Sau chia cổ phiếu thưởng, TCB giờ hấp dẫn tới mức nào?

author 09:14 18/03/2019

(VietQ.vn) - Sau đợt chia cổ phiếu thưởng năm 2018, với mục tiêu của đợt tăng vốn, một phần nhằm chia sẻ lợi ích với cổ đông qua việc chia lợi nhuận giữ lại trong 3 năm gần nhất, thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, cổ phiếu TCB giờ ra sao?

Thị trường chứng khoán Việt chưa thực sự ổn định

Sáng ngày 4/6/2018, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) chính thức đưa hơn 1,16 tỷ cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE). Techcombank thành lập tháng 9/1993 với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Đến nay ngân hàng đã có vốn điều lệ hơn 11.655 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu xấp xỉ 40.000 tỷ.

Tại thời điểm 11/5/2018, Tập đoàn Masan là cổ đông lớn duy nhất của Techcombank, sở hữu 14,99% vốn điều lệ công ty. Với mức giá chào sàn 128.000 đồng, khối tài sản Masan sở hữu tại Techcombank lên đến khoảng 22.360 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông hiện nay của Techcombank có 22,5% là khối ngoại sở hữu, trong đó có các quỹ đầu tư lớn trên thế giới như Dragon Capital, Capital Group, Clermont Group, GIC, và Fidelity.

Chào sàn với giá tham chiếu ngày đầu giao dịch 128.000 đồng/cp - cao nhất các ngân hàng niêm yết, áp lực từ xu hướng giảm chung của thị trường cùng việc chia tách cổ phiếu thực hiện tăng vốn điều lệ đã khiến giá cổ phiếu đóng cửa thời điểm hiện tại của TCB ở mức 26.500 đồng/cp. 

Nhìn lại thị giá giao dịch trên sàn OTC, cổ phiếu TCB bắt đầu có xu hướng tăng trưởng từ năm 2017. Đặc biệt từ đầu 2018, giá tăng “chóng mặt” khi chỉ trong vòng 4 tháng, vọt trên 118.000 đồng/cp, gấp đôi đầu năm.

Thực ra, cổ phiếu của ngành ngân hàng thời gian qua tăng giá trị rất lớn nhưng cũng trải qua những biến động rất mạnh. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng chia sẻ, việc lên xuống này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thực sự ổn định và bền vững, trong đó có câu chuyện cổ phiếu của các ngân hàng.

Năm 2017, VN Index đã tăng từ 600 điểm lên tới 800 điểm rồi 900 điểm, gần 1.000 điểm. Sang năm 2018 tăng lên trên 1.000 điểm, thậm chí có lúc lên gần 1.200 điểm, sau đó rớt xuống hơn 900 điểm để bây giờ lại ngoi lên hơn 1.000 điểm. Cổ phiếu của Techcombank nhiều khả năng nằm trong tình trạng này.

Cổ tức và mục tiêu tăng vốn cho ngân hàng

Còn nhớ, vào năm 2017, đại hội cổ đông Techcombank diễn ra vào tháng 4 thực sự nóng khi các cổ đông lên tiếng về việc ngân hàng đã 7 năm liên tiếp không chia cổ tức. Thời điểm đó, cổ phiếu Techcombank trên sàn OTC chỉ quanh 10.000 đồng/cp và nhà đầu tư gần như ôm vốn trong thời gian dài.

Đáp lại, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh bảo lưu quan điểm về chính sách của lãnh đạo muốn giữ lợi nhuận lại để tái đầu tư dài hạn, nhằm tạo ưu thế tài chính cho ngân hàng; từ đó, gia tăng hiệu quả sử dụng vốn và tạo giá trị tăng thêm của mỗi cổ phiếu mà các cổ đông đang nắm giữ.

Mới đây, liên quan đến mối quan tâm của các cổ đông, Techcombank đã phát đi thông báo về ngày đăng ký cuối cùng là 6/7 để thực hiện quyền nhận cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực hiện là 200%, tức mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu (theo danh sách cổ đông hưởng quyền chốt tại ngày đăng ký cuối cùng cho đợt phát hành) sẽ được nhận 2 cổ phiếu mới.

Techcombank cũng cho biết, mục tiêu của đợt tăng vốn, một phần nhằm chia sẻ lợi ích với cổ đông qua việc chia lợi nhuận giữ lại trong 3 năm gần nhất, thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Sau đợt trả cổ phiếu thưởng này, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ mức 11.655 tỷ đồng lên 34.965 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn, Techcombank sẽ trở thành 1 trong 3 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua BIDV và gần bằng VCB.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6, giá cổ phiếu TCB đứng ở mức 95.000 đồng/cổ phiếu, giảm 25,8% so với giá chào sàn (128.000 đồng/cp) hôm 4/6.

Cũng liên quan đến câu chuyện tăng vốn của giới ngân hàng, năm 2019, các chuyên gia đưa ra nhận định, sự tiếp tục tăng trưởng của tín dụng cá nhân và dịch vụ ngân hàng bán lẻ vẫn sẽ là yếu tố tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành. Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với những thách thức như việc hoàn tất việc tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn Basel 2 với số lượng phát hành thêm ước tính lên tới 3-4 tỷ USD.

Đặc biệt, sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng mạnh là nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn do các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mảng bán lẻ và tiêu dùng. Theo NHNN, trong khi số nợ xấu tuyệt đối trong năm 2018 đã giảm được 200.000 tỷ đồng thì các khoản lãi dự thu lại đang có xu hướng tăng lên.

Theo báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC), khả năng duy trì hoặc tăng NIM và diễn biến chi phí dự phòng sẽ phân hóa giữa các ngân hàng, việc đầu tư vào nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi và ngân hàng số sẽ khiến các ngân hàng khó có thể tiết kiệm chi phí hoạt động trong vài năm tới.

Thực tế, hiện cổ phiếu ngân hàng đang có dấu hiệu kém hấp dẫn hơn trước nhưng theo CTCK Bảo Việt, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang hấp dẫn hơn cổ phiếu các ngân hàng trong khu vực. Khi so sánh tương quan giữa P/B với ROE bình quân 5 năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng Việt đắt hơn so với các quốc gia trong khu vực, nhưng khi so sánh với mức định giá hiện tại với ROE năm 2019, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở dưới giá trị.

Do đó, trong thời gian tới, cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa rõ nét, giới đầu tư sẽ phải quan sát kỹ lưỡng hơn để đoán định được đường đi nước bước của thị trường bởi rõ ràng cổ phiếu ngành này tác động không nhỏ tới Vn-Index. Cũng có ý kiến cho rằng hiện nay, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán đã không còn dồi dào, cổ phiếu khó tạo "sóng lớn" nên nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ duy trì mặt bằng giá ổn định trong năm 2019.

Còn nữa...

An Nhiên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang