Các tổ chức nghiên cứu 'hốt' bạc tỷ

author 08:19 12/11/2014

(VietQ.vn) - Hấp thụ được cơ chế, chính sách mới về khoa học và công nghệ (KH&CN) của Nhà nước, nhiều viện, trung tâm nghiên cứu đã mạnh lên, có nhiều đề tài hay, ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả, doanh thu lớn, lợi nhuận cao.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Trong khoảng 10 năm qua, kể từ khi Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, các trung tâm, các viện nghiên cứu trong cả nước như có một sinh lực mới, được cởi bỏ cơ chế trước đây và tự chủ hơn trong các hoạt động của mình. Từ đó đến nay cũng có những bài học buồn vui lẫn lộn nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực, nhiều trung tâm, viện nghiên cứu đã tìm thấy hướng đi phát triển bền vững cho mình và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của KH&CN cũng như nền kinh tế đất nước.

Một ví dụ điển hình tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyện các đề tài, nghiên cứu được chuyển giao trị giá tiền tỷ đã không còn là xa lạ. Những đề tài "mèng mèng" cũng phải vài trăm triệu.

Nhiều giống cây trồng, vật nuôi được nghiên cứu và phát triển tại Học viện Nông nghiệp VN

Nhiều giống cây trồng, vật nuôi được nghiên cứu và phát triển tại Học viện Nông nghiệp VN mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh minh họa

Chia sẻ với báo giới mới đây, PGS. TS. Nguyễn Tất Cảnh - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước: "Các trường đại học vừa là cơ sở đào tạo vừa là cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ", trong những năm qua, Học viện đã không ngừng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào trong đào tạo và thực tế sản xuất, đời sống. 

"Học viện đang chủ trì 21 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 34 đề tài khoa học cấp Bộ, 201 đề tài khoa học cấp cơ sở, 38 đề tài địa phương, 5 đề tài khoa học, dự án quốc tế với nhiều tiến bộ kỹ thuật, nhiều công nghệ mới được bà con nông dân trong cả nước đón nhận. Nhiều công bố quốc tế được đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao", PGS. TS. Nguyễn Tất Cảnh cho biết.

Theo tìm hiểu thực tế của PV Chất lượng Việt Nam tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay Học viện này có 14 khoa với 75 bộ môn và tương đương, 10 phòng/ban chức năng, 5 viện, 9 tổ chức đào tạo và phục vụ đào tạo, 7 tổ chức khoa học, công nghệ, sản xuất, dịch vụ và 1 công ty trực thuộc. Trong đó, Học viện quản lý trực tiếp 8 tổ chức KH&CN và ủy quyền quản lý 7 đơn vị.

Vào năm 2013, hàng loạt viện và trung tâm nghiên cứu của Học viện được đánh giá là hoạt động tốt, có nhiều đề tài nghiên cứu KH&CN, chuyển giao. Đã tự chủ kinh phí hoạt động và có đóng góp cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Trong số đó có những tên như: Viện Sinh học Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng, Viện Phát triển Công nghệ cơ điện; Trung tâm thực nghiệm và đào tạo nghề, Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu phát triển giống rau chất lượng cao, Trung tâm kỹ thuật tài nguyên đất và môi trường, Trung tâm nghiên cứu liên ngành phát triển nông thôn, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ... Đây là những đơn vị trực thuộc Học viện có nhiều kết quả tốt trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao vào thực tế.

PGS. TS. Nguyễn Tất Cảnh lấy ví dụ, có những giống lúa, giống cây ăn quả là tài sản nghiên cứu của các nhà khoa học trong trường đã được trả giá tới cả chục tỷ đồng. Những nghiên cứu có giá trị vài tỷ đồng đã không còn là chuyện hiếm. Những nghiên cứu có giá trị vài trăm triệu đồng đã trở thành rất bình thường. 

Nhiều giống cây trồng được chuyển giao với giá tới vài tỷ đồng. Ảnh minh họa

Nhiều giống cây trồng được chuyển giao với giá tới vài tỷ đồng. Ảnh minh họa

Các đề tài nghiên cứu và chuyển nhượng bản quyền sở hữu cho các doanh nghiệp như: Giống lúa lai TH5-1, TH3-3, TH3- 4... tại các tỉnh miền Bắc được cấp công nhận giống cây trồng mới cấp Quốc gia. Giống cà chua lai quả nhỏ HT144 tại Đồng bằng và Trung Du Bắc Bộ; Giống hoa cẩm chướng Hồng Bạc, Hồng Ngọc, Chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA phục vụ chăn nuôi xử lý môi trường chăn nuôi... là những nghiên cứu và ứng dụng được đánh giá cao, mang lại năng suất, chất lượng cao cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Các viện, trung tâm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực sự tìm được đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo của mình, khẳng định vị thế và có nhiều đóng góp cho xã hội. Theo PGS. TS. Nguyễn Tất Cảnh điều đó là do ý chí quyết tâm đổi mới tổ chức hoạt động của các tổ chức KH&CN theo tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Phân cấp, trao quyền triệt để đi đối với áp lực bắt buộc phải tự chủ sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ giúp các tổ chức KH&CN của học viện năng động, sáng tạo và đạt được nhiều thành quả nghiên cứu hữu ích cho xã hội. Mỗi nhà nghiên cứu, nhà khoa học của trường phải bám sát nhu cầu của thị trường. Thậm chí, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học của trường phải đi tham gia đấu thầu để giành lấy đề tài thực hiện. 

Đặc biệt, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu có nhiều tiềm năng, có các bài báo công bố quốc tế có giá trị sẽ được đầu tư và ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó là tăng cường các hợp tác quốc tế và bảo vệ tài sản trí tuệ cũng nhưng thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứ KH&CN.

Cũng tính đến thời điểm hiện tại, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã số tiến sỹ tăng gấp đôi so với 7 năm trước đây. Bằng nhiều nguồn lực, Học viện đã đầu tư được các phòng nghiên cứu chuẩn, theo các tiêu chuẩn ISO, theo tiêu chuẩn phòng thí nghiệm.

Nguyễn Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang