8 tàu Trung Quốc sẵn sàn đâm tàu Việt Nam gần giàn khoan

author 05:40 22/05/2014

Tàu Việt Nam đã tiếp cận khu vực giàn khoan Hải Dương-981 ở khoảng cách gần hơn so với những ngày trước. Tuy nhiên, khi cách giàn khoan 5-6 hải lý, tàu Trung Quốc bố trí thành từng nhóm từ 8-10 tàu sẵn sàng đâm va và phun vòi rồng vào tàu Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Đó là những thông tin mới nhất về diễn biến tình hình trên khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép, trong cuộc họp báo diễn ra vào lúc 17 giờ ngày hôm nay (21/5) tại Hà Nội


Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Trung-Phó Cục Trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: Lực lượng Kiểm ngư vẫn duy trì các biện pháp đấu tranh hòa bình, tăng mức độ tuyên truyền yêu cầu phía Trung Quốc rút khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặt khác, các lực lượng Kiểm ngư vẫn tiếp tục giữ vững tinh thần, kiên quyết, kiên trì bám biển và đồng loạt tiến sâu hơn vào khu vực giàn khoan.

 

Tàu Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu chấp pháp Việt Nam (Ảnh: Công Định-Hữu Trung/TTXVN)

Tàu Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu chấp pháp Việt Nam (Ảnh: Công Định-Hữu Trung/TTXVN)

“Cụ thể, lực lượng chấp pháp của ta đã có kinh nghiệm hơn và quen với môi trường trên biển nên có sự khôn khéo trong việc tránh những va chạm, do đó hiệu quả đấu tranh tuyên truyền tốt hơn; tàu Kiểm ngư đã tiếp cận được gần giàn khoan hơn và duy trì ở cự ly 5-6 hải lý,” Phó Cục Trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết.

Về các lực lượng chấp pháp Việt Nam cùng bà con ngư dân tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981, ông Trung chia sẻ, tinh thần  lực lượng Kiểm ngư Việt Nam và ngư dân hiện rất tốt, vẫn hăng hái, kiên trì đấu tranh và sản xuất. Mặt khác, hiện thời tiết trên biển đang rất thuận lợi và tầm nhìn tốt, do đó bà con tiếp tục tăng gia bám biển sản xuất.

Trên tinh thần đó, tàu cá Việt Nam vẫn tham gia hoạt động sản xuất và đấu tranh bảo vệ ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan khoảng 6-7 hải lý, bất chấp những hành động ngang ngược của các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc vẫn sẵn sàng đâm va với tàu cá của ngư dân ta.

Theo quan sát của các lực lượng Kiểm ngư, tính đến ngày hôm nay (21/5), lực lượng hai bên không có nhiều biến động, tổng số lượng tàu Trung Quốc giảm 1 tàu so với ngày hôm qua (20/5), còn 137 tàu.

"Trước tình hình đó, các tàu kiểm ngư vẫn chủ động tăng cường hỗ trợ và luôn sát cánh để bảo vệ an toàn cho ngư dân, cũng như phương tiện đang hoạt động sản xuất quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981," Phó Cục Trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết.

Ngày 20/5, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã ra thông cáo về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và gửi đến Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva.

Sau khi liệt kê cụ thể những động thái của Trung Quốc kể từ ngày 2/5, thời điểm Bắc Kinh đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thông cáo nêu rõ hành vi của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, cũng như thỏa thuận cấp cao hai nước.

Thông cáo nhấn mạnh trên cơ sở kiên trì đối thoại tìm kiếm các biện pháp hòa bình, Việt Nam đã công khai liên lạc với Trung Quốc hơn 20 lần về vụ việc, bao gồm các kênh liên lạc giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, các giao tiếp giữa Giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petrovietnam) và Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC )... Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã 8 lần liên lạc với phía Trung Quốc ở Hà Nội và Bắc Kinh, đáng chú ý vào chiều 6/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. 

Thông cáo kèm theo bản đồ xác định vị trí của giàn khoan Hải Dương-981; Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24; Báo cáo của các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về các diễn biến hiện nay ở Biển Đông; Những điểm nổi bật của phản ứng quốc tế với hành động gây hấn bất hợp pháp của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng một loạt tàu hỗ trợ ra khỏi vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đề nghị chính phủ tất cả các nước lên tiếng chỉ trích hành vi sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tôn trọng quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia ven biển phù hợp với UNCLOS 1982. Hành động sai trái của Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh hàng hải và an toàn trong Biển Đông và trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang