Câu chuyện làm thuê cho đối thủ để chiến thắng của Asus

author 07:47 06/04/2014

(VietQ.vn) - Sự thành công đôi khi đến từ chính những gì khó khăn nhất mà chính Asus đã làm được điều đó từ đối thủ của mình.

Câu chuyện của Dell

Dell

Dell đánh dấu những bước chân vĩ đại đầu tiên của hãng ngay từ những năm 90 của thế kỉ trước. Mô hình kinh doanh của Dell rất đơn giản: hãng nhập khẩu tất cả các linh kiện lắp ráp một chiếc máy tính về theo giá bán buôn. Từ đó họ sẽ lắp ráp ra một chiếc máy tính hoàn chỉnh và bán cho khách hàng.

Điều đáng nói ở đây chính là Dell đã thu được một nguồn lợi nhuận khổng lồ từ chính cách thức này. Bởi những chiếc máy tính chất lượng không thua kém gì so với những chiếc máy hiện đại nhất thời bấy giờ nhưng giá cả lại rẻ hơn rất nhiều.

Một điểm nữa làm nên thành công của Dell lúc đó chính là: khách hàng có thể có những chiếc máy tính với những thiết bị phần cứng theo chính yêu cầu của họ thông qua việc đặt hàng qua điện thoại. Ngay khi nhận được yêu cầu, Dell sẽ tiến hành lắp ráp và xuất xưởng trong vòng 48 giờ để giao đến tay khách hàng – một thành tích ấn tượng.

Những quyết sách đúng đắn trong những ngày đầu thành lập đã khiến Dell trở thành một trong những thương hiệu máy tính nổi tiếng thế giới lúc đó.

Người bạn tốt Asus

bat tay

Các đây chỉ một thập kỉ, chúng ta còn chưa biết đến cái tên Asus. Đó thật sự là một cái tên mới mẻ và xa lạ đối với thế giới – một nhà sản xuất nhỏ những thiết bị bo mạch nhỏ cho các hãng máy tính lớn.

Dell lúc này đã là một trong những nhà sản xuất máy tính có thương hiệu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên ngành công nghệ điện tử ngày càng phát triển khiến hãng cũng đã có những nhà máy sản xuất riêng của mình để sản xuất những thứ linh kiện quan trọng nhất như bo mạch chủ, RAM hay màn hình. Asus lúc này chỉ là một trong những nhà thầu đảm nhận những linh kiện bo mạch nhỏ cùng những thiết bị kém quan trọng khác.

Nhưng tất cả đã thay đổi từ đây, khi vào một ngày nhà sản xuất đến từ Đài Loan đã đưa ra cho Dell một đề nghị không thể hấp dẫn hơn. Asus sẽ đảm nhận toàn bộ các công việc sản xuất các bo mạch chủ cho Dell với mức giá rẻ hơn lên tới 20%.

Với 20% lợi nhuận được tăng thêm cộng với việc Dell trút bỏ gánh nặng phải quản lý rất nhiều nhà máy sản xuất bo mạch cùng hàng ngàn công nhân đã khiến cho hãng gật đầu ngay lập tức mà không phải suy nghĩ gì.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Sau một khoảng thời gian đảm nhiệm vai trò mới, Asus lại đến và đưa ra lời đề nghị còn hấp dẫn hơn: "Chúng tôi đã thực hiện  tốt việc chế tạo các bo mạch chủ dành cho bạn.Tại sao bạn không để chúng tôi lắp ráp toàn bộ máy tính cho bạn? Việc lắp ráp các sản phẩm không phải là những gì làm cho bạn thành công. Chúng tôi có thể đưa tất cả những chi phí còn lại ra khỏi bảng cân đối của bạn, và chúng tôi có thể làm cho giá cả của sản phẩm ít hơn 20% nữa."

“Chúa ơi, đó là một ý tưởng tuyệt vời”. Và sau đó Dell nhận ra rằng đây chính là chiến thắng kép cho cả hai công ty và đã lơ là với chính người bạn của mình.

Thời gian tiếp theo, Dell đã trao lại toàn bộ việc quản lý chuỗi cung ứng của chính mình rồi tiếp đến chính là thiết kế của máy tính cho Asus. Một chiếc máy tính Dell thời gian này chỉ cơ bản là đóng mác của hãng nhưng thực chất toàn bộ bên trong lại đến từ nhà sản xuất đến từ Đài Loan. Việc làm của Dell lúc này chỉ là ngồi một chỗ nhận đơn đặt hàng, giao hàng và thu lợi nhuận. Một cái kết quả “trong mơ”, Dell nghĩ như vậy.

Người tí hon hóa khổng lồ

Asus

Năm 2005, Asus chính thức công bố thương hiệu máy tính cả nhân của chính mình trên thế giới. Mọi thứ thật dễ dàng đối với họ khi mà mọi thứ họ học được từ Dell sẽ được áp dụng cho chính bản thân của hãng.

Từ thị trường, cách quản lý chuỗi cung ứng cho đến quy trình sản xuất. Mọi thứ đều thành một dây chuyển hoàn chỉnh sau khi Asus đã “thực tập” bao nhiêu năm. Họ chỉ việc đến với các khách hàng của Dell và nói rằng sản phẩm của họ tốt như máy tính của Dell nhưng giá cả lại thấp hơn 20%.

Thành công đôi khi phải đến từ những gì khó khăn nhất. Asus đã có được thứ mà mình mong muốn sau suốt bao nhiêu năm phải núp bóng của “người khổng lồ” và chịu chấp nhận làm những gì mà người khác không muốn làm.

Việc lớn mạnh như ngày nay để trở thành một trong những nhà cung cấp máy tính cá nhân hàng đầu thế giới xuất phát từ chính con đường đúng đắn nhất nhưng cũng không ít chông gai mà Asus đã trải qua.

Cái kết không mong muốn

Dell đã quá lâu không xuất xưởng một sản phẩm của chính mình. Họ quá phụ thuộc vào Asus và đánh mất khả năng sáng tạo vốn là thế mạnh trước kia. Có thể Dell đã thành công khi kinh doanh chủ yếu phục vụ cho lợi nhuận, nhưng Dell đã thuê ngoài một cái gì đó rất quan trọng mà bây giờ hãng mới có thể nhận ra.

Phạm Tùng


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang