'Đại gia bán lẻ' Nhật 7-Eleven vào Việt Nam, áp lực đè nặng doanh nghiệp nội

authorĐỗ Thu Thoan 09:24 03/03/2017

(VietQ.vn) - Sắp tới 7-Eleven đến từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tạo áp lực lớn đối với các doanh nghiệp nội khiến các chuỗi cửa hàng tiện ích phải có những chiến lược riêng để giữ vị thế.

Thông tin đăng tải trên Tin tức/TTX cho biết, đại gia bán lẻ Nhật Bản 7-Eleven đang cấp tập tuyển dụng nhân viên tại Việt Nam để thực hiện kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 2/2018. Cuộc chiến cạnh tranh thị phần bán lẻ được dự báo sẽ vô cùng khốc liệt với phần yếu hơn thuộc về các doanh nghiệp nội.

7-eleven-vao-viet-nam-ap-luc-de-nang-doanh-nghiep-noi

7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng bậc nhất thế giới - Ảnh internet

Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), Vietnamnet cho hay, trong vòng 3 năm, nhà bán lẻ lớn nhất của Nhật này sẽ mở 100 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Việt Nam và đặt mục tiêu 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm.

7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện ích nổi tiếng bậc nhất thế giới với khoảng 38.000 cửa hàng ở bên ngoài Nhật Bản. Thương hiệu này đã có mặt tại 16 quốc gia. Tại châu Á, hầu hết những quốc gia mà 7-Eleven có mặt đều có số lượng hơn 1.000 cửa hàng; nhiều nhất là tại Nhật Bản với 17.569 cửa hàng, ít nhất là Singapore cũng có tới 488 cửa hàng.

7-Eleven vốn dĩ hoạt động theo hình thức nhượng quyền kinh doanh, là nhà khai thác, chuyển nhượng, cấp phép các cửa hàng tiện ích lớn nhất thế giới với hơn 50.000 đại lý. Theo tờ Business Insider, cứ 2 tiếng lại có một cửa hàng 7-Eleven mới được mở ra trên thế giới.

7-eleven-vao-viet-nam-ap-luc-de-nang-doanh-nghiep-noi

Cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng quyết liệt - Ảnh minh họa

Được biết, 7-Eleven thuộc sở hữu của Seven & I Holdings Group (Nhật Bản). Tính đến cuối năm 2016, thương hiệu này đã có mặt tại 17 quốc gia với 61.500 cửa hàng trên toàn thế giới, Tin tức/TTX thông tin thêm.

Với sự góp mặt của 7-Eleven, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ vô cùng sôi động với các chuỗi cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu của Việt Nam và thế giới.

Về số lượng, các chuỗi cửa hàng tiện ích mang thương hiệu nước ngoài chưa cạnh tranh được với Vinmart+, với vị trí dẫn đầu đang thuộc về Shop and Go. Tuy nhiên, các chuỗi này đang không ngừng mở rộng ra khắp các thành phố lớn và vượt qua các đối thủ khác của Việt Nam.

Cũng theo Tin tức/TTX, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, việc 7-Eleven vào Việt Nam sẽ tạo thêm sự cạnh tranh trên thị trường. Các cửa hàng tiện ích nước ngoài mở cửa 24/24, còn cửa hàng Việt Nam lại chủ yếu bán trong giờ hành chính.

Đánh giá về sức ép gây ra với các doanh nghiệp nội, ông Phú cho rẳng, sức ép chỉ khoảng 30% đến từ bên ngoài, còn lại 70% nằm ở những bất cập nội tại của doanh nghiệp nội. ‘Hàng hóa lởm khởm, làm ăn chộp giật. Khâu hậu cần yếu kém khiến hàng hóa không bảo quản được lâu’, ông Phú chỉ ra những bất cập và cho rằng, doanh nghiệp nào yếu kém cần để cho ‘tự chết’.

‘Nhà nước cần quản lý chặt chẽ việc mở mạng lưới bán lẻ để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, cần có quy chế quản lý cửa hàng tiện ích. Hiện nay, mô hình này có hàng nghìn cửa hàng trên cả nước nhưng lại chưa được quản lý. Quyết định 1371/2004 của Bộ Thương mại trước đây ban hành quy chế quản lý siêu thị, trung tâm thương mại nay đã lạc hậu, chưa điều chỉnh được hoạt động của các cửa hàng tiện ích’, ông Phú kiến nghị.

Đỗ Thu Thoan (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang