6 sai lầm thường gặp khi đóng bỉm gây hại cho trẻ

author 11:21 10/04/2015

(VietQ.vn) - Đóng bỉm cả ngày, chọn bỉm sai kích thước hay đóng bỉm sai cách... là những sai lầm phổ biến khi chăm sóc trẻ sơ sinh của các bậc cha mẹ, khiến trẻ sơ sinh cảm thấy khó chịu và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

Đóng bỉm cả ngày, chọn bỉm sai kích thước hay đóng bỉm sai cách... là những sai lầm phổ biến khi cho trẻ sơ sinh mặc bỉm của cha mẹ. Hãy cùng tìm hiểu những sai lầm trong việc đóng bỉm cho trẻ.

Chọn bỉm không đúng kích cỡ

Sản phẩm bỉm vô cùng đa dạng từ chủng loại, màu sắc, họa tiết... Tiêu chuẩn chọn bỉm cho bé dựa vào lứa tuổi, kích cỡ, cơ địa. Do đó, khi đi mua bỉm bố mẹ nên nhớ, trên bao bì của mỗi bịch bỉm đều có ghi size bỉm tương ứng với mức cân nặng của trẻ. Có nhiều bà mẹ suy nghĩ cho con mặc bỉm size rộng thì trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Hoặc cho con mặc bỉm quá chặt để nước tiểu không chảy ra ngoài.

Để chăm sóc trẻ sơ sinh tốt cần chọn bỉm đúng kích cỡ

Để chăm sóc trẻ sơ sinh tốt cần chọn bỉm đúng kích cỡ

Tuy nhiên việc mặc bỉm quá rộng hoặc quá chật là một sai lầm khi dùng bỉm cho trẻ. Khi mặc bỉm size lớn, bỉm sẽ không ôm khít được háng bé khiến cho nước tiểu có thể tràn ra ngoài. Còn nếu mặc bỉm size nhỏ, điều này sẽ khiến trẻ không thoải mái và khó chịu. Vì vậy, để tiện lợi và an toàn nhất cho trẻ, mẹ nên chọn loại theo đúng lứa tuổi, cân nặng của trẻ, theo báo Phụ nữ và Đời sống.

Đóng bỉm sai cách

Với các mẹ thiếu kinh nghiệm, lần đầu đóng bỉm cho con vẫn còn lóng ngóng và chưa thành thạo nên không tránh khỏi việc đóng bỉm sai cách cho con. Các mẹ cần biết, với bé trai và gái thì cần có cách đóng bỉm khác nhau.

Đóng bỉm cho bé trai cần chú ý vùng kín của con khi đóng bỉm. Ngoài ra, các bé trai thường bị ướt ở phần trước của tã nên khi mua, mẹ nên lựa chọn loại bỉm có lớp lót phụ thêm ở phía trước.

Khi đóng bỉm cho bé gái thì bố mẹ nên lưu ý đặc điểm của các bé gái khi đi tiểu thường ướt ở giữa hoặc phía sau của tã nên mẹ cần chọn loại bỉm có độ dày tập trung ở vị trí con có thể tiểu nhiều nhất.

Cho con mặc bỉm 24/24

Đóng bỉm nhanh – gọn – tiện chính là lý do khiến nhiều bà mẹ ngày nay dường như đã quá lệ thuộc vào món đồ sơ sinh này, sẵn sàng cho con mặc 24/24, bẩn lại thay mà không hề bận tâm đến tác hại của nó. Điều này rất nguy hiểm, gây tổn hại đến sức khỏe và làn da của bé.

Đặc biệt vào mùa hè nóng bức nếu mặc bỉm 24/24 sẽ khiến bé nóng hơn gây khó chịu, quấy khóc. Nặng hơn là bé bị hăm, loét nơi mặc bỉm, viêm da, nhiễm khuẩn đường tiêu. Thậm chí bị suy thận. Một ngày, mẹ nên cố gắng để con được “thả rông” ít nhất vài tiếng để làn da bé được “thở” và tiếp xúc với không khí thoáng mát bên ngoài.

Để bỉm quá 8 tiếng

Quá bận rộn nên quên thay bỉm cho con, tiết kiệm nên muốn để bé “mặc cố” thêm vài tiếng là lỗi rất nhiều bà mẹ mắc phải. Trên lý thuyết, một miếng bỉm nếu chỉ chứa nước tiểu thì có thể mặc được trong nhiều nhất 4 tiếng, với tã giấy là 2-3 tiếng và nếu bé ị thì cần phải thay ngay lập tức.

Để bỉm quá 8 tiếng làm ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh 

Để bỉm quá 8 tiếng làm ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ sơ sinh

Ngoài ra, việc cho trẻ dùng bỉm cả ngày hoặc trong thời gian dài sẽ gây cho trẻ một thói quen xấu là nếu buồn thì cứ bài tiết tự động trong bỉm. Nếu vấn đề này kéo dài dần dần trẻ sẽ mất phản xạ gọi để báo cho cha mẹ lúc cần đi khi đã biết nói. Kết quả là trẻ có thể đi tiểu không kiểm soát được hoặc hay bị tè dầm khi lớn.

Dùng lại bỉm cũ

Con mới thay bỉm thì lại đến giờ đi tắm, tắm xong cho con mặc lại bỉm cũ, bỉm vừa mới thay nhưng lỡ dính ít phân, nhanh tay gạt đi để con mặc tiếp cho…tiết kiệm. Đây là thói quen của rất nhiều phụ nữ. Nhiều mẹ cũng thừa nhận, vì thấy bỉm còn quá mới, quá sạch nên thường cho con mặc một lúc buổi trưa đi ngủ, sau cởi ra, buổi đêm hay khi nào cần thì đóng lại bỉm cũ.

Tuy nhiên, một khi bỉm đã được mặc, dù bé tè nhiều hay ít, dù có dính phân chỉ chút xíu thôi cũng đã tạo điều kiện cho rất nhiều vi khuẩn xâm nhập. Nếu cho con mặc lại, bé sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, ngứa ngáy, nguy cơ hăm tã cũng rất cao.

Con đi mẫu giáo vẫn cho mặc bỉm

Trẻ sơ sinh có thể dùng bỉm nhưng khi bé đã được tối đa 3 tuổi, mẹ nên bắt đầu giúp con tạm biệt “người bạn” này. Mặc bỉm quá lâu không những khiến trẻ cảm thấy bức bối, dễ bị hăm và viêm nhiễm mà còn khiến bé không quen với việc đi tiểu tự chủ, gây khó khăn cho đường tiết niệu sau này, theo báo Kiến Thức.

Ngọc Lưu (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang