Các hiểu lầm khi chăm trẻ bị viêm đường hô hấp

author 23:17 28/04/2015

(VietQ.vn) - Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là lứa tuổi dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp. Đặc biệt, việc dùng kháng sinh kéo dài, ngại xịt nước muối biển, tự thực hiện khí dung tại nhà, đặt máy phun sương trong phòng điều hòa là những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc viêm đường hô hấp.

Sự kiện: Bệnh theo mùa

Chăm sóc trẻ sơ sinh viêm hô hấp ngày hè

Đối với tình trạng tự ý cho trẻ điều trị bằng kháng sinh khi bị viêm đường hô hấp, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Nguyên Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khẳng định: “Việc điều trị kháng sinh nhiều đợt kéo dài là hoàn toàn không nên vì sẽ làm tăng men gan, ảnh hưởng tiêu hóa của bé vì kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn có lợi cho cơ thể”, theo báo VietnamNet.

Trong khi đó PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, hầu hết các trường hợp viêm họng không dùng kháng sinh vì 90% là do vi rút. Chỉ dùng kháng sinh điều trị khi nguyên nhân viêm đường hô hấp do vi khuẩn gây bệnh.

Trẻ sơ sinh là lứa tuổi dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp

Trẻ sơ sinh là lứa tuổi dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp

Về việc vệ sinh mũi, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, khẳng định, “Nếu các cháu không có biểu hiện gì về bệnh thì không việc gì phải nhỏ nước muối suốt vì bình thường mũi đã có cơ chế tự làm sạch rồi. Nhưng với trẻ đang bị viêm mũi, dùng nước muối biển để xịt là một biện pháp trợ giúp mũi đẩy sạch vi khuẩn khỏi mũi họng và với trẻ chưa biết xì mũi thì cần dùng hút mũi 2 đầu để hút dịch mũi ra.”

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo việc phụ huynh tự đặt khí dung cho con tại nhà bởi đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng theo tiêu chuẩn quốc tế như tại bệnh viện thì sẽ thực sự là 1 ổ nhiễm khuẩn khiến bé ốm, bên cạnh đó khí dung có thể gây những phản ứng bất ngờ khiến bé ngừng thở.

Riêng trong sử dụng điều hòa, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Không nên đặt máy phun sương trong phòng điều hòa vì sẽ tạo độ ẩm cao dẫn đến trẻ dễ bị ốm. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa phòng điều hòa và bên ngoài cũng làm trẻ dễ bị viêm đường hô hấp.

Cách phòng ngừa một số bệnh viêm đường hô hấp

Đối với bệnh đau họng, nếu đau họng nhẹ bác sĩ sẽ cho uống thuốc. Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh. Dù ở thể nặng, hay nhẹ cha mẹ cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt dùng thuốc, không bỏ thuốc giữa chừng vi khuẩn sẽ tấn công trở lại khiến họng của trẻ bị đau trầm trọng hơn. Cho trẻ nghỉ ngơi, chăm sóc bằng những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

Cần giữ ấm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để tránh các bệnh viêm đường hô hấp

Cần giữ ấm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để tránh các bệnh viêm đường hô hấp

Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, dạy trẻ cởi bớt áo để không bị nóng quá lúc trời ấm lên và tạo trẻ thói quen đánh răng 2 lần/ngày khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.

Trẻ bị viêm phế quản ăn uống kém, hệ tiêu hóa không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng. Vì thế cần nấu các món ăn lỏng để trẻ tiêu hóa dễ hơn và nên chia thành nhiều bữa nhỏ cho trẻ dễ ăn. Nếu trẻ có nhiều đờm, hãy giục trẻ nhổ hết ra ngoài, không nuốt.

Nguy hiểm nhất là viêm đường hô hấp cấp tính do virus, vì bệnh này khởi phát rầm rộ, dễ biến chứng nguy hiểm, nếu không có phác đồ điều trị kịp thời dễ để lại những biết chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của trẻ sau này. Viêm đường hô hấp là một tổ hợp bệnh gồm cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản.

Vì vậy, trẻ cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bổ sung cho trẻ ăn uống giàu dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, uống nhiều nước hoa quả, ăn thêm bữa khi trẻ lành bệnh để bổ sung lượng dinh dưỡng thiếu hụt. Có thể dùng những thuốc hạ sốt thông thường, kết hợp với dùng nước ấm lau mát để hạ sốt cho trẻ. Với trẻ quá bé dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và làm thông mũi trước khi cho ăn, cho bú, theo báo Tiền Phong.

Ngọc Lưu (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang