Vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong: Thêm nhiều nghi vấn mới

author 07:03 20/07/2017

(VietQ.vn) - Liên quan tới vụ việc 8 người tử vong sau chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (BVĐK Hòa Bình), ông Trần Quang Khánh - Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình đã có những chia sẻ với báo chí về nghi vấn.

Liên quan tới vụ việc 8 người tử vong sau chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (BVĐK Hòa Bình), ông Trần Quang Khánh - Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình đã có những chia sẻ với báo chí về nghi vấn của dư luận liên quan đến “hợp đồng chuyển nhượng” giữa Công ty Trâm Anh và Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn .

Trước đó, báo Lao Động đã có bài viết phản ánh nghi vấn BVĐK Hòa Bình ký hợp đồng kinh tế với một công ty kinh doanh "vịt trời". Theo tài liệu của báo này, ngày 25/5, BVĐK Hòa Bình ký hợp đồng kinh tế với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn với nội dung hợp đồng thể hiện gói thầu cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống nước RO số 02 cho BV Hoà Bình.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 25/5, hợp đồng trên đã được Thiên Sơn "chuyển nhượng" lại ngay cho một đơn vị thứ ba là Công ty Trâm Anh, có trụ sở tại Bắc Ninh đảm nhận.

Điểm đáng nói là trong giấy phép ngành nghề kinh doanh của công ty Trâm Anh có 37 ngành nghề kinh doanh như: sản xuất nồi hơi, sản xuất các kết cấu kim loại, sửa chữa máy móc thiết bị, phá dỡ công trình, buôn bán các loại vật liệu, vận tải hàng hoá, vệ sinh nhà cửa…hoàn toàn không liên quan đến ngành y hay lĩnh vực y tế.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Quang Khánh cho rằng, ông không chắc chắn có việc Công ty Thiên Sơn bán lại hợp đồng cho bên Công ty Trâm Anh hay không. Ông Khánh nói rõ, Sở Y tế Hòa Bình không có tài liệu gì về vụ việc nên không thể kiểm tra hay khẳng định được có chuyện bán lại hợp đồng giữa hai bên hay không.

"Việc này phải để cho các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Hiện chưa có cơ sở để kết luận có chuyện bán lại hợp đồng đó hay không. Cần phải hết sức thận trọng", ông Khánh nói.

Nhiều nghi vấn nổi lên xung quanh vụ việc 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BVĐK Hòa Bình. Ảnh: ST

Đối với thông tin có nhiều bản hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK Hòa Bình có giá trị dưới 100.000 triệu đồng, ông Khánh xác nhận có nghe thông tin về nhiều hợp đồng như vậy. Tuy nhiên, ông Khánh không nắm rõ cụ thể có bao nhiêu hợp đồng dưới 100 triệu như vậy. 

"Theo quy định với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên dưới 100 triệu thì bệnh viện sẽ quyết định, Sở không can thiệp. Sở chỉ phê duyệt những hợp đồng từ hơn 100 triệu trở lên", ông Khánh nói.

Cùng bình luận về các nghi vấn trên, LS Hoàng Nguyên Hồng cho biết,  BVĐK Hòa Bình là đơn vị trực tiếp ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn. Như vậy, bản thân bên A (BVĐK Hòa Bình) là đơn vị tổ chức thầu phải thành lập một hội đồng thẩm định, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để tham gia.

Về phía bên B (tức là Công ty Thiên Sơn) cũng phải đảm bảo đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm cũng như đảm bảo chất lượng trang thiết bị vật tư mới được tham gia.

Tuy nhiên, Công ty Thiên Sơn lại "chuyển nhượng" lại ngay hợp đồng cho bên thứ ba là Công ty Trâm Anh sau khi trúng thầu. Điều này khiến dư luận có thể đặt nghi vấn Công ty Thiên Sơn không có đủ năng lực tham gia dự thầu nhưng vẫn trúng thầu.

"Câu hỏi nói trên cần phải được trả lời rõ? Đặc biệt, hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn có vấn đề lợi ích nhóm ở đây không?", vị luật sư đặt câu hỏi. Về việc Thiên Sơn chuyển nhượng hợp đồng cho Công ty Trâm Anh, vị luật sư nhấn mạnh dù chuyển nhượng cho ai, trách nhiệm vẫn thuộc về BVĐK Hòa Bình.

"Ở đây tôi nhấn mạnh BVĐK Hòa Bình mà trực tiếp là người ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn sẽ phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể là bệnh viện phải chịu trách nhiệm đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện và chất lượng của dịch vụ do bên B cung cấp. Kể cả trong trường hợp bên B không có đủ năng lực mà phải thuê bên C thực hiện thì việc chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng sản phẩm y tế khi đưa vào sử dụng vẫn là BVĐK Hòa Bình. BVĐK Hòa Bình phải biết được chất lượng của sản phẩm đó là gì", ông Hồng nói rõ.

Ở một diễn biến khác có liên quan, ông Khánh cho hay, phía Sở Y tế Hoà Bình đang xem xét, đề nghị Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình (BVĐK Hoà Bình) - ông Trương Quý Dương - tự làm kiểm điểm, tự nhận hình thức xử lý, sau đó, hội đồng kỷ luật của Sở sẽ xem xét mức độ liên quan đến vụ việc, dưới trách nhiệm của người đứng đầu, để xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng.

Trong hồ sơ điều tra, ông Dương chính là người thay mặt BVĐK Hoà Bình ký kết các hợp đồng với đối tác, liên quan đến hoạt động chạy thận cho các bệnh nhân.

Phong Lâm (T/h)

Vụ 8 bệnh nhân tử vong: Thuê công ty xử lý nước thải bảo dưỡng hệ thống lọc nước chạy thận(VietQ.vn) - Dù có ngành nghề chính là thoát nước và xử lý rác thải nhưng công ty Trâm Anh lại được Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn thuê để bảo dưỡng hệ thống lọc nước cho máy chạy thận.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang