‘7 Bộ quản lý một cái xúc xích: Không thể cạnh tranh’

author 16:18 16/04/2015

(VietQ.vn) - Việc đưa thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng về 0% khiến các doanh nghiệp nội “ngồi trên đống lửa” bởi sức cạnh tranh kém do nhiều yếu tố.

 “Mấy năm 1 đôi giầy nguyên mẫu sao mà cạnh tranh?”

Về thực tế này, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HH Siêu thị Hà Nội – Vũ Vinh Phú cho biết, “Chúng ta không theo kịp thời đại. Cuộc chơi này đã được cảnh báo 10 năm nay rồi”. Thế nhưng sự chuyển biến trong nước về hệ thống phân phối và bán lẻ còn rất chậm chạp. Đó chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp đang lo lắng mất thị phần trước sự xâm nhập ngày càng lớn của hàng ngoại khi hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ.

‘7 Bộ quản lý một cái xúc xích: Không thể cạnh tranh’

Chủ tịch HH Siêu thị HN: "Nếu không có cải cách, hàng Việt khó có thể trụ vững tại "sân nhà" nhất là sau khi hàng ngoại được xóa bỏ thuế về 0%". Ảnh Dân Trí

Lý do khiến các doanh nghiệp nội khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại được ông Phú mổ xẻ khá rõ ràng: 

“Chúng ta vận động người dân tham gia vỗ tay đọc khẩu hiệu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thì được nhưng vấn đề là chưa có chiến lược cơ bản”, ông Phú nói. Chuyên gia này giải thích: chưa có chiến lược thể hiện trước tiên ở giá thành. Năng suất hàng nội rất thấp, hụt từ 1-15 so với khu vực – không thể cạnh tranh giá thành. “Nếu như các nước khác, 1 phút làm được 5 đôi tất thì Việt Nam 5 phút làm 1 đôi tất – thua là tất yếu”.

Việc cải tiến mẫu mã sản phẩm của các mặt hàng nội cũng có thể coi là “hàng hiếm”. Có một thực tế, các doanh nghiệp không chịu đổi mới sản phẩm của mình, đến mức, “mấy năm 1 đôi dép, mẫu vẫn không thay đổi”.

Việc gắn sản phẩm với hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nội theo đánh giá của vị này “còn rất kém”. Một tiểu thương chợ Đồng Xuân có 1 tủ hàng chỉ bày đủ 10 đôi giầy, thế nhưng doanh nghiệp sản xuất “ép” nhận 200 đôi (bán buôn), đó là một hạn chế. 

“Cả hệ thống phân phối và bán lẻ đều yếu kém và không kịp chuyển mình so với tiến độ cam kết của quốc tế. Nguy cơ thua ngay trên sân nhà đã nhìn thấy rõ, đặc biệt là khi hàng ngoại được vào với thuế suất 0%”, Chủ tịch HH Siêu thị Hà Nội nhận định.

Thêm vào đó, sự chồng chéo trong quản lý hành chính khiến chi phí sản phẩm của doanh nghiệp cũng đội lên cao khiến đã khó cạnh tranh, nay sẽ càng cạnh tranh khó với hàng hóa ngoại hơn gấp nhiều lần. Đưa ra một ví dụ, ông Phú cho biết, sản phẩm xúc xích Đức Việt hiện do 7 Bộ quản lý. Việc quản lý chồng chéo này khiến các chi phí phát sinh tốn kém hơn rất nhiều lần và được cộng vào thành chi phí sản phẩm. Các doanh nghiệp nội vì thế khó có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại ngay kể đang là “chủ nhà”. Và đây cũng được coi là cơ hội “tuyệt vời” của hàng nước ngoài khi “nhảy” vào Việt Nam.

Cơ hội cải cách “đứng trước cửa”

Mặc dù việc giảm thuế về 0% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu khiến doanh nghiệp nội vật vã trước khó khăn để cạnh tranh, thế nhưng chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, đó cũng là một thách thức cần có để bản thân các doanh nghiệp phải tự tìm hướng đi mới, cơ hội cải cách cho chính mình.

Bên cạnh đó, sự chuyển mình của cơ quan quản lý Nhà nước cũng góp phần quan trọng để tiến trình cải cách hệ thống có hiệu quả hơn.

“Thời gian trước, chúng ta mải mê với Vinashin, Vinaline, không đầu tư vào nông nghiệp là một sai lầm. Bây giờ, các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản ào ào đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Đất nước mình, tiềm năng của mình mà lại để nước ngoài vào đầu tư và gắt hái”, ông Phú tiếc nuối.

Theo ông Phú, Việt Nam cần đi lên từ kinh tế biển và nông nghiệp thay vì trông chờ vào nền công nghiệp nặng như ô tô, xe máy…Việc đầu tư không đúng sở trường và khả năng khiến vốn đầu tư dàn trải, dồn vào chỗ không cần thiết mất nơi quan trọng. 

“Lỗi không chỉ ở doanh nghiệp, mà còn có phần định hướng của Nhà nước. Chúng ta không biết chọn mục tiêu chính để đầu tư và cần phải tái cơ cấu nền kinh tế càng sớm càng tốt”, ông Phú nói. 

Theo đó, vị này cho rằng, cần xác định tập trung nguồn lực nào là cốt lõi – biển, nông nghiệp hay ô tô?; hỗ trợ đầu tư máy móc cải tiến, đào tạo nhân lực; tổ chức phân phối tốt, không để bán lẻ nước ngoài xâm nhập…

Từ tháng 1/2015, các mặt hàng nhập khẩu như nông nghiệp, nông sản từ các nước trong khu vực ASEAN đã được giảm thuế xuống còn 0%. Ngoài ra, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand cũng được cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa.

Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã ban hành biểu đồ thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, giai đoạn 2015- 2019.Theo đó, biểu Việt Nam - Nhật Bản sẽ có 3.234 số dòng thuế có thuế suất 0%. Các dòng thuế có thuế suất bằng 0% tại thời điểm 1/4/2015 tập trung vào các nhóm mặt hàng: chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm tân dược…Theo lộ trình từ 2015 đến 2019, cũng sẽ có nhiều mặt hàng từ Nhật vào Việt Nam được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu về 0%.

Trà Phương


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang