90% người Hà Nội đồng ý cấm xe máy: Có gì trong phiếu khảo sát?

author 17:12 30/06/2017

(VietQ.vn) - Cơ quan soạn thảo đề án khẳng định, không khai man, gian dối khi làm phiếu khảo sát cấm xe máy ở nội thành Hà Nội từ năm 2030.

Theo thông tin trên báo Thanh niên, tại buổi tọa đàm về hạn chế xe máy tổ chức sáng nay 30/6, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải, cơ quan soạn thảo đề án Quản lý phương tiện cho Hà Nội cho hay, ban soạn thảo đã lấy ý kiến người dân về chủ trương hạn chế phương tiện, song không thể điều tra toàn diện thành phố, mà chỉ tiến hành phương pháp chọn mẫu.

Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cảnh sát khu vực các phường trên 30 quận huyện, phát phiếu tới hơn 16.000 hộ dân, thu về 15.400 phiếu. Việc khảo sát tiến hành ngẫu nhiên người sử dụng xe máy và không sử dụng xe máy; từ học sinh đến người lao động, lao động tự do, người có hộ khẩu hoặc chỉ tạm trú.

Đơn vị lấy ý kiến cũng công bố mẫu phiếu ghi nhận thông tin về cá nhân, độ tuổi, hộ khẩu, sở hữu các phương tiện, thăm dò chuyến đi trong ngày. Người được hỏi bày tỏ quan điểm về nhu cầu sử dụng giao thông công cộng, có đồng ý sử dụng giao thông công cộng khi có phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại, quan điểm ủng hộ thành phố về hạn chế xe cá nhân và điều chỉnh thời gian làm việc.

 Ông Lê Đỗ Mười khẳng định kết quả khảo sát người dân Hà Nội là trung thực. Ảnh: Dân trí

 Ông Lê Đỗ Mười khẳng định kết quả khảo sát người dân Hà Nội là trung thực. Ảnh: Dân trí

Theo thông tin trên báo An ninh Thủ đôkết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đề án tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân của người dân thủ đô là 84%, trong khu vực Vành đai 3 là trên 85%.

Trong số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là trên 90%. Tuy nhiên, người dân thủ đô yêu cầu phải nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Ngoài ra, trên 71% người dân được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông; trong đó khu vực Vành đai 3 có số người được lấy ý kiến ủng hộ là hơn 67%.

Về độ minh bạch của việc lấy phiếu, ông Mười cho biết, trên mẫu phiếu khảo sát có chữ ký của từng người được hỏi, cả tổ trưởng tổ dân phố và cảnh sát khu vực. "Chúng tôi không khai man. Cán bộ khảo sát đưa phiếu đến từng hộ gia đình chứ không gặp ngẫu nhiên ngoài đường. Chưa có đề án nào cụ thể như đề án này", ông Mười khẳng định.

Mẫu phiếu khảo sát lấy ý kiến người dân về hạn chế xe máy của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải phát ra. Ảnh: An ninh thủ đô

Mẫu phiếu khảo sát lấy ý kiến người dân về hạn chế xe máy của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải phát ra. Ảnh: An ninh thủ đô

Báo Dân trí đưa tin, với giả thiết khi cơ quan có thẩm quyền quyết định dừng hoạt động của xe máy mà người dân vẫn đi thì có bị phạt? Ông Lê Đỗ Mười cho biết: Hà Nội không có chủ trương cấm xe máy, trong đề án quản lý phương tiện, chỉ đề cập dừng hoạt động xe máy.

“Trong Luật và tất cả các Nghị định không có từ cấm mà chỉ dừng. Chính quyền có thể cho dừng tại một thời điểm nào đó khi hạ tầng, phương tiện công cộng đáp ứng, hoặc lại tiếp tục cho phép xe máy hoạt động khi thấy phương tiện công cộng không đủ điều kiện” - ông Mười nói.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS, TS. Chu Công Minh - Trường ĐH Bách khoa TP. HCM - đưa ra một số dẫn chứng nghiên cứu độc lập về sở hữu sử dụng xe máy tại Hà Nội của World Bank (năm 2013 - 2014) cho thấy việc sử dụng xe máy có tính ổn định rất cao, người dân không muốn thay đổi, xe máy sử dụng diện tích hạn chế hơn so với ô tô…

“Đồng ý hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhưng nếu chỉ hạn chế xe máy thì một số cá nhân sẽ chuyển từ xe máy sang sử dụng phương tiện khác như ô tô. Vì vậy, đối với một số tuyến đường, hệ thống giao thông công cộng có thể đáp ứng được thì có thể tạm dừng xe cá nhân, không chỉ riêng xe máy” - ông Minh cho biết.

Hà Nội cấm xe máy ngoại tỉnh - Học theo Trung Quốc?(VietQ.vn) - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT chia sẻ ý tưởng, nội dung dự thảo đề án "cấm xe máy ngoại tỉnh" vào Hà Nội

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin, dự kiến đến 2030 xe buýt chiếm thị phần chủ yếu trong vận tải hành khách công cộng. Hà Nội đặt ra mục tiêu 80% đáp ứng nhu cầu kết nối với người tham gia giao thông dưới 500m, 20% còn lại với người dân trong ngõ có thể đi bộ, đi bằng xe đạp, còn bên ngoài đi từ các quận, huyện vào sẽ có các điểm gửi xe máy ở tuyến vành đai để sử dụng phương tiện công cộng.

“Sử dụng xe buýt rẻ, an toàn hơn, nhiệm vụ của chúng tôi là phải chứng minh cho người dân lợi ích này để người dân từ bỏ xe máy, nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng xe buýt để đảm bảo an toàn và thời gian hơn, làm sao đảm bảo di chuyển bằng giao thông công cộng sẽ chính xác giờ. Lúc đó, dân được kết nối thuận tiện, đi lại an toàn, giờ giấc chính xác sẽ sẵn lòng chuyển đổi xe máy sang phương tiện giao thông công cộng tiện ích hơn” - ông Viện kỳ vọng.

 Ánh Ngân (T/h)

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang