610 điểm bán hàng bình ổn tại Hà Nội dịp tết Giáp Ngọ

author 08:07 01/12/2013

13 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP sẽ tổ chức bán hàng thường xuyên tại 610 điểm trong đó 278 điểm thuộc khu vực ngoại thành.

Để phục vụ đầy đủ hàng hóa cho nhân dân Thủ đô đón Tết nguyên đán Giáp Ngọ, 13 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP sẽ tổ chức bán hàng thường xuyên tại 610 điểm trong đó 278 điểm thuộc khu vực ngoại thành.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tổ chức đưa hàng bình ổn giá đến 20 bếp ăn tập thể của các trường học và khoảng 1.646 điểm bán hàng liên doanh, liên kết; điểm bán hàng cùng hưởng lợi trong chính sách bình ổn giá với giá cả ổn định, chất lượng bảo đảm.

Thành phố cũng chỉ đạo doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tăng cường mở rộng hệ thống bán hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Từ nay đến Tết nguyên đán, các doanh nghiệp sẽ khai trương 3 siêu thị kinh doanh tổng hợp và tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết, tăng cường khả năng tiếp cận hàng hóa cho các đối tượng khó khăn, người lao động có thu nhập thấp.

Điểm bán hàng bình ổn giá của Hà Nội

Những thông tin trên đã được TP Hà Nội chính thức đưa ra trong buổi làm việc sáng 28-11 giữa Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu và Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa về việc chuẩn bị hàng hoá phục vụ thị trường dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ, nhằm bảo đảm cung cầu, ổn định giá một số mặt hàng thiết yếu.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đề nghị Hà Nội chú trọng vào nhóm hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu vì nhu cầu sử dụng cao, khi bị biến động thị trường, giới đầu cơ thường lợi dụng găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Nhóm hàng lương thực có thể không thiếu nhưng nhu cầu sẽ tăng. Nhóm thịt lợn và gia cầm có khả năng tăng giá nên cần chủ động dự trữ tốt.

Bên cạnh đó, nhóm trứng có giá trị không lớn nhưng tốc độ tăng cao và nhóm rau củ quả cũng có khả năng tăng cao, lại khó dự trữ, do vậy cần có sự linh hoạt, điều động từ vùng khác tới.

Mặt khác, Thứ trưởng cũng đề nghị TP Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm lành mạnh hóa thị trường cuối năm và dịp Tết nguyên đán.

Theo tính toán của Hà Nội, trong thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô tăng từ 15 – 18% so với các tháng bình thường trong năm, tập trung vào một số nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, nước giải khát. Trong đó, Hà Nội tự cung cấp được 38,5% nhu cầu gạo; 62% thịt gà thương phẩm; 40% trứng gà, vịt; 15% thủy hải sản tươi sống, đông lạnh…; riêng lợn móc hàm có thể đảm bảo 100%.

Để bảo đảm số lượng cũng như đa dạng chủng loại hàng hóa phục vụ thị trường Hà Nội trong dịp Tết nguyên đán, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp, ngoài nguồn hàng sẵn có trên địa bàn, chủ động khảo sát, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa từ các tỉnh khác đưa về Hà Nội tiêu thụ. Ví như thịt lợn khai thác thêm từ các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Ninh; thịt gà khai thác thêm từ các trang trại từ Vĩnh Phúc, Bắc Giang; rau củ từ Vĩnh Phúc, Đà Lạt, Hải Dương. Bên cạnh đó, ngành công thương Hà Nội liên kết với các tỉnh, thành phố khác trong đó tập trung cung ứng hàng hóa hai chiều, góp phần cân đối cung cầu trên địa bàn TP.

Với kinh nghiệm phục vụ hàng Tết trên địa bàn Thủ đô đông dân, với kế hoạch đã chuẩn bị kỹ từ trước, dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ này Hà Nội tiếp tục phấn đấu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ, trục lợi bất hợp lý.

Theo HNM

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang