Trung Quốc tiếp tục mạnh tay xử lí quan tham ngành giáo dục và hàng không

author 16:06 08/12/2015

(VietQ.vn) - Gần đây, nằm trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, các quan chức thuộc các ngành giáo dục, ngành hàng không liên tục "ngã ngựa".

Sự kiện: Tham nhũng ở Trung Quốc

Theo báo điện tử Thanh tra, trong cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện từ khi lên nắm quyền đến nay, ngoài việc "đả hổ diệt ruồi", một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là diệt trừ quan tham Trung Quốc trong ngành giáo dục, đặc biệt là trong các trường đại học.

Gần đây nhất, ngày 3/12, một phiên tòa đã được mở để xét xử Cai Rongsheng- cựu quan chức Phòng Đào tạo của Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc (một trong những trường đại học nổi tiếng nhất Trung Quốc). Người này bị cáo buộc đã nhận hối lộ ít nhất 23 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,6 triệu USD) từ 44 sinh viên của trường này để sửa bảng điểm, đổi ngành học. Được biết, trong số 44 sinh viên được Cai Rongsheng "giúp đỡ", có 1 người là con gái của 1 "đại gia" ở Hong Kong, Trung Quốc.

Phiên xét xử đối với Cai Rongsheng vì cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ không phải là trường hợp cá biệt về tình trạng tham nhũng, lạm dụng chức quyền trong ngành giáo dục ở Trung Quốc thời gian qua.

Còn nhớ, trước đó, ngày 1/12, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phải ra một loạt quyết định trừng phạt, với nhiều hình thức xử lý khác nhau, đối với 8 quan chức cấp cao của Trường Đại học Thông tin Trung Quốc (trong đó có cả Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng), vì cáo buộc sở hữu nhiều loại ô tô hạng sang, cũng như trang hoàng phòng làm việc của mình không khác gì phòng khách sạn 5 sao, đồng thời câu kết với nhau để che giấu những bê bối tài chính của trường đại học này.

Cũng trước đó, Wang Cizhao- Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Trung Quốc đã bị Bộ Giáo dục Trung Quốc ra quyết định cách chức vì bị cáo buộc đã lạm dụng chức quyền của mình để yêu cầu một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và tổ chức sự kiện phải "đại hạ giá" một loạt dịch vụ, để phục vụ cho tiệc cưới xa hoa, linh đình của con gái mình.

Hay như trường hợp của 3 quan chức Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh (một trường đại học cũng khá có tiếng ở Trung Quốc), gồm Yang Fangchun- Phó Giám đốc, Wang Yajie- Bí thư Đảng ủy và Dong Xi- Phó Bí thư Đảng ủy trường này, đã bị cách chức vì cáo buộc sử dụng nguồn ngân sách dùng cho nghiên cứu của trường để trả tiền cho nhiều bữa ăn và phòng ngủ ở khách sạn hạng sang. Để đối phó với bộ phận tài chính, kế toán của trường, 3 quan chức nói trên đã lập một danh sách những khoản chi phí nghiên cứu không có thực cho chính mình cũng như cho một vài "cộng sự tin cậy" của họ.

Không bị tố tham nhũng, hối lộ hay biển thủ, nhưng Liu Ya- Phó Giám đốc Trường Đại học Thương mại và Kinh tế quốc tế ở TP Bắc Kinh, cùng với Tang Guliang- cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại (thuộc Trường Đại học Thương mại và Kinh tế quốc tế ở TP Bắc Kinh), lại bị cáo buộc có hành vi che giấu khoản thu nhập thêm hàng năm trị giá khoảng 1,28 triệu nhân dân tệ (khoảng 200 nghìn USD) do tham gia vào Hội đồng Quản trị của nhiều công ty hoạt động kinh doanh ở TP Bắc Kinh. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Phó Giám đốc Liu Ya bị cách chức, đồng thời tài sản bất hợp pháp của cả 2 người Liu Ya và Tang Guliang bị cơ quan chức năng tịch thu.

Quan tham Trung Quốc bị xử lí

Quan tham Trung Quốc Xu XiangDong, phó giám đốc công ty sân bay Bạch Vân bị bắt điều tra ngày 1/12. Ảnh: Một thế giới

Không chỉ ngành giáo dục bị "sờ gáy", ngành hàng không Trung Quốc bị đánh tham nhũng, vì những mờ ám trong việc xin-cho mở đường bay, đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị.

Theo một thống kê gần đây cho biết, ngàng hàng không Trung Quốc bị đánh  tham nhũng, vì những mờ ám nói trên, cùng khả năng "chạy chọt" để có lịch bay "đẹp".  Cũng như ngành tài chính, ngành hàng không dân dụng Trung Quốc chính là trọng điểm đánh tham nhũng của các cơ quan điều tra trong vòng một tháng qua,  khi có tới 3 quan chức cấp cao bị “ngã ngựa”, báo Một thế giới đưa tin.

Quan hàng không bị điều tra đầu tiên là Xian Min, chủ tịch công ty hàng không Nam Phương (China Southern Airlines). Thông tin bắt điều tra Xian được Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương (CCDI) công bố ngày 4/11. Trước đó, 3 tổng giám đốc và 1 giám đốc của Nam Phương bị sa lưới.

Ngày 25/11, đến lượt Zhou LaiFen, phó cục trưởng Cục hàng không dân dụng bị bắt điều tra. Cuối cùng là Xu XiangDong, phó giám đốc công ty sân bay Bạch Vân bị bắt điều tra ngày 1/12. Trang web Ủy ban quản lý đầu tư vốn nhà nước tỉnh Quảng Đông ngày 2/12 đưa tin, Xu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng (thuật ngữ chỉ tham nhũng). Công ty Bạch Vân xác nhận thông tin này nhưng không đưa ra bình luận gì.

Từ Hướng Đông từ lâu là một nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị Quảng Đông. Tháng 3/2009, ông ta từng gửi thư đến cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, để phê bình và góp ý về “kế hoạch chuyển dịch và tái cơ cấu các ngành công nghiệp” của quốc hội Trung Quốc. 

Thu Thủy (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang