60% nạn nhân trong vụ án buôn người bị bán sang Trung Quốc

author 09:40 22/06/2012

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của lãnh đạo Bộ Công an trong suốt thời gian dài đấu tranh phòng chống nạn buôn người ở trong và ngoài nước. Theo đó, từ năm 2007 đến 2011 cả nước xảy ra gần 2.600 vụ buôn bán người với gần 5.800 nạn nhân. Trong đó, có tới 60% nạn nhận bị bán sang Trung Quốc còn lại là Camphuchia, Lào… Nhà chức trách nhận định, cuộc chiến chống buôn người ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp.

Gia tăng nạn buôn người

Gần 5.800 nạn nhân của các vụ buôn bán người trong vòng 7 năm (2007-2011) mà cơ quan chức năng đã phát hiện hiện so với 6 năm trước số nạn nhân đã tăng lên gấp 3 lần, cho thấy tội phạm buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đang phát triển mạnh.
 
Trung tướng Nguyễn Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, tội phạm buôn bán người cũng như các loại tội phạm khác trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. 
 
Tội phạm buôn người thường lợi dụng những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, văn hóa thấp với những lời hứa hẹn về việc làm có thu nhập cao rồi tìm cách đưa ra nước ngoài bán. Thậm chí, chúng còn lợi dụng địa hình miền núi vắng vẻ để đột nhập bắt cóc trẻ em.
 
Trẻ em và phụ nữ là những món hàng có giá trị mà tội phạm buôn người hướng tới. Với những thủ đoạn tinh vi như lợi dụng mạng internet làm quen để dụ dỗ sau đó thực hiện việc buôn bán người, bằng những lời lẽ ngon ngọt nhắm vào sự thiếu hiểu biết của nạn nhận tội phạm buôn người đưa nạn nhận đến sát biên giới rồi dùng bạo lực, đánh đập dã man ép phải sang bên kia biên giới.
Một đường dây buôn người bị công an Hà Nội triệt phá
Một đường dây buôn người bị công an Hà Nội triệt phá.
 Không chỉ dụ dỗ hứa hẹn việc làm với lương “khủng” hoặc lấy chồng giàu có là những người bạn thân, hàng xóm, tội phạm buôn người còn “hóa” thành người tình của nạn nhân khiến các con mồi tưởng thật mà rơi vào bẫy khi nhận ra thì đã quá muộn. 
 
Có những loại tội phạm buôn người cũng chính là nạn nhân của các vụ buôn người trước đây sau một thời gian lưu lạc ở nước khác đã quay trở lại Việt Nam để buôn bán người, phần lớn nạn nhân là phụ nữ đều bị bắt ép hành nghề mại dâm. Qua phát hiện của cơ quan chức năng có thể thấy được tính manh động cũng như sự trẻ hóa về độ tuổi không chỉ của nạn nhân mà còn đối tượng phạm tội.
 
Ngoài ra còn có nhiều hình thức phạm tội mới như buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ con trong bào thai thậm chí là buôn bán cả nam giới làm nô lệ tình dục hoặc công nhân lao động rẻ mạt ở nước ngoài.
 
Theo thống kê của Bộ Công an, trong số 2.600 vụ liên quan đến các buôn bán người có đến 60% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Còn lại bị bán sang Campuchia, Lào, qua các tuyến hàng không, tuyến đường biển và nội địa.
 
Bộ Công an dự báo, thời gian tới tình hình hoạt động tội phạm mua bán người ở Việt Nam phức tạp. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và phân hóa giàu nghèo nhanh khiến nhiều người di cư từ nông thôn ra thành thị, ra nước ngoài ngày càng nhiều là điều kiện để tội phạm buôn bán người lợi dụng hoạt động.
 
Bộ Công an sẽ xử lý mạnh tay
 
Trước thực trạng buôn bán người đang rất phức tạp, Bộ Công an đã  tổ chức công bố các chiến lược và chương trình quốc gia phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015. Chiến lược chống buôn bán người giai đoạn 2011- 2015 thể hiện rõ những bước tiến mạnh mẽ của cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống loại tội phạm này. 
 
Theo nhận định của nhà chức trách, những khu vực nằm sát đường biên giới là nơi tập chung nhiều đồng bào dân tộc người thiểu số sinh sống với trình độ dân trí thấp đang là miếng mồi béo bở của tội phạm buôn người cho nên việc tuyên truyền vận động người dân ở khu vực biên giới  cần phải được chú trọng  nhằm năng cao nhận thức pháp luật và ý thức cảnh giác của người dân.
 
Về công tác đấu tranh xử lý tội phạm mua bán người, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với bộ đội Biên phòng các cấp nắm chắc tình hình và kịp thời đề ra các kế hoạch, biện pháp chỉ đạo quyết liệt đấu tranh chống tội phạm mua bán người.
 
Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổ chức cảnh sát hình sự Quốc tế, Hiệp hội  Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á đặc biệt là Cảnh sát Hình sự, Biên phòng các nước láng giềng trong khu vực nhằm trao đổi thông tin, xác minh, truy bắt tội phạm giải cứu nạn nhân, truy nã tội phạm buôn bán người .
 
Mỗi một năm Bộ Công an sẽ mở những điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc hoặc thống nhất mở cao điểm trấn áp tội phạm mua bán người dọc biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Camphuchia.
 
Theo Bộ Công an  thời gian qua, Việt Nam đã kí nhiều hiệp định song phương và đa phương với các nước như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc ... cơ quan chức năng đã giải cứu được hơn 1.500 nạn nhân trong các vụ án và tiếp nhận được hơn 4.500 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập với cộng đồng.
 
Theo đó đến năm 2015 có 85% người dân hiểu biết về phương thức thủ đoạn và cách thức, phòng chống tội phạm buôn bán người; Hàng năm tỷ lệ phát hiện, điều tra truy tố xét xử các vụ mua bán người tăng ít nhất 2% và 100% bản án tuyên phạt có hiệu lực đảm bảo nghiêm minh và không oan sai...
 
Đại diện Bộ Công an cho biết, so với giai đoạn 2004 - 2010, giai đoạn 2011 - 2015 người thụ hưởng không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà là mọi công dân có quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Phạm vi điều chỉnh không chỉ là mua bán người ra nước ngoài mà cả trong nội địa, trong đó ưu tiên các tuyến biên giới trọng điểm Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia và các thành phố lớn, các tỉnh có khu công nghiệp lớn, đường biên giới.
 
Bộ Công an cũng nhấn mạnh, thời gian tới cần có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp tạo thành mối liên kết chặt chẽ không để lọt kẽ hở cho nạn buôn người. Ngoài ra cần có những biện pháp xử lý “mạnh” đối với loại tội phạm này có như thế mới mong chấm dứt được tình trạng buôn người. 
 
Mai Tuân
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang