Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế: Trung Quốc vi phạm trắng trợn

author 13:42 11/06/2014

(VietQ.vn) - Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế nhận định Trung Quốc vi phạm trắng trợn khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam. Việt Nam có toàn quyền quyết định các biện pháp hợp pháp bảo vệ chủ quyền của mình

Nguyên chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) khẳng định như vậy tại buổi họp báo sáng 11/6.

Đề nghị Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý

Được sự ủy quyền của IADL, ông Jitendra Sharma, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch danh dự, Nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, công bố bản tuyên bố của Hội về tình trạng vi phạm leo thang tại biển Đông.

Nguyên chủ tịch IADL đọc bản tuyên bố của Hội về hành vi vi phạm của Trung Quốc tài biển Đông

Theo đó, IADL bày tỏ quan ngại Hội Luật gia dân chủ quốc tế bày tỏ quan ngại về những căng thẳng đang gia tăng giữa các nước trong khu vực liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông cũng như khả năng xảy ra xung đột, đe dọa trực tiếp tới hòa bình, ổn định và an ninh khu vực Đông Nam Á.

Trước việc Trung Quốc vào ngày 2/5 tiến hành hạ đặt giàn khoan khu vực hạ đặt dàn khoan này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. IADL hiểu rằng sau khi phía Việt Nam lên tiếng phản đối, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu và máy bay, bao gồm cả tàu quân sự tới khu vực trên.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi tàu Trung Quốc đâm và sử dụng vòi rồng bắn vào một số tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người. IADL cũng được thông báo về một số vụ đâm vào các tàu đánh cá của Việt Nam, gây hư hại một số tàu, làm bị thương ngư dân và thậm chí khiến một tàu đánh cá của Việt Nam bị chìm.

Sau khi xem xét sự việc này, IADL đã quyết định gửi thư tới chính quyền Trung Quốc với nội dung: Nhắc nhở tất cả các bên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuyệt đối tuân thủ UNCLOS 1982, Công ước mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là quốc gia thành viên;

IADL cũng đề nghị phía Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của các hành động đưa giàn khoan HD - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đưa tàu, máy bay và tàu quân sự tới hoạt động gần khu vực giàn khoan HD - 981; tiến hành những hành vi khiêu khích như đâm, bắn vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người cũng như các vụ việc tấn công tàu cá của Việt Nam xảy ra từ ngày 07/5/2014

Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn

Trước câu hỏi bước đi tiếp theo của Việt Nam là gì trong tình hình Trung Quốc tiếp tục có những hành vi leo thang gây căng thẳng tại khu vực giàn khoan, ông Jitendra Sharma nhận định:  Sẽ là vội vàng nếu IADL dự báo hành động tiếp theo của Việt Nam, tuy nhiên Hội này sẽ luôn sát cánh và ủng hộ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề tại Biển Đông.

Trung Quốc trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế khi đặt giàn khoan Hải dương 981 trong vùng biển đặc quyền Việt Nam

“ Việt Nam là một dân tộc ưa chuộng hòa bình nên tôi tin là các bạn sẽ lựa chọn cách thức giải quyết theo hướng hòa bình. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam là hành động vi phạm luật pháp trắng trợn. Vì vậy, Việt Nam có toàn quyền quyết định các biện pháp hợp pháp bảo vệ chủ quyền của mình. Dù Việt Nam quyết định như thế nào thì IADL cũng luôn sát cánh ủng hộ các bạn. Nếu Việt Nam quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, không chỉ về cơ sở pháp lý, chúng tôi còn có thể cử những luật sư có kinh nghiệm trong các vụ kiện quốc tế để hỗ trợ bất cứ khi nào Chính phủ  Việt Nam cần.”

Về phát ngôn của một vị tướng Trung Quốc cho rằng Công ước về Luật biển năm 1982 không thể áp dụng để giải quyết tranh chấp tại khu vực biển Đông, ông Jitendra Sharma khẳng định đây là quan điểm sai lầm.

“Toàn bộ văn bản công ước Luật biển 1982 không hề có nội dung loại trừ đối tượng nào. Bất cứ trường hợp nào liên quan tới tranh chấp đảo, vùng biển đều phải vận dụng công ước này để giải quyết”.

Trong trường hợp Việt Nam quyết định kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, ông Jitendra Sharma cho rằng Việt Nam có thể tham khảo các án lệ trước đó để làm cơ sở định hướng cho các vụ kiện tương tự về sau.

“Chúng ta vẫn phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ lẽ phải và quyền lợi chính đáng của chúng ta. Thực ra trong vụ việc của Philippines, cơ sở pháp lý của họ chưa thực sự mạnh mẽ nên có thể họ hơi đuối trong việc giải quyết vấn đề của mình. Nhưng đối với trường hợp của Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý nên Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi.”

Tuy nhiên, ngay cả khi tòa án quốc tế ra phán quyết có lợi cho phía Việt Nam, vị chuyên gia luật quốc tế cũng khẳng định, chế tài của phán quyết chưa có sức mạnh trong thực thi.

“Thực ra chúng ta không có cách nào để buộc một nước phải tuân thủ theo phán quyết của tòa án quốc tế, bởi bản thân tòa án quốc tế chỉ là cơ quan đưa ra phán quyết chứ không có cơ chế cưỡng chế thực thi. Trừ khi Liên Hợp Quốc tuyên bố nếu nước nào đó không thực hiện theo phán quyết của tòa án quốc tế thì nước đó sẽ bị tước bỏ tư cách thành viên LHQ.Cho dù phán quyết không được thực thi, nhưng việc chúng ta đưa vụ việc ra tòa án quốc tế cũng tăng thêm sức mạnh trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam”, nguyên Chủ tịch IADL chia sẻ.

Bình luận thêm về vấn đề này, ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, khẳng định giá trị phán quyết của tòa án quốc tế chính là tiếng nói của lẽ phải, đạo đức, phù hợp với luật pháp quốc tế. Qua đây, dư luận thế giới sẽ tin tưởng ủng hộ những gì thuộc về lẽ phải để Việt Nam tự tin đi tới hành động đấu tranh khác nhằm bảo vệ chủ quyền của đất nước.


Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang