83% thông tin chỉ đạo, ban hành ở Việt Nam lên mạng

author 11:44 22/07/2012

(VietQ.vn) - Báo cáo của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG về chính phủ điện tử năm 2012 tại Việt Nam cho thấy, có 83,6% thông tin chỉ đạo ban hành được đưa lên mạng; 96,6% bộ ngành có website riêng; 100% các tỉnh thành phố có cổng thông tin điện tử...

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Quốc gia về chính phủ điện tử do Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin và IDG phối hợp tổ chức từ ngày 20-21/7.

Báo cáo xếp hạng mới nhất của Liên hợp quốc về chính phủ điện tử cũng ghi nhận sự tiến bộ của Việt Nam, khi từ vị trí thứ 90 năm 2010 tiến lên vị trí 83 năm 2012.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

Tại Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 4 sau Singapore, Malaysia và Brunei. Phần lớn các chỉ số đánh giá của Việt Nam đều đạt cao hơn so với mức trung bình của thế giới, nổi bật là chỉ số về cơ sở hạ tầng, nhân lực...

Hiện Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu cho giai đoạn sắp tới về chính phủ điện tử, trong đó hướng tới bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước trên quy mô quốc gia, xây dựng hệ thống thông tin quốc gia, phục vụ cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Với chủ đề “Phát triển chính phủ điện tử: minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn”, Hội thảo Quốc gia về chính phủ điện tử 2012 tập trung vào 3 nội dung chính là phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và công dân điện tử.

Theo đó, sẽ có 7 bài báo cáo chính cùng 2 phiên chuyên đề chuyên sâu, 3 phiên thảo luận đan xen nhằm đánh giá các thành tựu trong việc phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam, cũng như tìm ra điểm yếu và kiến nghị khắc phục.

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử là hội nghị chính thức và uy tín nhất về chính phủ điện tử tại Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và sự phối hợp tổ chức của Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin và Bộ Thông tin Truyền thông, Hội thảo hướng tới mục tiêu trở thành một diễn đàn trao đổi thông tin hữu ích, giới thiệu những giải pháp công nghệ thông tin toàn diện giúp Chính phủ triển khai  cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công hiệu quả.

Ba lĩnh vực trọng tâm được nhấn mạnh trong Chương trình Quốc gia về Ứng dụng Công nghệ thông tin giai đoạn 2011 – 2020 và Chương trình tổng thể Cải cách Hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020:

Phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin – truyền thông gồm: Hạ tầng Kết nối và Truyền thông; Hạ tầng chữ ký số; Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tài nguyên môi trường, thông tin về thương mại và công nghiệp...

Vấn đề ứng dụng Công nghệ thông tin – truyền thông trong cơ quan Nhà nước với việc số hóa 60% văn bản Nhà nước và cung cấp 150.000 chữ ký số vào năm 2015.

Về phát triển Dịch vụ Công trực tuyến, tới năm 2015, 100% cơ quan hành chính địa phương có cổng hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến ở mức độ 3.

Thế Thảo Tuấn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang