'Bóc phốt' thủ phạm giết chết khoảng 70.000 người mỗi năm

author 05:50 25/05/2017

(VietQ.vn) - Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết, ước tính mỗi năm có khoảng 70.000 người chết sớm do ô nhiễm không khí gây ra bởi ôxit nitơ (NOx) từ khí thải động cơ diesel.

Theo báo cáo được công bố mới đây, lượng khí thải ôxit nitơ từ xe ô tô, xe tải và xe buýt chạy bằng động cơ diesel có thể cao hơn và gây nguy hiểm hơn so với những ước tính trước đây.

Theo số liệu từ 30 nghiên cứu, ôxit nitơ trong không khí vượt quá mức quy định có liên quan đến 38.000 ca chết sớm trên toàn thế giới vào năm 2015. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng số người chết do ôxit nitơ từ khí thải động cơ diesel có thể lên đến con số hơn 180.000 người vào năm 2040 nếu chính phủ các nước không có những giải pháp kịp thời.

Khí thải từ động cơ diesel có những tác hại khôn lường đến sức khỏe con người. Nguồn ảnh: DW.com.

Khí thải từ động cơ diesel có những tác hại khôn lường đến sức khỏe con người. Nguồn ảnh: DW.com. 

Ôxit nitơ từ khí thải động cơ diesel chủ yếu gồm oxit nitric (NO) và Nitơ điôxít (NO2). Trong họ NOx thì NO2 là độc hại nhất. NO2 là chất khó hòa tan nên nó có thể đi theo đường hô hấp đi sâu vào phổi gây viêm phổi và làm hủy hoại tế bào của phế nang. Khi vào được phổi, 80% lượng NO2 bị giữ lại, gây ra các bệnh về đường hô hấp và tổn thương cho mắt và dạ dày ở người. Bên cạnh đó, sự hiện hữu của ôxit nitơ trong không khí còn ảnh hưởng đến quá trình cân bằng hydrocacbon tạo thành lớp quang hóa, nguyên nhân tạo ra O3 ở tầng đối lưu, gây hủy hoại tầng ôzôn.

Hiệp hội Quốc tế về Phương tiện giao thông thân thiện xem xét thị trường ở Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Theo đó, các khu vực này đã sản xuất và tiêu thụ hơn 80% lượng xe chạy bằng động cơ diesel vào năm 2015. Và khoảng 107.600 trường hợp tử vong sớm liên quan đến ôxit nitơ vào năm 2015 cũng tập trung ở những khu vực này.

Trong đó, Trung Quốc có số ca tử vong do ôxit nitơ từ khí thải diesel cao nhất với khoảng 31.400 ca được ghi nhận. Khu vực EU chiếm vị trí thứ hai với tổng cộng 28.500 người chết. Ấn Độ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với 26.700 ca tử vong do ôxit nitơ.

Tác hại khôn lường từ khí thải động cơ Diesel (VietQ.vn) - Các nhà khoa học cảnh báo, các hạt bụi siêu nhỏ trong khí thải động cơ diesel có thể xâm nhập vào phổi và máu, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Theo bà Susan Anenberg, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Áp lực lên tầng ozon mỗi năm sẽ giảm xuống 10% nếu lượng khí thải từ động cơ diesel nằm trong ngưỡng cho phép, và 20% nếu các tiêu chuẩn quản lý khí thải diesel nghiêm ngặt hơn nữa”.

Sau vụ bê bối "Dieselgate" của Volkswagen – hãng sản xuất xe hơi nổi tiếng của Đức đã thừa nhận cài đặt thiết bị điều chỉnh nồng độ khí thải trên 11 triệu xe Volkswagen trên toàn cầu nhằm qua mắt giới chức môi trường, việc xả thải của các phương tiện sử dụng động cơ diesel đang được giám sát công khai ở EU. Các nhà lập pháp đã kêu gọi chính quyền châu Âu nhanh chóng đưa ra các quy định khắt khe hơn để ngăn chặn các nhà sản xuất ô tô gian lận trong việc kiểm tra khí thải.

Mới đây, Madrid là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới tuyên bố sẽ cấm các phương tiện sử dụng động cơ diesel vào năm 2025. Trước thực tế trên, để giảm thiểu rủi ro cho con người, các nhà nghiên cứu cảnh báo, chính phủ các nước phải có hành động kịp thời để giải quyết tình trạng này.

Gian lận của Volkswagen cho phép những chiếc xe của hãng này thải  ra lượng khí thải gấp 10-40 lần tiêu chuẩn cho phép. Nguồn ảnh : DW.com.

Gian lận của Volkswagen cho phép những chiếc xe của hãng này thải  ra lượng khí thải gấp 10-40 lần tiêu chuẩn cho phép. Nguồn ảnh : DW.com. 

Liên quan tới khí thải từ phương tiện giao thông, theo các chuyên gia về môi trường Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội do các phương tiện giao thông gây ra còn nhiều hơn cả ô nhiễm từ các KCN. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, hiện nay với số lượng khoảng 7,3 triệu xe gắn mà và hơn 600.000 xe ô tô, mỗi ngày chỉ cần tiêu thụ hết 0,5 lít xăng (đối với xe gắn máy) và 1 lít xăng – dầu (đối với xe ô tô), thì một ngày trên địa bàn thành phố tiêu tốn khoảng hơn 4 triệu lít nhiên liệu.

Thống kê cũng cho thấy, hiện Hà Nội có khoảng 6 triệu phương tiện giao thông. Và với số lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều như vậy nên lượng khí thải xả ra môi trường cũng rất lớn. 

Theo tính toán của các chuyên gia, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cho thấy, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% Hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxit (CO); 57% ôxit nitơ… trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Và xe máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.

Lượng khí thải ra môi trường từ các phương tiện giao thông không chỉ là vấn đề nằm ở góc độ tiêu tốn về mặt kinh tế, mà điều đáng quan tâm là lượng khí thải từ hàng triệu phương tiện mỗi ngày xả trực tiếp ra môi trường có những chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hoạt động của phương tiện giao thông cũng tạo ra những bụi bay lơ lửng trong không khí khá cao.

Nói về tác hại của khí thải trên, các chuyên gia y tế cho rằng, nếu người dân hít phải lượng khói, bụi từ hoạt động của các phương tiện giao thông gây ra về lâu dài có thể gây ung thư hoặc mắc phải những bệnh tật về đường hô hấp… Đặc biệt, với người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh hen suyễn…, khi hít phải nhiều khí thải độc hại từ xe cộ dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do chít hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc đi cấp cứu kịp thời.

Xuân Hồng (dịch)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang