Dùng son môi cho trẻ - Lợi bất cập hại

author 07:36 14/05/2014

(VietQ.vn) - Trẻ dễ bị kích ứng, thậm trí tổn thương môi nếu dùng các loại son, sáp dưỡng môi kém chất lượng.

Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ thông tin và tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng son môi cho con em mình. Trên thị trường có rất nhiều loại son, sáp dưỡng môi dành cho trẻ nhỏ được bày bán, tuy nhiên để lựa chọn được loại son phù hợp cho trẻ không phải là điều dễ dàng, bởi hiện nay hàng giả, hàng kém chất lượng bán tràn lan khó kiểm soát. 

Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh hay lựa chọn các loại son dưỡng môi chống nứt nẻ để bảo vệ da môi cho con nhỏ. Nhiều sản phẩm dưỡng môi còn đề nhãn dùng cho trẻ từ sơ sinh.

Sử dụng son môi cho trẻ nên có sự tư vấn của bác sỹ chuyên ngành. Ảnh minh họa.

Chị Lê Thị Thúy (Thanh Oai, Hà Nội) có con nhỏ 4 tháng tuổi thường xuyên phải dùng các loại sáp, son dưỡng môi để bôi cho con. Chị Thúy cho biết, con chị từ lúc sơ sinh đã có triệu chứng khô môi. Đặc biệt, khi thời thời khô hanh, môi bé càng nứt nẻ và bong tróc nhiều hơn. Nghe bạn bè mách, chị Thúy tìm mua loại son dưỡng môi dạng tuýt của Đức về bôi cho con thì thấy tình trạng có giảm. Tuy nhiên hiệu ứng không được lâu, vì mỗi lần cho con bú, lớp son trôi mất chị lại phải bôi lớp mới, mỗi ngày từ 4 đến 5 lần.

“Trong tờ hướng dẫn sử dụng có ghi, son dưỡng có thành phần 100% từ tự nhiên, không gây nguy hại ngay cả khi tiếp xúc với miệng trẻ. Tuy vậy, mình vẫn hơi lo vì không biết dùng thường xuyên như vậy có ảnh hưởng gì không”. Chị Thúy chia sẻ.

Thấy con có hiện tượng khô môi, bong vảy, chị Hoàng Thị Nga (Hà Đông, Hà Nội) đã vội vã lên mạng tìm kiếm và chọn mua sản phẩm sáp dưỡng môi cho con nhỏ 6 tháng tuổi. Chị đặt hàng trực tuyến sản phẩm dưỡng môi dạng thỏi được giới thiệu nhập khẩu từ Nhật Bản có giá 135 nghìn đồng trên trang web shopme…be.net.

Tuy nhiên, khi bôi son buổi sáng thì buổi chiều môi bé có hiện tượng phồng đỏ, bé quấy khóc, bú khó khăn khiến chị Nga phải dùng khăn ướt lau sạch lớp sáp và dùng dưa leo chà nhiều lần lên môi bé mới đỡ rát đỏ.

“Em có gọi điện đến cửa hàng đã mua son thắc mắc thì nhân viên bán hàng khẳng định đó là hàng chính hãng, họ nói có thể bé bị dị ứng với son dưỡng. Chắc em sẽ chuyển sang dùng mật ong và dưa leo để dưỡng môi cho cháu, chứ dùng mỹ phẩm hãi lắm rồi!”. Chị Nga nói.

Còn chị Chu Thị Quế (Hoàng Mai, Hà Nội) có con gái 5 tuổi đang học mẫu giáo rất thích “làm đỏm” với các loại son phấn, trang điểm. Chị Quế cho biết, ngày nào cháu cũng bắt mẹ phải tô son và đánh phấn cho mới chịu đến trường. Chiều con, chị thường mua các loại son giá rẻ hoặc son nước về tô cho bé, đôi khi sử dụng luôn son của mình để tô cho con.

“Gần đây, đọc thông tin trên báo chí về các loại son môi kém chất lượng dành cho trẻ nhỏ có chứa chất độc hóa học gây nguy hiểm, mình không dám dùng các loại son màu nữa mà chuyển sang dùng các loại son dưỡng để tô cho con. Không biết trước đây dùng các loại son màu kia có nhiễm độc gì hay không, nhưng bây giờ nhìn môi con bé, mình có cảm giác không được tươi tắn tự nhiên”. Chị Quế lo ngại.

Nhiều bà mẹ khi thấy con em mình có các biểu hiện khô môi, nứt nẻ thường sốt sắng tìm mua các sản phẩm son hoặc sáp dưỡng môi về sử dụng mà ít quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Các loại son dưỡng môi là hàng giả kém chất lượng thường chứa các độc tố như chì, kim loại tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm độc cho trẻ.

Các chuyên gia y tế cũng nhận định, da của trẻ vốn rất nhạy cảm, một số trẻ có cơ địa dị ứng với các loại mỹ phẩm như son, sáp dưỡng môi khiến cho môi trẻ bị phản ứng như phồng rộp, ngứa rát, thậm trí bóng nước mưng mủ.

Trả lời trên PNO mới đây, PGS-TS Trương Phương, bộ môn Hóa-Dược, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, các loại son môi có màu rực rỡ lâu phai dễ chứa các chất hóa học ngấm vào da gây độc cho cơ thể.

“Chất hóa học có thể được nuốt vào khi người dùng liếm môi, ăn uống nên không chỉ gây độc, dị ứng cho làn môi mà còn tác động gây rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt đối với cơ thể của trẻ thì càng không thể lường trước được những tác hại”. PGS-TS Phương nhận định.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, phụ huynh không nên lạm dụng son, sáp dưỡng môi để bôi cho trẻ khi thấy chúng có các biểu hiện khô môi, nứt nẻ. Trong trường hợp bị nặng và thường xuyên, cần tham kiến tư vấn của các bác sỹ chuyên ngành trước khi sử dụng.

Phụ huynh cũng có thể dùng các phương pháp dân gian dễ sử dụng như dùng mật ong nguyên chất, dưa leo, dầu oliu thoa lên môi trẻ. Chú ý đến chế độ ăn uống, bổ sung đầy đủ vitamin B2, B6, PP và khoáng chất đồng thời cho trẻ uống nhiều nước cũng là phương pháp làm giảm và đẩy lùi các triệu chứng khô môi.

Quang Long

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang