5 thương hiệu có quyết định gây 'sốc' nhất 2012

author 09:59 29/12/2012

(VietQ.vn) – Ngân hàng ACB chấm dứt hợp đồng với hàng loạt nhân viên, Nestlé "tung" bằng chứng khẳng định Trung Nguyên phạm luật, McDonald's muốn nhượng quyền kinh doanh tại VN… là những quyết định khiến nhiều người quan tâm của các thương hiệu lớn trong năm 2012.

1. Ngân hàng ACB chấm dứt hợp đồng với hàng loạt nhân viên

Ngày 27/11, theo nguồn tin riêng của Chất lượng Việt Nam, thời gian tới ngân hàng ACB chính thức chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 50 nhân viên thử việc làm việc tại khu vực Hà Nội.

 

Ông Nguyễn Thanh Toại (Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB) cho biết: Việc cho nhiều nhân viên thử việc nghỉ việc một phần do không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Mặt khác, ban đầu việc tuyển dụng thêm người của ngân hàng là để phục vụ nhu cầu phát triển trong năm tới. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế suy thoái chưa thể phục hồi ngay nên ngân hàng nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng không mở thêm phòng giao dịch, chi nhánh. Vì vậy, mặc dù chúng tôi đã rất mất công tuyển dụng, đào tạo, chi phí bỏ ra rất nhiều nhưng trong thời gian tới ngân hàng chưa có nhu cầu tuyển thêm người nữa.

Khi hỏi về con số nhân viên thử việc sẽ bị chấm dứt hợp đồng là bao nhiêu, ông Toại cho biết hiện chưa nắm số liệu cụ thể. Tuy nhiên theo nguồn tin riêng của Chất lượng Việt Nam, riêng khu vực Hà Nội, con số này lên khoảng 50 người.

2. Mỹ phẩm Avon rút khỏi thị trường Việt Nam

Hãng mỹ phẩm Avon Products vừa công bố kế hoạch rút lui khỏi hai thị trường châu Á là Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời cắt giảm 1.500 việc làm trên thị trường toàn cầu.

Trong kế hoạch công bố ngày 12/12, Avon cho biết, số 1.500 việc làm bị cắt giảm trên bao gồm có 100 nhân viên tại Việt Nam và Hàn Quốc, hai thị trường mà Avon sẽ rút lui hoàn toàn.

 

Tổng số việc làm bị cắt giảm lần này tương đương với khoảng 4% lực lượng lao động của Avon, đồng thời đánh dấu động thái lớn đầu tiên của Giám đốc điều hành (CEO) Sheri McCoy, người vừa nhậm chức hồi tháng 4 năm nay thay cho người tiền nhiệm lâu năm Andrea Jung.

Động thái rút lui khỏi hai thị trường Việt Nam và Hàn Quốc của Avon được giới phân tích đánh giá là khôn ngoan, bởi đây là hai thị trường nhỏ, không đóng góp đáng kể cho doanh thu và lợi nhuận của hãng.

Suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu không chỉ khiến Avon gặp khó. AP cho biết, ngày càng có nhiều công ty sản xuất hàng tiêu dùng phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm chi phí.

3. Nestlé "tung" bằng chứng khẳng định Trung Nguyên phạm luật

Chỉ trong vòng 9 năm, G7 đã vượt lên dẫn đầu tại thị trường cà phê hòa tan “3 in 1” tại Việt Nam: số một cả về thị phần, doanh số và sản lượng. “Đây thực sự là một trường hợp tiêu biểu cho tinh thần châu chấu thắng voi”, Trung Nguyên tự hào.

Tuy nhiên, không đồng tình với cách làm thương hiệu của Trung Nguyên, Công ty Nestlé đã trích dẫn điều 123 được quy định trong Luật thương mại 2005 để “tố” Trung Nguyên vi phạm pháp luật khi đem so sánh sản phẩm của mình với sản phẩm cùng chủng loại của doanh nghiệp khác.

 

Bởi lẽ, theo quy định của điều 123, Luật thương mại 2005 có nêu rõ về việc cấm “Trưng bày, giới thiệu hàng hóa của thương nhân khác để so sánh với hàng hóa của mình, trừ trường hợp hàng hóa đem so sánh là hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật”…

Phản bác lại điều này, đại diện của cà phê Trung Nguyên, bà Phạm Thị Điệp Giang - Phó Giám đốc Truyền thông, trả lời rằng: “Sự kiện thử mù Trung Nguyên làm ngày 23/11/2003 trước khi điều 123, Luật thương mại 2005 như trên đã trích dẫn có tồn tại, nên không thể kết luận “Trung Nguyên đã vi phạm pháp luật”.

Cũng lập tức ngay sau đó, Công ty Nestlé tiếp tục dẫn chứng các quy định trong điều luật của Luật thương mại năm 1997 – thời điểm trước khi Trung Nguyên tổ chức cuộc thử mù với hi vọng Trung Nguyên phải nhìn nhận đúng sự thật. Đồng thời, Nestlé cũng nhắn nhủ: “Nestlé Vietnam là công ty tuân thủ chặt chẽ những quy định của pháp luật về cạnh tranh cũng như các quy định pháp luật khác của Việt Nam”, vì vậy, hi vọng các doanh nghiệp khác cũng thực hiện đúng luật.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đào Xuân Hội - Giảng viên Bộ môn Luật, Trường Đại học Lao động – Xã hội, nhận xét: “Nếu ứng dụng luật Việt Nam thì Trung Nguyên vi phạm bởi luật quy định: Không được phỉ báng, hạ thấp sản phẩm của người khác để nâng cao sản phẩm của mình lên”.

4. McDonald's muốn nhượng quyền kinh doanh tại VN

Sự góp mặt của McDonald's tại thị trường đồ ăn nhanh của Việt Nam hứa hẹn tạo thay đổi, phân chia lại thị phần của các thương hiệu như KFC, Lotteria, BBQ đang nắm giữ.

Trước đó, một lãnh đạo cao cấp của tập đoàn đồ ăn nhanh McDonald's nổi tiếng thế giới đã đến Việt Nam nhằm tìm kiếm đối tác nhượng quyền thương mại. Mặc dù đã đến thăm dò vài lần tại Việt Nam nhưng McDonald's vẫn chưa đưa ra thời gian cụ thể, và chuyến đi lần này cũng chưa cho thấy tín hiệu nào rõ ràng hơn.

 

Theo đại diện của McDonald's, dự kiến trong khoảng 2 năm tới, thương hiệu đồ ăn nhanh này sẽ chính thức vào Việt Nam, thông qua đối tác nhượng quyền thương mại 100% vốn. "Địa điểm đầu tiên chúng tôi sẽ tới là TP HCM, với 2 nhà hàng, sau đó đến Hà Nội, về lâu dài có thể là 100 cửa hàng", vị đại diện chia sẻ.

Một trong những khó khăn mà McDonald's sẽ phải giải quyết khi đến Việt Nam là những trở ngại khi tìm kiếm và tạo dựng mạng lưới nhà cung cấp sản phẩm đầu vào theo tiêu chuẩn của mình. McDonald's là đơn vị có tiếng khắt khe về quản lý chất lượng và vận hành kinh doanh. Điều này khiến các nhà cung ứng tại thị trường mới hiếm khi đáp ứng được. Do đó, những đơn vị này sẽ phải đầu tư không ít để phù hợp với đòi hỏi của McDonald's.

Cùng với Starbucks Coffee (thương hiệu đồ uống Mỹ) và The Johnny Rockets (chuỗi nhà hàng ăn uống của Mỹ) chuẩn bị có mặt tại Việt Nam, sự góp mặt của McDonald's hứa hẹn những thay đổi về thị phần đồ ăn nhanh, vốn đang được các thương hiệu như KFC, Lotteria, BBQ nắm giữ.

5. Carlsberg thâu tóm hãng bia lớn nhất nước Nga

Một trong những nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới – Carlsberg mới đây đã hoàn tất thủ tục mua cổ phần bắt buộc và chính thức trở thành chủ sở hữu mới của Baltika - hãng bia lớn nhất nước Nga, với 100% cổ phần của hãng bia này.

Hồi tháng Hai vừa qua, Carlsberg đã tuyên bố ý định từng bước mua lại số cổ phiếu tự do chuyển nhượng của Baltika thông qua đề nghị mua tự nguyện, sau đó thực hiện việc mua bắt buộc tất cả số cổ phần còn lại của Baltika. Chi phí cho việc tăng cổ phần của Carlsberg lên 100% để sở hữu Baltika lên tới 1,15 tỷ USD.

 

Tập đoàn Carlsberg hy vọng rằng Baltika sẽ trở thành "bàn đạp" cho một số hoạt động của tập đoàn này tại khu vực. Ngoài ra, Baltika cũng sẽ có cơ hội mở rộng thương hiệu của mình tới các công ty khác thuộc Carlsberg và sử dụng mạng lưới phân phối của tập đoàn này.

Hiện Carlsberg có khoảng 500 nhãn hiệu bia khác nhau trên toàn cầu. Tại mỗi quốc gia khi thâm nhập, ngoài việc phát triển những thương hiệu truyền thống, cốt lõi của mình, Carlsberg đều nhắm đến vài thương hiệu bia nổi tiếng tại quốc gia đó. Đặc biệt, ông Jrgen Buhl Rasmussen, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Carlsberg đã từng khẳng định, trong chiến lược tìm đối tác lâu dài, Carlsberg không tìm đến các nhãn hiệu bia của tư nhân, trừ một số thị trường đặc biệt và không còn sự lựa chọn nào khác.

Hà Linh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang