Đồng thời  giao Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng điều tra làm rõ vụ chiếm dụng số tiền gần 48 tỉ đồng tại Công ty COMA3 và việc thực hiện dự án Nhà máy xi măng Đồng Bành do mua sắm, lắp đặt thiết bị không đúng thông số kỹ thuật, đội vốn đầu tư.
 
Chất lượng Việt Nam
 
 
 
 
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang