Mối nguy hại từ đường nhập lậu

author 16:09 24/03/2015

(VietQ.vn) - Đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị phát hiện với số lượng lớn. Ăn phải loại đường này có thể gây cảm giác nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc có thể dị ứng nếu dùng với số lượng nhiều.

Triệt phá cơ sở đường không rõ nguồn gốc

Gần đây, nhiều mặt hàng đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị phát hiện. Sáng 10/2, Phòng An ninh kinh tế Công an TP.Cần Thơ và lực lượng quản lý thị trường phát hiện một kho chứa đường cát không rõ nguồn gốc tại số 565, tổ 19, ấp Thới An, xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện kho hàng trên chứa hơn 100 tấn đường cát trong các bao tải trắng, không nhãn mác, không địa chỉ xuất xứ, theo ghi nhận trên báo Thanh niên.

An toàn thực phẩm được các cơ quan chức năng thắt chặt quản lý

Đường nhập lậu được đưa vào thị trường Việt Nam

Lực lượng kiểm tra tiến hành lập biên bản và niêm phong kho đường trên. Hiện chưa có ai đứng ra nhận là chủ sở hữu. Qua điều tra, các cơ quan đã nghi ngờ đây là đường nhập lậu qua biên giới về Cần Thơ tiêu thụ.

Các cơ quan chức năng đã và đang phối hợp thanh kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng đường, nhưng hiện vẫn còn không ít "đường ba không" (không nhãn mác nguồn gốc, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng), len lỏi đi vào thị trường.

Mối nguy hại từ đường nhập lậu, đường hóa học

Mối nguy hại từ những sản phẩm đường nhập lậu, đường do những cơ sở sản xuất thủ công mất vệ sinh trong khâu chế biến, hay tiềm ẩn dùng các loại phụ gia không được phép sử dụng trong tẩy trắng đường… bắt đầu khiến người tiêu dùng lo lắng hơn.

Vì sợ đường quá trắng do có chất tẩy, nhiều người tiêu dùng chuộng đường vàng. Nắm được tâm lý này, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã mua đường kém chất lượng, đường lậu, rồi dùng hóa chất (không được phép sử dụng) để cho ra loại đường vàng, đẹp mắt, đánh lừa người mua. Khi thương lái mua đường lậu đóng vào các bao nhỏ, quá trình này cũng không đảm bảo vệ sinh, có nhiều tạp chất không hòa tan.

Trên thị trường, phát hiện một loại đường với dòng chữ Tang Jing mờ nhạt trên bao bì, được nhiều người chuyên bán đồ ăn ưa dùng. Ngoài ra, trên bao bì không hề ghi thành phần, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Hạt đường này to gần bằng hạt đậu xanh, được người bán quảng cáo là có độ ngọt gấp 500 lần đường cát bình thường, với giá bán khoảng 90.000 đồng/kg. 

Phát hiện đường không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc

Phát hiện đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Báo VnExpress dẫn lời Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy, giảng viên khoa Công nghệ hóa học và Thực phẩm, ĐH Nguyễn Tất Thành, TP HCM cho biết các loại đường hóa học chỉ tạo vị ngọt, không có trong tự nhiên, không có giá trị dinh dưỡng và không chuyển hóa được. Ăn phải thực phẩm chứa nhiều đường hóa học có thể gây cảm giác nhức đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn hoặc có thể dị ứng nếu dùng với số lượng nhiều.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đường hóa học (tạo vị ngọt) thiếu kiểm soát cũng là vấn đề cần lưu ý hiện nay. Đường sinh học dùng cho chuyển hóa tế bào là glucose, nhưng trong thực tế cuộc sống thường đưa vào cơ thể các dạng đường đơn, đường đa như fructose, mantose, saccharose, tinh bột.

Còn các loại đường hóa học - các loại chỉ tạo vị ngọt chứ không chuyển hóa được - để dùng trong việc điều trị cho những người bệnh thừa cân hay đái tháo đường. Về bản chất, chúng là saccharin hay manitol, acesulfam K, aspartam, isomalt, sorbitol, sucraloza được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm với giới hạn tối đa và có quy định rõ ràng.

Ngọc Lưu (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang